Đại dịch Covid-19 đã tác động đáng kể tới triển vọng kinh tế Hàn Quốc năm 2022. (Nguồn: SeongJoon Cho/Bloomberg) |
Trong báo cáo đánh giá kinh tế hàng tháng, Viện Phát triển Hàn Quốc (KDI) cho biết kinh tế nước này đang đối mặt với nguy cơ suy thoái ngày càng cao khi chính phủ phải tăng cường biện pháp hạn chế dịch Covid-19, trong khi tốc độ phục hồi của kinh tế toàn cầu đang có dấu hiệu chững lại
Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) dự báo kinh tế nước này sẽ tăng trưởng 3% trong năm 2022 sau mức tăng trưởng ước tính 4% trong năm 2021, trong khi Bộ Tài chính ước tính tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc trong năm 2022 ở mức 3,1%.
Kể từ tháng 12/2021, hoạt động chi tiêu tư nhân đã chịu tác động tiêu cực do các biện pháp giãn cách xã hội nhằm đối phó với đà tăng các ca mắc Covid-19. Chi tiêu tư nhân đã giảm 0,2% trong quý III/2021, sau khi tăng 3,6% trong quý trước, do diễn biến xấu đi của dịch bệnh.
Đà tăng các ca mắc Covid-19 và sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron đang làm gia tăng bất ổn kinh tế tại nền kinh tế lớn thứ tư châu Á.
Hàn Quốc đã nới lỏng chính sách hạn chế vào tháng 11/2021 theo kế hoạch “sống chung với Covid-19” trong nỗ lực dần dần trở lại cuộc sống trước đại dịch.Tuy nhiên, chính phủ đã thắt chặt trở lại các biện pháp ngày 18/12, trong đó giới hạn các cuộc tụ tập riêng tư xuống còn bốn người và yêu cầu các nhà hàng và quán cà phê đóng cửa sau 9 giờ tối. Chính phủ đã gia hạn các quy định giãn xã hội trong hai tuần đến hết ngày 16/1.
Bên cạnh đó, theo báo cáo của KDI, sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và những thay đổi trong chính sách tiền tệ của các nền kinh tế lớn sẽ là rủi ro với kinh tế Hàn Quốc.
Triển vọng thiếu chắc chắn liên quan đến việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bình thường hóa chính sách tiền tệ được đánh giá là một rủi ro lớn đối với kinh tế Hàn Quốc. Gần đây, đồng Won đã giảm xuống 1.200 Won đổi 1 USD lần đầu tiên kể từ ngày 24/7/2020, do triển vọng Fed thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn. Biên bản cuộc họp tháng 12/2021 của Fed cho thấy ngân hàng trung ương này có thể tăng lãi suất với tốc độ nhanh hơn dự kiến trong bối cảnh kinh tế phục hồi mạnh mẽ và lạm phát cao.
Trong bối cảnh đó, về chuỗi cung ứng, Hàn Quốc hiện đang nỗ lực tìm kiếm hợp tác với các quốc gia đối tác để khắc phục tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và đưa ra các biện pháp nhằm đảm bảo từng bước ổn định chuỗi cung ứng.
Ngày 7/1, Trưởng Ban Đàm phán Thương mại Yeo Han-koo đã tổ chức buổi tọa đàm tại Seoul với Đại sứ các nước đối tác lớn về chuỗi cung ứng toàn cầu. Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh Hàn Quốc đang đẩy mạnh các biện pháp đảm bảo ổn định chuỗi cung ứng đối với các nguyên liệu thiết yếu cho các ngành sản xuất, ngăn chặn khả năng tái diễn tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng sau những cú sốc cho nền kinh tế thời gian qua.
10 quốc gia tham gia cuộc họp gồm Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Philippines, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE), Mexico, Brazil và Chile. Đây là các quốc gia giàu sản xuất nguyên liệu thô, đang có các kênh hợp tác kinh tế, chẳng hạn như hiệp định thương mại tự do, với Hàn Quốc.
Trưởng ban đảm phán thương mại Hàn Quốc Yeo Han-koo phát biểu trong cuộc thảo luận với đại diện 10 nước đối tác về nối lại và ổn định chuỗi cung ứng. (Nguồn: YNA) |
Tại cuộc gặp, Trưởng Ban Đàm phán Thương mại Yeo Han-koo đã chia sẻ thông tin về những nỗ lực của Hàn Quốc nhằm nâng cao sức cạnh tranh chuỗi cung ứng sau cuộc khủng hoảng thiếu dung dịch xử lý khí thải động cơ diesel bắt nguồn từ việc Trung Quốc hạn chế xuất khẩu cuối năm 2021; đề xuất các nước đối tác cùng liên kết, hợp tác để vượt qua khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu hiện tại, khôi phục tính ổn định và năng lực phục hồi của chuỗi cung ứng.
Ông Yeo cũng kêu gọi tăng cường hợp tác thúc đẩy đầu tư, thương mại với các quốc gia sản xuất nguyên vật liệu, nhằm đa dạng hóa nguồn cung ở lĩnh vực khoáng sản và vật liệu quan trọng.
Đại diện các nước tham gia đã trình bày về tình hình, xu hướng chính sách chuỗi cung ứng của nước mình, trao đổi ý kiến về khả năng hợp tác chuỗi cung ứng với Hàn Quốc.
Bộ Công nghiệp cho biết sau cuộc gặp này, Bộ sẽ thảo luận với giới chuyên gia ở lĩnh vực công nghiệp, năng lượng, thương mại để đưa ra phương án tăng cường hợp tác với từng quốc gia.
Ngoài ra, Bộ này cũng đang nỗ lực tìm kiếm phương án hợp tác song phương, đa phương thông qua việc liên kết chuỗi cung ứng với các quốc gia đã ký kết, đang đàm phán hoặc có kế hoạch xúc tiến các hiệp định thương mại tự do (FTA).