TIN LIÊN QUAN | |
Khung trình độ - chuẩn đánh giá nhân lực chất lượng cao | |
Giải pháp nào cho vấn nạn thất nghiệp? |
TS Nguyễn Thụy Anh. |
TG&VN xin giới thiệu quan điểm cá nhân của Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh - Chủ nhiệm CLB Đọc sách cùng con, về vấn nạn này.
"Sự thật camera"
Thực trạng cô giáo mầm non ngược đãi trẻ, chuyện trẻ kể một đằng, cô giáo trình bày một nẻo, phụ huynh vào cuộc tranh cãi xảy ra nhiều hơn trong những năm gần đây. Câu chuyện này lắng xuống, sự vụ khác lại nổi lên.
Có người bảo, có gì mà khó, cứ đặt camera khắp nơi, sự thật luôn được phơi bày. Quả vậy, nếu đến các trường mầm non bây giờ, nhất là các trường tư, sẽ thấy luôn có màn hình camera theo dõi 24/24h. Bố mẹ yên tâm quá còn gì? Nhưng họ liệu có nghĩ rằng, cô giáo có thể dắt trẻ ra những góc khuất camera không với được tới để "răn đe nặng", để trên màn hình chỉ còn lại những hình ảnh yêu thương ngọt ngào. Ngược lại, có những phụ huynh gửi con đi trẻ mà lệ thuộc vào "cam", cứ soi từng hành động của cô để phản ánh, kiểm soát, phản hồi, đòi điều chỉnh.
Nghĩa là, mọi thông điệp nhận được qua "cam" chỉ dừng lại ở hình ảnh, tạm gọi là "sự thật camera", mà người xem chưa chắc đã chạm được đến bản chất của vấn đề.
Phụ huynh không có lòng tin vào cô giáo, không tin rằng cô có thể hành động vì lợi ích của một đứa trẻ. Họ cho rằng sau lưng mình, nếu không có “con mắt công nghệ” là camera theo dõi thì cô sẽ ghét bỏ, không công bằng, ăn bớt, không trung thực...
Với cách ứng xử với nhau như vậy, lâu dần, kể cả cô giáo thực lòng yêu trẻ nhất cũng mất lòng tin vào chính mình. Họ không dám mạnh dạn xử lý tình huống sư phạm trước "cam", họ không có lòng tin vững chắc vào trình độ chuyên môn và kỹ năng của mình. Đơn giản vì họ lo sợ bị phán xét.
Vì thế, hành vi của các cô hoặc là không tự tin, hoặc là rơi vào chủ nghĩa hình thức - không vì đối tượng mình đang chăm sóc, dạy dỗ mà vì đáp ứng sự hài lòng, yên lòng tạm thời của đối tượng đang ngồi trước màn hình, đó là phụ huynh.
Tôi đã từng gặp cô giáo cho trẻ uống sữa trong lớp, cố ép con uống hết bằng được cốc sữa khi con đã no rồi và bé ói hết ra. Lẽ ra, với nghiệp vụ của mình, cô giáo đủ cảm nhận được bé nên dừng lại ở đó vì đã quá no. Tôi trách cô thì cô bảo, sợ phụ huynh nhìn "cam" lại hiểu sai mình không hết lòng chăm con ăn uống đủ suất!
Chúng ta đang nuôi em bé, một con người! Nếu bố mẹ em bé có lòng tin vào cô, nếu cô có lòng tin vào mình, nếu chúng ta không phải đối phó lẫn nhau bằng một cái camera thì cảm giác từng khoảnh khắc của đứa bé đã được tôn trọng.
Tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh. |
Những sự thật... khác nhau
Để đối phó với cấp trên và dư luận, cô hiệu trưởng trường Nam Trung Yên đã đi từ sai lầm này đến sai lầm khác, nghĩ ra mọi kế sách, xây dựng những "sự thật" khác nhau. Quả bóng dối trá lăn mãi đi không thể dừng lại. Nhưng một câu hỏi được đặt ra, còn bao nhiêu người trong chúng ta "có tiềm năng" trở thành cô hiệu trưởng ấy?
Ở không ít trường lớp, mỗi khi được báo có người đến dự giờ, trẻ phải luyện học đi học lại một bài học cũ để cô giáo "biểu diễn tay nghề" trước mặt người kiểm tra. Việc học thuộc văn mẫu để thi của trẻ tiểu học phổ biến các nơi cũng là để đối phó với trường, và phòng giáo dục...
Con người được đánh giá thông qua điểm số, thành tích bề nổi ngay từ nhỏ khiến các em không thể tự xây dựng cho mình một bộ giá trị riêng nằm ngoài mọi khen thưởng, phê phán.
Tính dám chịu trách nhiệm, ý thức tự thân về hành vi của mình, sự tự hào cá nhân về những giá trị đạo đức mà mình có được - những điều này đang quá thiếu trong các bài học của chúng ta.
Tôi nhớ một lần, cháu tôi đi học về phấn khởi kể: "Con đi học muộn là con đi vào hàng lớp khác, Sao đỏ ghi số học sinh đi muộn, lớp con không bị ảnh hưởng. Lát sau mới lén về lại lớp. Cô bảo làm thế, khôn không?".
Lâu dần, trẻ học được một điều, ta muốn làm không phải vì ta thấy cần làm mà kỳ thực chỉ để đối phó với bên ngoài. Dạy và học, dường như đều mang tâm lý đối phó.
Cần sự thật đến từ lòng tin
Theo một khảo sát của Jobstreet.com (trang tuyển dụng trực tuyến hàng đầu tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương) tại Việt Nam thực hiện vào Quý 2/2016 trên gần 1.200 sinh viên mới tốt nghiệp, có đến gần 75% xác định mức lương là yếu tố quan trọng khi họ tìm việc. Yêu cầu của việc làm và địa điểm làm việc là hai yếu tố được nhóm đối tượng này quan tâm thứ 2 (71%) và thứ 3 (50%).
Chiếc camera đang "chen chân" trong lớp học ? (Nguồn: Báo Quảng Ninh điện tử) |
Trong khi đó, mô tả việc làm, yếu tố tối quan trọng để xác định một công việc có phù hợp với người lao động hay không chỉ đứng ở vị trí ưu tiên thứ 4 (48%). Nghĩa là, nghề nghiệp được lựa chọn để kiếm tiền và trang trải cuộc sống là chính, việc yêu và say nghề, tìm ý nghĩa cuộc sống và giá trị bản thân trong nghề nghiệp sẽ bị lùi xuống hàng thứ yếu.
Trò chuyện với một số cô giáo, nhiều người trong số họ chia sẻ với tôi, rằng họ sẵn sàng bỏ việc nếu tìm được việc làm khác có lương cao hơn. Đương nhiên, việc chọn nghề còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng rõ ràng ở Việt Nam, vẫn chưa quan tâm đúng mực việc định hướng nghề nghiệp thật sự hiệu quả ngay trên ghế nhà trường. Rất nhiều sinh viên năm cuối đại học không biết mình sẽ làm gì trong tương lai hoặc sẵn sàng làm nghề trái ngành học. Đó là một thực trạng đáng buồn trong giáo dục.
Khi không yêu nghề, không nhìn thấy giá trị cá nhân khi gắn bó với nghề nghiệp đó thì việc sai phạm xảy ra là chuyện bình thường.
Vậy, có gì cần điều chỉnh ở đây, từ khâu định hướng nghề nghiệp, đầu vào đại học? Từ định hướng truyền thông, cổ súy cho giá trị lao động - giá trị cá nhân thay vì những khái niệm lệch lạc của thành đạt, giàu có? Từ việc xóa bỏ bệnh hình thức, tiếp cận học sinh như những cá thể độc lập chứ không phải là thành viên nhạt nhòa của những tập thể đang gắng sức ganh đua?
Nhớ lại ngày còn sống ở nước Nga cách đây hơn chục năm, trường học của con trai tôi nhỏ xinh, ấm áp, đơn giản và quan trọng là không phòng nào có camera. Nhưng điều tôi nhớ nhất đó là cảm giác hoàn toàn yên tâm khi đưa con đến lớp. Tôi tin từ cô hiệu trưởng đến bà lao công, bác bảo vệ. Tôi tin rằng, họ ở đó để yêu thương bọn trẻ, việc của họ là thế! Tình người và sự yêu nghề là sự thật vượt lên trên mọi chiếc camera.
Đến bao giờ những ống kính máy quay sẽ được gỡ bỏ khỏi những căn phòng lớp học của chúng ta? Để quên đi những sự thật camera, chúng ta cần sự thật đến từ lòng tin và tình yêu.
Bạo hành trẻ mầm non: Đừng để "mất bò mới lo làm chuồng" Đó là quan điểm của cô Phạm Thúy Phương - Hiệu trưởng trường mầm non Lê Quý Đôn, Khu Đô thị Mỹ Đình 2, Nam ... |
Để học sinh không chán học, hãy nhìn giáo dục Phần Lan “Làm thế nào để học sinh của Việt Nam không chán học?" là nội dung xuyên suốt buổi hội thảo “Việt Nam học được gì từ ... |
“Nếu ba không quay lại, con sẽ gọi cảnh sát”! Đó là lời của con trai đầu nói với tôi khi cháu mới tầm hơn 4 tuổi đang học mầm non, mà tôi không bao ... |