Ngày mới làm việc thiện
Mới 6 giờ sáng, trên đường Sisavangvong, thành phố Luang Prabang đã rất đông du khách, những người chắc cũng hiếu kỳ như tôi lần đầu đến đây để tận mắt chứng kiến các nhà sư đi khất thực.
Những người dân địa phương thì còn dậy sớm hơn, đúng ra là từ tối hôm trước họ đã chuẩn bị kỹ gạo nếp thơm để đồ xôi dẻo, sắp đặt tinh tươm trong giỏ mây. Với giỏ xôi và một số vật phẩm được nấu chín, trước 6 giờ, họ đã đến đây, quỳ sẵn trên hè phố để chờ dâng tặng cho các nhà sư khất thực.
Các nhà sư khất thực ở Luang Prabang. (Ảnh: DHQ). |
Được biết ở các chùa, 4 giờ các nhà sư đã dậy, sau cầu kinh niệm Phật, 6 giờ họ bắt đầu đi khất thực. Một hàng dài các nhà sư mặc áo cà sa màu vàng cam, vai để trần, đi chân đất, lần lượt đi qua phố, để người dân nào cũng đến lượt dâng tặng thức ăn, ai cũng có cơ hội đầu ngày được làm việc thiện, không kể giàu nghèo, lớn nhỏ.
Các nhà sư vừa nhận đồ cúng dường của các thí chủ lại trao tặng luôn cho những trẻ em thiếu thốn ngồi đợi bên đường. Vật phẩm mà các thí chủ dâng tặng chính là thức ăn trong ngày cho nhà chùa, nhưng các nhà sư chỉ lấy vừa đủ dùng, phần còn lại, họ sẻ chia với những người nghèo khó.
Với tinh thần từ bi của đạo Phật, những người đi khất thực đã bắc một nhịp cầu nhân ái để người dân trong cộng đồng chia ngọt sẻ bùi với nhau (ở Việt Nam ta gọi là “lá lành đùm lá rách”). Có một số người mang xôi dẻo vào sân chùa, chia thành những phần nhỏ đặt ở gốc cây, cành cây hoặc trên mái miếu thờ làm thức ăn cho kiến, bọ, chim trời.
Joy Latdavong, cán bộ Sở Giáo dục và Thể thao Luang Prabang cho biết, ở Lào, người đi khất thực thuộc các lứa tuổi, bé trai 8 tuổi là có thể vào chùa. Nhà chùa vừa dạy kinh phật vừa dạy văn hóa. Trong những thanh thiếu niên vào chùa, có người sẽ trở thành nhà sư, nhưng có người chỉ tu trong thời gian ngắn, luyện rèn khoảng dăm bữa nửa tháng rồi lại hoàn tục, cái đó tùy tâm và chí mỗi nhà, mỗi người, Phật giáo gọi là tùy duyên.
Tác giả bên tượng Phật trên núi Phousi. (Ảnh: DHQ) |
Luang Prabang được mệnh danh là thành phố của các ngôi chùa, không chỉ là cố đô của Lào mà còn là một trong những trung tâm Phật giáo lớn ở Đông Nam Á. Từ buổi sáng của một ngày mới và tuổi trẻ của một đời người, nhân dân các bộ tộc Lào đã thấm đẫm tinh thần từ bi, thương người của đạo Phật. Đó có thể là một nhân tố khiến người Lào đôn hậu, vị tha, chân thành và mến khách như cảm nhận của bạn bè.
Thành phố không đèn đỏ
Khi sắp đặt chương trình làm việc với Sở Giáo dục & Thể thao và Sở Ngoại vụ các tỉnh Bắc Lào, trong đoàn chúng tôi không ai biết hôm đó tại Luang Prabang có lễ hội bơi thuyền truyền thống. Âu cũng là cái duyên để chứng kiến một ngày náo nhiệt giữa cố đô yên bình này.
Đoàn cán bộ tỉnh Phú Thọ trên đường phố Luang Prabang. (Ảnh: DHQ) |
Một năm chỉ có một ngày, các đội đua thuyền cùng cổ động viên từ thủ đô Vientiane và các tỉnh đổ dồn về sông Nam Khan để tranh tài. Sau buổi làm việc, buổi trưa, anh Vanthong, Chánh văn phòng Sở Giáo dục & Thể thao Luang Prabang mời chúng tôi ra sông Nam Khan xem hội. Mật độ dân số của Lào chỉ có 31 người/km2 nên hai bờ sông đông nghịt người tứ phương và du khách quả là một sự kiện đặc biệt.
Mỗi chiếc thuyền đua thường được đẽo từ một thân cây đủ dài cho hơn 50 người chèo. Mỗi đợt gồm 2 thuyền tranh tài, như 2 mũi tên lao vun vút trên mặt sông trong tiếng hò reo cổ vũ nhiệt tình của công chúng. Đường phố trên bờ sông cũng lấp lánh sắc màu lâm thổ sản và nhộn nhịp khách mua bán. Ai đã từng dự các lễ hội quá đông người sẽ thấy ở đây, tấp nập mà không xô bồ, sôi động mà vẫn nền nã.
Lễ hội đua thuyền bên sông Nam Khan, Luang Prabang, Lào. (Ảnh: DHQ) |
Ngoại trừ khúc sông đua thuyền và trừ ngày lễ hội truyền thống, Luang Prabang vốn là một thành phố yên ả. Mật độ xe cộ đi lại khá đông nhưng Luang Prabang không hề có đèn tín hiệu giao thông. Người tham gia giao thông tự nhường đường cho nhau, đó cũng là một nét khác biệt dễ thương ở đất này.
Buổi chiều, trên đường lên thác Kuang Si, trời mưa, đường trơn, tại khúc cua gấp, tôi đã gặp một vụ va chạm xe ô tô. Hai lái xe vội vã xuống xe, trước hết xem có người bên nào bị thương không. Khi thấy ổn cả, họ mới cùng nhau nhìn nhận vụ việc. Một xe bị vỡ đèn, một xe bị tróc sườn nhưng không ai hùng hổ tranh đúng, không ai cậy mạnh ra oai. Mọi người đều điềm tĩnh. Nghe nói là hai lái xe đã gọi cho cơ quan của họ và gọi thông báo cho các hãng bảo hiểm. Sau đó, hai công ty bảo hiểm cho hai xe đã cùng đến hiện trường xem xét giải quyết ổn thỏa. Chậm một chút giờ dự kiến lên thăm thác nước, nhưng tôi đã biết thêm một nét ứng xử rất điềm đạm của các bạn lái xe Lào.
Tiếng Anh ở cố đô
Chiều muộn, chúng tôi về lại thành phố Luang Prabang. Năm 1995, cố đô cổ kính này đã được công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Nổi bật giữa trung tâm thành phố là ngọn núi mang tên Phousi. Trên đỉnh núi có tháp That Chom Si và nhiều pho tượng Phật, tất cả đều màu vàng tượng trưng cho đức tin. Từ trên đỉnh núi Phousi, du khách có cái nhìn toàn cảnh về thành phố Luang Prabang. Thành phố xinh xắn nằm ở nơi hợp lưu giữa hai dòng sông Mekong và Nam Khan. Sân bay quốc tế Luang Prabang và những mái chùa vút cong có lẽ là những hình ảnh tượng trưng cho một cố đô trong nhịp sống hiện đại.
Thành phố Luang Prabang nhìn từ trên cao. (Ảnh: DHQ) |
Ngay dưới chân núi Phousi là Cung điện hoàng gia Lào. Sau giải phóng, năm 1975, nơi ở của hoàng tộc được đổi tên thành Bảo tàng Cung điện hoàng gia. Khách quốc tế đến tham quan hay nghiên cứu lịch sử văn hóa của đất nước Triệu Voi gặp thuận lợi vì các kỷ vật đều được chú thích cặn kẽ bằng tiếng Lào và tiếng Anh.
Hàng ngày, từ 18h30 đến 19h30, tại Nhà hát truyền thống, trong tiếng khèn dìu dặt, du khách được nghe người Lào kể bằng tiếng Anh về sự tích, về truyền thuyết Luang Prabang. Vì sao giữa trung tâm thành phố bằng phẳng lại nổi lên ngọn núi Phousi, vì sao dòng sông uốn lượn phía dưới gọi là Nam Khan, ai đã tạo lập kinh đô cổ kính Luang Prabang từ thế kỷ 14? Du khách đúng là không phí một giờ để hiểu thêm về một nền văn hóa.
Một nét độc đáo nữa ở cố đô là chợ đêm Luang Prabang. Từ 18h00 hàng ngày, trục đường chính mang tên nhà vua Sisavangvong được người dân chuyển thành chợ văn hóa du lịch phục vụ du khách trong nước và quốc tế. Cùng tôi dạo chơi tìm hiểu chợ đêm là anh Thongsone, hiện công tác tại Sở Giáo dục & Thể thao tỉnh Luang Namtha. Anh cho biết không chỉ bạn bè quốc tế mà người dân Lào trong cả nước đều rất thích thú khi đến chợ đêm Luang Prabang.
Những mặt hàng thổ cẩm dệt theo lối truyền thống, những kỷ vật tinh xảo, những món ăn đậm chất dân tộc và đặc biệt việc giao tiếp tự tin, duyên dáng bằng tiếng Anh của các cô gái Lào tạo ấn tượng khó phai đối với du khách. Tôi đã mua hàng lưu niệm là một chiếc áo truyền thống có in dòng chữ “Sa-bai-dee” (phiên âm lời chào thân mật của người Lào bằng tiếng Anh).
Đáng nói, chợ đêm nhộn nhịp là thế mà trước 23h00, tất cả lều quán đều được thu dọn gọn gàng, trả lại mặt phố thông thoáng, sạch sẽ để đón ngày mới vào sáng hôm sau. Hình như ẩn trong nhịp sống chậm rãi còn một Luang Prabang năng hoạt, ẩn trong những người dân Lào hiền hòa là khát vọng vươn lên trong hội nhập và phát triển. Với tinh thần tự hào về truyền thống, thái độ mến khách chân thành và những việc làm bình dị của mình, mỗi người dân Luang Prabang đang góp sức xây dựng đất nước mạnh giàu. Họ đã để lại kỷ niệm đẹp trong tôi sau một ngày trải nghiệm khó quên.
Dư Hồng Quảng
(Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Phú Thọ)