📞

Lộc Ninh - Vùng đất biên giới Tây Nam giàu bản sắc

Hà Anh 14:16 | 20/11/2021
Baoquocte.vn. Những ai từng đặt chân đến Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước) - một huyện biên giới phía Tây Nam của Tổ quốc, có lẽ sẽ nhớ mãi những cánh rừng cao su bạt ngàn, những con đường đất đỏ bazan, cùng các di tích lịch sử với những cảnh sắc vô cùng độc đáo.
Những cánh rừng cao su đặc trưng tại huyện Lộc Ninh. (Ảnh: Hà Anh)

Với đường biên giới dài hơn 100km, Lộc Ninh tiếp giáp với huyện Sanuol, tỉnh Kratie và huyện Mimot, tỉnh Kongpongcham của Campuchia.

Từ TP. Hồ Chí Minh xuôi về Lộc Ninh khoảng 130 km với khoảng ba giờ đi xe ô tô, người ta có thể gác bỏ mọi sự ồn ã của đô thị để tận hưởng không khí trong lành và yên bình đặc trưng của mảnh đất vùng biên...

Tìm về lịch sử và quá khứ

Với những người đam mê lịch sử, Lộc Ninh hẳn sẽ một địa chỉ khá thú vị bởi nơi đây tập trung chủ yếu các di tích lịch sử gắn liền với thời kỳ kháng chiến.

Trên địa bàn huyện hiện có sáu di tích quốc gia và sáu di tích cấp tỉnh, chiếm hơn 40% tổng số di tích được công nhận trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Các di tích này có sự đa dạng về loại hình, giá trị và có nét đặc trưng, ghi dấu những sự kiện lịch sử của dân tộc trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Điển hình là Di tích Tà Thiết - căn cứ Bộ chỉ huy quân giải phóng miền Nam trong thời kỳ kháng chiến, được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2015. Hiện nay, khu di tích được tu sửa để phục vụ du khách các nơi tham quan như tượng đài chiến thắng, nhà truyền thống, nhà đón tiếp, khu quảng trường…

Di tích sân bay Lộc Ninh. (Ảnh: Hà Anh)

Lộc Ninh còn nhiều di tích lịch sử hấp dẫn khác để trải nghiệm như Bệnh viện Lộc Ninh được thực dân Pháp xây dựng để khám chữa bệnh cho chủ đồn điền, công nhân cao su từ năm 1936, Nhà Giao tế là trụ sở của Chính phủ Cách mạng lâm thời từ năm 1973-1975, được xây dựng để tiếp đón các phái đoàn ngoại giao trong nước và quốc tế...

Cách trung tâm thị trấn Lộc Ninh khoảng 1km, di tích Sân bay Lộc Ninh được Mỹ ngụy xây dựng để vận chuyển lương thực, đạn dược cũng là địa điểm lịch sử ý nghĩa. Nơi đây đã diễn ra trận chiến góp phần giải phóng Lộc Ninh, dẫn tới Chiến dịch Hồ Chí Minh thống nhất đất nước sau này.

Từ thị trấn Lộc Ninh, đi theo hướng địa danh Bù Đốp khoảng 10km là có thể đến di tích Cục Hậu cần Quân giải phóng miền Nam với cụm nhà bia, nhà tưởng niệm hơn 9000 liệt sĩ... Địa điểm này được Chỉ huy Cục Hậu cần chọn làm căn cứ đắc địa trong thời chiến bởi xung quanh có rừng rậm và nhiều hồ nước tự nhiên, thuận lợi cho hoạt động cách mạng.

Văn hóa bản địa đặc sắc

Tự hào là mảnh đất được giải phóng đầu tiên ở miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đời sống văn hóa của cộng đồng dân cư Lộc Ninh đang được gìn giữ và phát triển.

Tiêu biểu là ở xã Lộc Thuận, Lộc An, Lộc Hòa, nơi gìn giữ nhiều đặc trưng văn hóa và có đội múa cồng chiêng của người S’tiêng… thu hút ngày càng nhiều khách du lịch đến với Lộc Ninh.

Di tích Bãi Tiên. (Ảnh: Hà Anh)

Đặc biệt, xã Lộc Khánh có đồng bào dân tộc Kh’mer sinh sống lâu đời, còn gìn giữ nhiều loại hình di sản văn hóa truyền thống có giá trị và mang bản sắc riêng như lễ hội truyền thống, phong tục tập quán (tục xuất gia tu học, tục cưới truyền thống, nghề đan chiếu Lùng)...

Ngoài ra, Chùa Sóc Lớn được xem là trung tâm sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng của người Kh’mer ở huyện Lộc Ninh nói chung, xã Lộc Khánh nói riêng.

Đến Lộc Ninh, bạn không nên bỏ qua cơ hội tận mắt thấy ngôi mộ cổ hàng nghìn năm tuổi của người S’tiêng tại di tích Bãi Tiên được đắp bằng những phiến đá ong, thoạt nhìn hơi giống kim tự tháp Ai Cập. Nơi đây lưu dấu câu chuyện thần thoại gắn với lễ hội Dua Tpeng (còn gọi là Phá Bàu) có quy mô lớn của dân tộc S’tiêng.

Đánh thức tiềm năng du lịch

Mảnh đất biên cương Lộc Ninh đang từng bước phát triển và đánh thức những tiềm năng du lịch để trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút ngày càng nhiều du khách trong nước và quốc tế.

Thời gian qua, huyện Lộc Ninh luôn quan tâm đầu tư và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân xây dựng các sản phẩm đặc trưng, đồng thời đa dạng hóa các sản phẩm, loại hình du lịch để đáp ứng nhu cầu của du khách. Bên cạnh đó, huyện cũng thành lập Ban chỉ đạo biên soạn và phát hành cuốn cẩm nang Lộc Ninh, điểm đến du lịch về nguồn.

Cửa khẩu Quốc tế Hoa Lư. (Ảnh: Hà Anh)

Đến nay, huyện xây dựng được các tour du lịch khép kín, tới đây sẽ liên kết xây dựng các tuyến du lịch trong tỉnh, các tỉnh lân cận và tuyến du lịch với các nước trong khu vực Đông Nam Á như Lào, Campuchia, Thái Lan qua Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư.

Một số hình thức du lịch trải nghiệm mới cũng đang được huyện quan tâm khai thác như tour Du lịch cộng đồng, trải nghiệm văn hóa, hay tour vô cùng thú vị là Một ngày làm phu cao su.

Lộc Ninh là một trong những nơi tư bản Pháp tiến hành hoạt động khai hoang và lập đồn điền cao su với quy mô lớn. Vì vậy, Nhà máy chế biến mủ tờ của Công ty TNHH MTV cao su Lộc Ninh hiện nay vẫn giữ nguyên vẹn quy trình chế biến từ thời Pháp thuộc. Đây sẽ là lợi thế để huyện có thể thu hút du khách thông qua tour du lịch trải nghiệm đầy sức cuốn hút trong hiện tại và cả tương lai.

Đến Lộc Ninh hôm nay, bạn còn được chiêm ngưỡng công trình Thiền viện Trúc Lâm Bình Phước tọa lạc tại ấp Cần Dựt, xã Lộc Thịnh, hay dạo chơi quanh đập nước thuộc xã Lộc Thạnh.

Thiền viện Trúc Lâm Bình Phước. (Ảnh: Hà Anh)

Đây là đập nước nhân tạo được xây dựng để giữ nước tưới tiêu cho toàn xã, quanh năm bao phủ bởi màu xanh bạt ngàn của những rừng cao su. Bạn có thể đi câu cá, hái sen, hay đơn giản chụp hình hóng gió mỗi buổi chiều tà đón hoàng hôn.

Ngoài ra, Cửa khẩu Quốc tế Hoa Lư nằm ở xã Lộc Hòa, thông thương với cửa khẩu Trapeang Sre nằm ở Snoul, Kratie (Campuchia) cũng là một địa danh tham quan thú vị. Vào thời điểm chưa có dịch Covid-19, mỗi ngày có rất nhiều đoàn khách từ cửa khẩu hai nước qua lại khá nhộn nhịp, đông vui.

Đất níu chân người

Là một huyện miền núi còn nhiều khó khăn, nhưng Lộc Ninh đang minh chứng là mảnh đất lành khi luôn vươn lên nhằm xóa đói, giảm nghèo, cũng như níu chân rất nhiều người nhập cư từ miền Bắc ở lại.

Với kinh tế dựa nhiều vào nông và lâm nghiệp, người dân bản địa và người nhập cư Lộc Ninh chủ yếu trồng các loại cây công nghiệp như cao su, cà phê, điều, tiêu và các loại cây ăn quả lâu năm trên vùng đất đỏ bazan phì nhiêu.

Cột mốc vành đai biên giới tại Lộc Ninh. (Ảnh: Hà Anh)

Những năm trước đây, địa bàn huyện còn khá nhiều mảnh đất hoang hóa, cư dân sống thưa thớt và đời sống khá thiếu thốn.

Thế nhưng, tới thăm các xã như Lộc Tấn, Lộc Thạnh, Lộc An... hôm nay, người ta sẽ thấy một cuộc sống hoàn toàn khác với những con đường, ngôi nhà khang trang, những xóm làng nhộn nhịp hơn cùng sự xuất hiện của những triệu phú của cây cao su, cà phê, tiêu và điều.

Có thể thấy, với sự chăm chỉ của người dân, huyện biên giới Lộc Ninh đang đổi thay từng ngày. Bởi, đi qua những ngày nắng gắt và khô hạn đặc trưng luôn là những cơn mưa dồi dào mang lại sự xanh tốt và trù phú cho miền đất đỏ phía Tây Nam này!