Nếu đưa ra những biện pháp trừng phạt, nhiều khả năng Mỹ sẽ nhắm vào ngành công nghiệp dầu mỏ của Iraq. (Nguồn: Getty Imasge) |
Mới đây, vị tướng nắm quyền lực thứ 2 ở Iran Qasem Soleimani bị thiệt mạng trong một vụ không kích do Mỹ thực hiện nhằm vào đoàn xe của ông tại sân bay quốc tế Baghdad, Iraq. Vụ việc nhanh chóng đẩy Iran, Iraq và Mỹ vào một vòng xoáy căng thẳng mới.
Ngày 5/1, 170 nhà lập pháp tại Quốc hội Iraq đã bỏ phiếu quyết định Mỹ phải rút toàn bộ binh lính khỏi nước này. Dù các nhà lập pháp đã thông qua nhưng kết quả này vẫn chưa phải là “phán quyết cuối cùng” đối với sự hiện diện của bính lính Mỹ tại Iraq cho tới khi Thủ tướng Adel Abdul Mahdi ký thành luật.
Ngay sau đó, Tổng thống Trump tuyên bố, Mỹ sẽ trừng phạt Iraq bằng các hình phạt "như họ chưa từng thấy trước đây" nếu quân đội Mỹ bị buộc phải rời khỏi đất nước này trong bối cảnh “không thân thiện”.
Tổng thống Trump “vào thế khó”
Giới phân tích dự đoán, nếu đưa ra những biện pháp trừng phạt, nhiều khả năng Mỹ sẽ nhắm vào ngành công nghiệp dầu mỏ của Iraq.
Bởi Iraq là một trong những nhà sản xuất dầu quan trọng nhất thế giới, là nhà sản xuất dầu số 2 trong Tổ chức các quốc gia xuất khẩu dầu lửa (OPEC), chỉ sau Saudi Arabia. Iraq sản xuất 4,6 triệu thùng dầu thô mỗi ngày trong tháng 11, cao hơn 3,1 triệu thùng do Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) – nhà sản xuất dầu số 3 của OPEC.
Không chỉ như vậy, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, Iraq dự kiến sẽ là nước đóng góp lớn thứ ba vào nguồn cung dầu toàn cầu đến năm 2030.
Tuy nhiên, giới phân tích đánh giá, ông chủ Nhà Trắng sẽ gặp khó khăn khi thực hiện lời đe dọa này.
Bob McNally, Chủ tịch công ty tư vấn Rapidan Energy Group nhận định: "Nếu các biện pháp trừng phạt của Mỹ đang nhắm tới dầu mỏ của Iraq, điều đó sẽ khiến giá dầu tăng khá mạnh. Biện pháp trừng phạt này có thể làm tổn thương nền kinh tế Mỹ và ảnh hướng tới cơ hội tái đắc cử của Tổng thống Trump”.
Một số nhà phân tích cũng cho rằng, họ không tin Tổng thống Trump sẽ theo đuổi lời đe dọa của mình đến cùng, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ chỉ còn 10 tháng nữa.
Matt Smith, Giám đốc nghiên cứu hàng hóa tại Công ty Clipper Data cho biết, dù không thể dự đoán được những gì Tổng thống Mỹ sẽ làm tiếp theo, nhưng điều đó không có ý nghĩa quá lớn.
Sau vụ Mỹ tấn công sát hại Tướng Qasem Soleimani, ngày 6/1, giá dầu thô đã lên trên 70 USD/ thùng. Dầu thô Mỹ cũng chạm mức trên 63 USD/thùng. Hiện tại, tuy không có tín hiệu hoàn toàn “hoảng loạn”, nhưng các nhà đầu tư rõ ràng đang lo ngại về một cú sốc giá dầu sắp xảy ra bởi tuyên bố của Iran về sự “trả đũa” gay gắt với Mỹ.
Theo giới phân tích, dầu của Iraq là mặt hàng quan trọng của Mỹ. Theo số liệu thống kê gần đây nhất của chính phủ Mỹ, nhập khẩu dầu của Mỹ từ Iraq đạt tổng cộng 252.000 thùng/ngày trong tháng 10. Điều đó khiến Iraq trở thành nguồn cung dầu mỏ thứ 4 cho Mỹ, sau Canada, Mexico và Saudi Arabia.
Dường như, để chắc chắn, Tổng thống Trump đã không đề cập cụ thể rằng, các lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ nhắm vào ngành công nghiệp dầu mỏ của Iraq. Tuy nhiên, dầu rõ ràng là ngành công nghiệp quan trọng nhất của Iraq. Nói cách khác, thật khó để trừng phạt nghiêm khắc Iraq mà không chạm vào ngành công nghiệp dầu mỏ.
Tổng thống Trump có thể không lo lắng như những người tiền nhiệm của ông về một cú sốc giá dầu. (nguồn: Getty Imasge) |
Mỹ có thực sự ổn?
Theo giới phân tích, các Tổng thống Mỹ trước đây thường luôn chú trọng vào việc bình ổn giá dầu. Tuy nhiên, Tổng thống Trump lại không quá lo lắng như những người tiền nhiệm về một cú sốc giá dầu. Bởi hiện tại, Mỹ đã giảm bớt sự phụ thuộc vào dầu thô nước ngoài. Trên thực tế, cuộc cách mạng dầu đá phiến đã khiến Mỹ trở thành quốc gia sở hữu nhiều dầu mỏ và hiện đang xuất khẩu hàng triệu thùng mỗi ngày.
Số liệu thống kê gần đây nhất của Cơ quan Thông tin Năng lượng cho thấy, nhập khẩu ròng chỉ đạt 2,9 triệu thùng/ngày trong tháng 10, giảm đáng kể từ 8,7 triệu thùng/ngày so với một thập kỷ trước đó.
Matt Gertken, chiến lược gia địa chính trị tại BCA Research khẳng định, Tổng thống Trump đã có một “bộ đệm vững chắc” với cử tri Mỹ về giá dầu. Điều đó đã thúc đẩy ông gây áp lực với Iran.
Rob Thummel, Giám đốc điều hành tại công ty đầu tư năng lượng Tortoise Capital cho biết, sự bùng nổ dầu đá phiến của Mỹ sẽ hạn chế tác động lâu dài của các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iraq. "Mỹ có thể sản xuất nhiều dầu hơn nếu như không nhập khẩu dầu từ Iraq", ông Thummel nói.
Theo số liệu chính thức về sản suất dầu mỏ của Mỹ trong tháng 10/2019 mới được công bố, sản lượng trong tháng 9 lên tới 170.000 thùng/ngày. Nhưng Công ty nghiên cứu Rystad Energy tính toán rằng, hoạt động khai thác dầu đá phiến đang chững lại và dự báo sẽ giảm thêm 11% trong năm 2020. Điều này khiến nguồn cung dầu mỏ của Mỹ bị thắt chặt trong những tháng tới. Đó là lý do chính đáng để thị trường dầu mỏ Mỹ phải lo ngại.
Thêm vào đó, các nhà phân tích cũng chỉ ra rằng, trong quá khứ, Tổng thống Trump đã từng thể hiện mối lo ngại về cách các lệnh trừng phạt dầu mỏ sẽ tác động đến nền kinh tế Mỹ.
Năm 2018, sau khi ông chủ Nhà Trắng tuyên bố sẽ loại bỏ xuất khẩu dầu của Iran thông qua các lệnh trừng phạt, giá dầu đã tăng vọt. Khi dầu thô Mỹ đạt gần 77 USD/thùng vào đầu tháng 10/2018, Tổng thống Trump đã phải “lùi một bước”. Giới phân tích cho rằng, nếu Mỹ thực hiện các lệnh trừng phạt ở Iraq, đặc biệt là nhắm vào dầu mỏ thì có thể, dầu mỏ Mỹ sẽ lao đao.