TIN LIÊN QUAN | |
Khi logistics còn bị lệ thuộc | |
Những điều chưa biết về ông chủ Zara |
Hoạt động của ngành dịch vụ hậu cần, kho vận (logistics) hiện nay có tầm quan trọng tác động đến sức cạnh tranh của ngành công nghiệp và thương mại ở nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU)... Hiện tại, Nhật Bản và Singapore được coi là hai trong những quốc gia có trình độ phát triển logistics hàng đầu thế giới.
Những điển hình thành công
Điểm nổi bật của ngành logistics Nhật Bản là hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông rất hiện đại, đặc biệt là hệ thống cầu vượt biển để liên kết các đảo. Song yếu tố chính giúp ngành logistics của Nhật Bản phát triển mạnh là vai trò lãnh đạo, định hướng và thực thi quan trọng của chính phủ.
Giới chức Nhật Bản đã sớm chú trọng phát triển dịch vụ logistics bằng cách lựa chọn những vị trí thích hợp ở gần các khu liền kề thành phố, bên cạnh các tuyến giao thông nội bộ và các đường giao thông huyết mạch chính nối liền các thành phố lớn để xây dựng hệ thống kho vận, hậu cần.
Doanh nghiệp ngoại có thế mạnh ở hệ thống, kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu và đáp ứng được các tuyến xuất khẩu đường dài. (Nguồn: Portail-ie) |
Chính phủ Nhật Bản nhận thức rõ về vai trò của logistics đối với sự phát triển của đất nước cũng như nhận thức đầy đủ thế mạnh, cơ hội và thách thức đối với hệ thống logistics quốc gia. Những thế mạnh nổi bật của hệ thống logistics của Nhật Bản là kết cấu hạ tầng hiện đại hàng đầu thế giới; khả năng kết nối trong toàn bộ hệ thống cả về vật chất, thông tin và tiền tệ là hoàn hảo; lực lượng lao động được đào tạo ở trình độ cao về kiến thức, kỹ năng và khả năng sử dụng ngoại ngữ thành thạo.
Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản cũng chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực logistics thông qua các hoạt động như cấp học bổng và tài trợ nghiên cứu logistics cho sinh viên, đồng thời thành lập các cơ quan nghiên cứu về logistics.
Trong khi đó, một quốc gia khác cũng đạt được nhiều thành tựu trong phát triển ngành logistics là Singapore - hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm logistics toàn cầu. Chính phủ Singapore đặt ra mục tiêu chiến lược đối với hệ thống logistics quốc gia là phát triển nước này trở thành trung tâm logistics tích hợp hàng đầu thế giới, với năng lực cao về vận tải hàng hải, hàng không và đường bộ.
Bên cạnh các cam kết của chính phủ trong việc tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho lĩnh vực vận tải biển và logistics, Chính phủ Singapore cũng khuyến khích các công ty kinh doanh dịch vụ logistics sử dụng dịch vụ cho vay của nước này để thuê mua tàu biển và container.
Ảnh minh họa. (Nguồn: UCA) |
Khuyến khích mô hình liên doanh
Một điểm đáng chú ý là Chính phủ Singapore khuyến khích các công ty trong nước liên doanh với các hãng nước ngoài để thiết lập hệ thống logistics toàn cầu, các công ty đa quốc gia và các nhà cung ứng dịch vụ logistics quốc tế đặt trụ sở tại nước mình… Singapore cũng thực thi một chính sách "cởi mở" đối với quyền sở hữu kinh doanh nước ngoài trong hầu hết lĩnh vực kinh doanh.
Ngoài ra, Chính phủ Singapore cũng đầu tư vào các công trình kết cấu hạ tầng logistics quan trọng, quy mô lớn, hệ thống đường cao tốc, trung tâm logistics hàng không… Đồng thời, Singapore cũng đầu tư mạnh về công nghệ thông tin thông qua việc nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin nhằm tự động hóa hệ thống trao đổi thông tin thương mại và pháp luật, giúp giảm các chi phí liên quan đến thông tin trong các hoạt động logistics, đồng thời tạo ra nguồn thu từ các dịch vụ logistics có giá trị gia tăng cao.
Trong thời gian qua, mặc dù nền kinh tế thế giới và khu vực phải đối mặt với tình trạng khủng hoảng kéo dài với nhiều thách thức khác nhau như sự kiện cử tri nước Anh quyết định rời khởi EU, còn gọi là Brexit, kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ và biến động chính trị ở Italy nhưng vốn đầu tư vào logistics ở Singapore vẫn tiếp tục tăng. Không chỉ các doanh nghiệp logistics hàng đầu thế giới coi Singapore là điểm tiếp cận thị trường châu Á mà nước này còn được các doanh nghiệp logistics châu Á chọn là "bàn đạp" hướng ra thị trường thế giới.
Bài học kinh nghiệm
Logistics là một lĩnh vực dịch vụ liên quan đến nhiều ngành và lĩnh vực, từ sản xuất, thương mại đến giao thông nên cần có sự chủ trương của chính phủ. Từ đó, mỗi quốc gia có thể xây dựng khung pháp lý đồng bộ nhằm gắn kết, thống nhất hoạt động quản lý và phối hợp các ngành để tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình và mục tiêu trọng điểm, tạo điều kiện phát triển mạnh mẽ dịch vụ logistics.
Ảnh minh họa. (Nguồn: MDH) |
Để phát triển ngành logistics, một số quốc gia đã hình thành cơ quan chuyên trách hoặc hội đồng tư vấn với các thành viên đến từ các Bộ, ngành liên quan nhằm đề ra một kế hoạch hành động mang tính chiến lược với tầm nhìn dài hạn.
Trong khi đó, các giải pháp để phát triển dịch vụ logistics của các quốc gia nhìn chung bao gồm phát triển cơ sở hạ tầng đối với phát triển dịch vụ logistics, các chính sách ưu đãi của chính phủ đối với doanh nghiệp dịch vụ logistics và phát triển nguồn nhân lực.
Một điểm quan trọng để ngành logistics phát triển mạnh là ứng dụng công nghệ thông tin. Việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động logistics có thể giúp các công ty giúp tiết kiệm được thời gian, đảm bảo thông tin thông suốt, giảm thiểu tổn thất trong quá trình lưu kho và thời gian lưu kho.
Bên cạnh đó, những chính sách ưu đãi của các nước thường tập trung vào việc tạo thuận lợi trong thủ tục hải quan và hoạt động đầu tư, thương mại. Thu hút các công ty logistics lớn trên thế giới đặt chi nhánh hoặc trụ sở bằng các chính sách ưu đãi về thuế, về hoạt động vận chuyển hàng hóa làm gia tăng số lượng vốn đầu tư nước ngoài và quan trọng hơn là kinh nghiệm và sự tham gia môi trường quốc tế của các nhà điều hành dịch vụ logistics.
Các nước cũng khuyến khích các công ty trong nước liên doanh với những doanh nghiệp nước ngoài nhằm thiết lập hệ thống dịch vụ logistics toàn cầu. Bên cạnh đó, một yếu tố không kém phần quan trọng là ngành logistics cần có nguồn lực lao động có chuyên môn cao nhằm đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa và tối ưu hóa trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Đừng đánh mất lợi thế logistics! Việc phát triển hệ thống kho vận (logistics) có hiệu quả sẽ là nguồn lực mới giúp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh. |
6 ngành kinh tế mũi nhọn của Hà Lan Công nghệ cho vùng đồng bằng ven biển, dầu khí, hàng hải, làm vườn, thực phẩm, vận tải và logistics là 6 ngành kinh tế ... |
Phát triển logistics chưa tương xứng Là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đang trở thành tâm điểm chú ý ... |