📞

Lòng dân là vốn quý của Fidel Castro

09:00 | 04/12/2016
Gắn bó với Cuba trong nhiều năm và không ít lần được gặp mặt vị lãnh tụ vĩ đại, với ông Nguyễn Văn Thọ, Fidel Castro là còn là ân nhân lớn trong cuộc đời.

Ông Nguyễn Văn Thọ kể rằng, lúc cách mạng Cuba thắng lợi năm 1959, ông mới ở độ tuổi 20, 21. Thời gian sau, khi được cử đi học tại Viện Quan hệ quốc tế Moscow Liên Xô chuyên về Mỹ Latin, ông ngày càng có cảm tình đặc biệt với cuộc cách mạng của Cuba và khâm phục Fidel Castro.

Năm 1965, sau khi tốt nghiệp, ông Thọ được phân công về Bộ Ngoại giao chuyên theo dõi về Cuba và Mỹ Latin. Không lâu sau, năm 1967,  ông được cử đi học tại Cuba. Học xong hai năm, ông Thọ được giữ  lại ở Sứ quán làm Tùy viên thêm ba năm. Từ năm 1996-1999, khi trở thành tham tán tại Đại sứ quán Việt Nam tại Cuba, ông tiếp tục tìm hiểu và nghiên cứu sâu hơn về Cuba cũng như con người và sự nghiệp cách mạng của Fidel Castro.

Ông Nguyễn Văn Thọ giới thiệu cuốn sách dịch về Fidel Castro. (Ảnh: Phạm Thuận)

Ông Thọ vẫn nhớ hết các cuộc gặp gỡ dù chớp nhoáng với Fidel Castro. Ông nhớ lần được tiếp xúc lâu nhất là năm 1969 vào thời điểm Bác Hồ mất. Lúc đó là tùy viên phụ trách về lễ tân, ông được gần vị lãnh tụ mình thầm ngưỡng mộ hơn bao giờ hết. Ông vẫn còn nhớ cái bắt tay thật chặt và ấm, nhớ rõ câu nói của Fidel Castro khi đến Đại Sứ quán Việt Nam viếng rằng: “Có cái chết gieo mầm sự sống. Hồ Chí Minh còn sống mãi trong lòng người dân Cuba và thế giới. Điều tôi vẫn chưa làm được ở Việt Nam là được gặp Người”...

Tình cảm dành cho Chủ tịch Fidel Castro đã theo ông suốt những năm tháng sau này khi công tác nhiệm kỳ tại Mexico, Nicaragua, Angola... hay khi nghỉ hưu và tham gia các Hội hữu nghị Việt Nam - Cuba, Việt Nam - Venezuela, Việt Nam - Brazil... Năm 2009, ông Nguyễn Văn Thọ còn tham gia dịch sách “Một trăm giờ với Fidel - Những cuộc nói chuyện với Ignacio Ramonet” do Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật phát hành.

Là người tham gia dịch hai chương trong cuốn sách này, ông càng hiểu sâu hơn về con người Fidel Castro. Theo ông, vốn quý nhất mà cố Chủ tịch có được chính là lòng dân. Đây cũng là lý do mà dù kẻ thù có tới 638 âm mưu ám sát nhưng Fidel vẫn thoát hết một phần lớn nhờ những người dân yêu quý luôn bảo vệ.

Bức ảnh cố Chủ tịch Fidel Castro được dựng tại quảng trường Antonio Maceo. (Nguồn: Reuters)

“Chúng ta thường quen với câu nói “Vì Việt Nam, Cuba có thể hiến dâng cả máu của mình”, nhưng còn có một câu nói quan trọng khác của cố Chủ tịch cần lưu giữ, đó là: “Cả nhân dân thế giới phải biết ơn nhân dân Việt Nam, chính nhờ nhân dân Việt Nam đánh Mỹ và kiềm chân Mỹ mà các nước có điều kiện xây dựng trong hòa bình. Vì vậy, phải đoàn kết và giúp đỡ Việt Nam”, ông Thọ chia sẻ.

Là người tìm hiểu sâu về Fidel Castro, ông Nguyễn Văn Thọ cho rằng, Fidel Castro là bậc thầy trong nghiên cứu và có khả năng dự báo đặc biệt. Ông dẫn chứng một ví dụ về dự báo tài tình của Fidel là vào cuối những năm 1980, trong một bài phát biểu, Chủ tịch Fidel đã nói: “Tôi hình dung một đêm chúng ta ngủ dậy, chúng ta thấy Liên Xô không còn nữa”, hay như trước khi Mỹ bình thường hóa quan hệ với Cuba, Chủ tịch đã nói câu đại khái: Mỹ chỉ chịu bình thường hóa quan hệ với Cuba khi nào Tòa thánh Vatican có một Tổng Giám mục người châu Mỹ Latin và Mỹ có một Tổng thống da màu.

Chủ tịch Cub Fidel Castro vào thăm vùng tuyến lửa Quảng Trị. Ông là nguyên thủ nước ngoài duy nhất tới thăm vùng giải phóng ở miền Nam Việt Nam.

Có một điều khác về Fidel Castro mà theo ông Thọ, những người làm ngoại giao nên học tập là khả năng đối đáp thông minh, không để mất lòng nhưng luôn giữ vững lập trường. Fidel Castro ra đi là mất mát rất lớn cho Cuba và bạn bè quốc tế nhưng ông tin rằng, tư tưởng về tự do, công lý và bình đẳng của vị lãnh tụ này sẽ còn truyền lại mãi.

Với cá nhân ông Thọ, cố Chủ tịch Fidel Castro còn là ân nhân vĩ đại - người đã nuôi ông ăn học suốt mấy năm, giúp ông tìm được người bạn đời tại đất nước này, thậm chí con trai và con dâu ông cũng được học tập tại đây để trưởng thành. Dành tình cảm đặc biệt với Fidel Castro, gần đây ông còn làm hai bài thơ dịch sang cả tiếng Tây Ban Nha nhân dịp sinh nhật lãnh tụ Cuba (13/8/1926) và ngay khi nghe tin ông mất.

“Nhận tin Fidel qua đời

Lòng tôi xúc động, bồi hồi tiếc thương

Fidel – lãnh tụ kiên cường

Suốt đời rực sáng tấm gương làm người

Người là huyền thoại tuyệt vời

Mang về công lý đổi đời Cuba

Là người bạn lớn nước ta

Tên Người mãi mãi vang xa khắp trời

Người là bất tử muôn đời

Nhân dân ghi tạc tên Người trong tim”.

“Việt Nam mang ơn Cuba và cố Chủ tịch Fidel Castro vì trong lúc khó khăn của những năm 67, 68, ông đã nhận hàng nghìn sinh viên Việt Nam sang học. Các thế hệ sinh viên Việt Nam học tập tại đây luôn tự hào vì được hưởng một nền giáo dục chuẩn mực về đạo đức cùng những tư tưởng cao đẹp của Fidel Castro”, ông Thọ xúc động.