📞

‘Lời hứa’ phụ nữ vì hoà bình

Hà Phương 07:00 | 08/03/2024
Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc phụ trách vấn đề gìn giữ hoà bình Jean-Pierre Lacroix trong chuyến thăm Việt Nam từng đánh giá rằng: “Có càng nhiều nữ quân nhân gìn giữ hòa bình thì càng có nhiều hòa bình”. Theo ông, nỗ lực của nữ quân nhân Việt Nam đã góp phần vào hai từ hòa bình quý giá đó.
Nữ công binh chào tạm biệt gia đình, người thân trước giờ lên đường tại sân bay quốc tế Nội Bài. (Nguồn: TTXVN)

Thời gian qua, phong trào đấu tranh vì quyền của phụ nữ và bình đẳng giới đã đạt nhiều bước tiến quan trọng, trong đó phải kể đến thành tựu về Chương trình nghị sự LHQ về Phụ nữ, hoà bình và an ninh (PNHBAN).

Dọc dài lịch sử của dân tộc, Việt Nam có nhiều trải nghiệm về chủ đề PNHBAN với hình ảnh phụ nữ “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Điều đó thôi thúc Việt Nam có những sáng kiến, ưu tiên quan trọng cho việc thúc đẩy vai trò của phụ nữ trong duy trì hoà bình và an ninh quốc tế.

Từng bước thể chế hóa và thực thi

Chương trình nghị sự về PNHBAN ra đời trên nền tảng Nghị quyết 1325 (2000) của Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ với hai mục tiêu: Bảo đảm tốt hơn các quyền của phụ nữ, trẻ em gái và thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong mọi mặt giai đoạn của tiến trình giải quyết xung đột, xây dựng hoà bình.

Đến nay, HĐBA đã thông qua chín nghị quyết nhấn mạnh tầm quan trọng về sự tham gia của phụ nữ trong giải quyết khủng hoảng, tái thiết hậu khủng hoảng cũng như ngăn ngừa và bảo vệ phụ nữ chống lại bạo lực tình dục. Vấn đề PNHBAN cũng được thúc đẩy tại nhiều cơ chế khác của LHQ.

Sau hơn 20 năm thể chế hoá vấn đề PNHBAN tại các khuôn khổ quốc tế và khu vực, xu thế chung trên thế giới hiện nay là tập trung vào khía cạnh thực thi, thúc đẩy triển khai để biến cam kết thành kết quả trên thực tế. Trong đó, kể từ năm 2005, Chương trình hành động quốc gia về PNHBAN là cơ chế quan trọng, khuôn khổ chính sách trong nước, không có tính ràng buộc về mặt pháp lý song là văn bản phản ánh các cam kết chính sách và đề ra phương hướng hành động cho quốc gia nhằm triển khai các trụ cột của Chương trình nghị sự về PNHBAN, phù hợp với bối cảnh phát triển và nhu cầu của mỗi quốc gia.

Trong các nỗ lực chung về PNHBAN, Việt Nam ghi dấu ấn quan trọng khi chủ trì thúc đẩy HĐBA thông qua Nghị quyết 1889 (2009) về vai trò của phụ nữ và trẻ em gái trong bối cảnh hậu xung đột - được coi là một trong bốn Nghị quyết trụ cột của Chương trình nghị sự PNHBAN của HĐBA.

Hơn một thập niên sau, năm 2020, tại Hà Nội, Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị quốc tế kỷ niệm 20 năm thực hiện Nghị quyết 1325 của HĐBA LHQ, sự kiện toàn cầu duy nhất trong năm kỷ niệm, đồng thời thông qua Cam kết hành động Hà Nội, với 75 nước đồng bảo trợ, kêu gọi các nước xây dựng Chương trình hành động quốc gia về PNHBAN.

Trả lời phỏng vấn TG&VN, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam Caroline T. Nyamayemombe cho rằng việc Việt Nam phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về PNHBAN là cột mốc chứng tỏ sự công nhận về vai trò quan trọng của phụ nữ trong việc đạt được hòa bình bền vững, đồng thời là sự khẳng định về cam kết kiên định của Việt Nam trong việc thúc đẩy nguyên tắc bình đẳng giới trên toàn cầu.

Dấu mốc quan trọng

Đặc biệt, ngày 26/1, sau quá trình xây dựng Chương trình hành động quốc gia về PNHBAN, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký Quyết định số 101/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về PNHBAN giai đoạn 2024-2030.

Mục tiêu chung của Chương trình là bảo đảm và thúc đẩy hơn nữa bình đẳng giới; nâng cao vai trò, vị thế, tiếng nói, quyền lợi và nghĩa vụ, trách nhiệm của phụ nữ trong tham gia các lĩnh vực hòa bình, an ninh, góp phần duy trì hoà bình, ổn định và sự phát triển bền vững của quốc gia và trên phạm vi quốc tế.

Mục tiêu cụ thể của Chương trình đến năm 2030 là tăng cường sự tham gia đầy đủ, bình đẳng, có ý nghĩa của phụ nữ Việt Nam trong các lĩnh vực chính trị, đối ngoại, quốc phòng, an ninh và xử lý, ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống của quốc gia, cũng như trong gìn giữ hoà bình, an ninh quốc tế; phòng ngừa và ứng phó tốt hơn với bạo lực trên cơ sở giới trong bối cảnh sự cố, thảm họa và ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống; tăng cường lồng ghép giới trong hoạt động cứu trợ và phục hồi, bao gồm khắc phục hậu quả chiến tranh, phòng, chống, xử lý, ứng phó với sự cố, thảm họa và các thách thức an ninh phi truyền thống; tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực PNHBAN.

Có thể khẳng định, Chương trình hành động quốc gia về PNHBAN của Việt Nam đã góp phần tiếp tục hoàn thiện các chủ trương, chính sách về bình đẳng giới của Đảng và Nhà nước; tái khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đối với Chương trình nghị sự PNHBAN, tạo cộng hưởng cho nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế thúc đẩy Chương trình nghị sự này. Đánh giá về ý nghĩa của Chương trình, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam Caroline T. Nyamayemombe từng nhấn mạnh: “Hãy nhớ rằng chúng ta không chỉ định hình một tài liệu mà đang định hình tương lai của phụ nữ và trẻ em gái Việt Nam cũng như hòa bình và an ninh của chính đất nước các bạn”.

Hội thảo tham vấn quốc gia về dự thảo Chương trình hành động quốc gia về phụ nữ, hòa bình và an ninh, ngày 6/11/2023, tại Hà Nội. (Ảnh: Tuấn Việt)

Minh chứng sống động

Hẳn rằng những “bóng hồng phá bom” ở Quảng Trị hay những “đóa hồng xanh” Việt Nam của lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ là những minh chứng thực tế sống động nhất cho nỗ lực PNHBAN của Việt Nam, cho thấy rõ sự tham gia của phụ nữ trong tham gia giải quyết các vấn đề hòa bình và an ninh quốc tế.

Tháng 1/2018, Việt Nam cử nữ sĩ quan quân đội đầu tiên tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ theo hình thức cá nhân với vị trí sĩ quan tham mưu tác chiến tại Phái bộ Nam Sudan. Tính đến tháng 5/2023, có 81 trong tổng số 529 quân nhân được triển khai đến Phái bộ Gìn giữ hòa bình LHQ là nữ, trong đó có 12 nữ sĩ quan được triển khai theo hình thức cá nhân, 21 nữ quân nhân thuộc Đội công binh số 1 và 48 nữ quân nhân thuộc các Bệnh viện Dã chiến cấp 2 của Việt Nam.

Tại Hội nghị quốc tế về Phụ nữ với hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ tại Hà Nội (26/11/2022), Phó Tổng thư ký LHQ Jean-Pierre Lacroix nhấn mạnh: “Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia đi đầu về nỗ lực tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ”.

Những câu chuyện xúc động về các nữ quân nhân Việt Nam giúp người dân nước sở tại trồng rau xanh, chăm sóc con cái, dạy học cho trẻ nhỏ, khám, chữa bệnh từ thiện cho người dân, làm đường đến trường, chống ngập lụt, xây dựng trường học, may và tặng khẩu trang phòng Covid-19, nấu phở và những món ăn Việt Nam... lan tỏa hình ảnh “người lính cụ Hồ”, người phụ nữ Việt Nam trong mắt đồng nghiệp tại các Phái bộ Gìn giữ hòa bình và người dân địa phương.

Việt Nam là một trong các nước sớm ký kết và phê chuẩn Công ước Chống mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) và tích cực tham gia vào các diễn đàn đa phương về bình đẳng giới với nhiều sáng kiến cụ thể. Việt Nam hiện cũng là nước có tỷ lệ nữ chiến sĩ tham gia hoạt động gìn giữ hoà bình của LHQ ở mức cao, đạt 16%, cao hơn nhiều so với mức trung bình của LHQ là 4%.

Ở trong nước, những năm qua, tại mảnh đất miền Trung nắng gió Quảng Trị, nhiều người đã quen với hình ảnh những “bóng hồng phá bom” – thành viên của NPA, viết tắt của Tổ chức viện trợ nhân dân Na Uy và Dự án RENEW với sứ mệnh giải quyết hậu quả lâu dài của bom mìn, vật nổ còn sót lại từ chiến tranh. NPA hiện có khoảng 300 nhân sự đang làm việc tại Quảng Trị. Đặc biệt, trong số này có hai đội 100% thành viên là nữ, gồm Đội rà phá hiện trường (15 thành viên) và Đội xử lý bom mìn lưu động (sáu thành viên).

“Việc thành lập hai đội nữ rà phá và xử lý bom mìn đầu tiên của Việt Nam nằm trong nỗ lực nhằm khẳng định vai trò của phụ nữ trong Hành động bom mìn của NPA; từ đó truyền cảm hứng và chứng minh phụ nữ là lực lượng mạnh mẽ và có đủ năng lực trong hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn”, ông Jan Erik Stoa, Giám đốc quốc gia NPA tại Việt Nam từng chia sẻ.

Như vậy, vai trò của phụ nữ trong duy trì hoà bình và an ninh quốc tế có ý nghĩa rất quan trọng. Không chỉ nhận thức sâu sắc vai trò đó, Việt Nam đã và đang nỗ lực hết mình thúc đẩy vai trò của phụ nữ đối với hòa bình và an ninh, từ đó góp phần vào đảm bảo bình đẳng giới toàn cầu.