Bưởi Diễn bày bán tại siêu thị Londan. (Nguồn: TTXVN) |
Đây là sản phẩm của công ty cổ phần RYB (Hòa Bình), lần đầu tiên được nhập khẩu chính ngạch số lượng lớn (11 tấn) sang Anh bởi tập đoàn Longdan, nhà nhập khẩu hàng Việt lớn nhất tại nước này.
Trước đó, đầu tháng này, hơn 5 tấn bưởi đỏ Tân Lạc của công ty cổ phần Fusa (Hòa Bình) cũng lần đầu tiên đến Anh qua đường nhập khẩu chính ngạch của tập đoàn Longdan.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Giám đốc điều hành công ty RYB cho biết, lô hàng bưởi Diễn nhập khẩu vào Anh được trồng theo quy trình Global Gap và phải vượt qua quy trình kiểm định nghiêm ngặt về chất lượng và an toàn thực phẩm của Anh với hơn 800 tiêu chuẩn kỹ thuật.
Trong khi đó, theo Giám đốc tập đoàn Longdan Khôi Huỳnh, với hình thức đẹp, vị ngọt thanh mát, tép bưởi ráo, mọng nước, bưởi Diễn và bưởi đỏ Tân Lạc có chất lượng vượt trội so với các loại bưởi nhập khẩu đang bán tại thị trường Anh.
Ông Khôi chỉ ra rằng, mặc dù có giá cao hơn, song Longdan vẫn quyết định nhập khẩu hai loại bưởi đặc sản Việt Nam với mong muốn giới thiệu các loại hoa quả đặc sản vùng miền đến người tiêu dùng Anh, đồng thời đáp ứng nhu cầu của kiều bào tại quốc gia này.
Trong năm 2022, Longdan đã đẩy mạnh nhập khẩu các loại trái cây tươi Việt Nam như bưởi da xanh, nhãn lồng Hưng yên, vải thiều Bắc Giang…
Trong năm 2023, tập đoàn này sẽ tiếp tục đưa các đặc sản vùng miền của Việt Nam sang Anh với cam Cao Phong là đặc sản tiếp theo sẽ có mặt tại thị trường này ngay trong quý I/2023.
Cũng liên quan đến bưởi Việt Nam, ông Thái Trần, Giám đốc điều hành công ty TT Meridian Ltd, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, cho rằng: Với việc đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật của thị trường Anh, sản phẩm bưởi Việt Nam hoàn toàn có thể xuất khẩu không chỉ sang Anh mà còn sang cả thị trường châu Âu và Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7).
Ông Thái Trần nhận định, về chất lượng, độ ngọt, mẫu mã, bưởi Diễn không thua kém các sản phẩm đang bán ở thị trường Anh hiện nay.
Nếu các doanh nghiệp đảm bảo được mức giá tốt như chanh leo và thanh long Việt đang bán tại Anh, bưởi Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh tại thị trường này.
Theo ông Khôi Huỳnh, để cạnh tranh tại Anh, ngoài chất lượng, các nhà sản xuất, xuất khẩu Việt Nam cần đưa ra mức giá hợp lý vì bưởi Việt Nam dù ngon hơn các sản phẩm nhập khẩu cùng loại, nhưng mức giá cao hơn có thể là trở ngại để khuyến khích người tiêu dùng sử dụng lần đầu.
Ông Khôi cho rằng, các doanh nghiệp Việt cần chú trọng hình thức, mẫu mã, bao bì sản phẩm, đồng thời cần xây dựng chiến lược tiếp thị dài hạn để thâm nhập và trụ vững tại thị trường Anh.
Giám đốc Longdan cho biết, tập đoàn này sẵn sàng hợp tác với các nhà sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam, từ các doanh nghiệp lớn tới các hợp tác xã địa phương để quảng bá, đưa hàng Việt Nam sang Anh.
Đánh giá về tiềm năng của thị trường Anh, ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Anh cho rằng:
Có rất nhiều các loại trái cây được nhập khẩu vào Anh từ châu Âu cũng như các nguồn cung khác, tuy nhiên Việt Nam có những lợi thế về nhiều trái cây nhiệt đới mà các nước khác không có.
Hơn nữa, nhờ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Anh (UKVFTA), các loại trái cây Việt Nam xuất khẩu sang nước này được miễn thuế, là một lợi thế lớn mà các doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng triệt để.
Ông Nguyễn Cảnh Cường lưu ý, chỉ riêng cộng đồng 100.000 người Việt tại Anh ưu tiên mua hàng Việt Nam đã là cơ hội lớn, chưa kể 60 triệu người dân Anh, cao hơn rất nhiều so với dân số Hà Lan (16 triệu), quốc gia là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở châu Âu trong năm 2022.
Trong năm qua, xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Anh đạt gần 21 triệu USD, tăng hơn 8% so với năm 2021.