Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu tại Hội thảo lấy ý kiến các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long đối với dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi. |
Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Luật Đầu tư công năm 2019 đã quy định nhiều nội dung mới, cải cách đột phá về tư tưởng, về quan điểm đầu tư công; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cắt giảm các thủ tục hành chính để tạo sự chủ động, linh hoạt, đồng thời nâng cao trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu, của các bộ, các ngành, các địa phương trong quản lý đầu tư công.
Việc triển khai Luật Đầu tư công trong thời gian vừa qua cũng đã góp phần nhất định trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư công; đẩy nhanh tiến độ đưa các dự án đầu tư vào khai thác, sử dụng nhiều dự án hạ tầng chiến lược quốc gia, dự án đường cao tốc, các dự án liên vùng, các dự án ven biển cũng đã được hoàn thành và tạo được kết quả rõ nét trong việc thực hiện đột phá chiến lược.
Tuy nhiên, sau 5 năm triển khai, Luật Đầu tư công 2019 cũng đã bộc lộ một số vấn đề khó khăn, vướng mắc cần phải xử lý kịp thời để đáp ứng được tình hình phát triển mới. Bên cạnh đó, thời gian qua một số chính sách thí điểm, chính sách đặc thù đã được Quốc hội ban hành, đang trong quá trình triển khai đã đến thời điểm chín muồi để luật hoá.
Ông Trần Thành Long, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông tin, dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi có 29 nội dung được điều chỉnh, quy định mới tập trung vào 5 nhóm chính sách gồm: Thể chế hóa các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng; tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư, khai thác nguồn lực, năng lực thực hiện dự án đầu tư công của địa phương, doanh nghiệp nhà nước; thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; đơn giản hóa trình tự, thủ tục; bổ sung, làm rõ các khái niệm thuật ngữ, quy định, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Điểm đáng chú nhất trong nhóm nội dung thể chế hóa các cơ chế, chính sách thí điểm đặc thù, Dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi cho phép tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập đối với tất cả các nhóm dự án.
Trong khi quy định hiện hành chỉ cho phép tách riêng dự án độc lập được thực hiện khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A.
Dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi tập trung phân cấp thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn. |
Ở nhóm chính sách đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, Dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi tập trung phân cấp thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm vốn ngân sách trung ương giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho Thủ tướng Chính phủ trong trường hợp không thay đổi tổng mức vốn trung hạn và hằng năm đã được Quốc hội quyết định.
Dự thảo cũng điều chỉnh nâng quy mô vốn đầu tư công của dự án quan trọng quốc gia từ mức 10.000 tỷ đồng lên 30.000 tỷ đồng trở lên; quy mô vốn dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C tăng lên 2 lần so với mức cũ quy định tại Luật Đầu tư công 2019.
Ở nhóm đơn giản hoá trình tự thủ tục, Dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi dự kiến sẽ đơn giản hóa trình tự, thủ tục lập kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm; cắt giảm thủ tục thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn.
Đồng thời, cũng quy định một số nội dung cụ thể nhằm thống nhất cách hiểu, cách triển khai như: các trường hợp điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án; khái niệm nợ đọng xây dựng cơ bản; phân định phạm vi dự án đầu tư công và nhiệm vụ chi thường xuyên; cập nhật đối tượng sử dụng vốn đầu tư công…
Nhận định về các điểm mới trong Dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi, ông Nguyễn Trúc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho rằng, việc điều chỉnh các nội dung cho thấy Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đổi mới cách tư duy xây dựng Luật, ưu tiên sự thông thoáng trong triển khai thực hiện các dự án đầu tư công vốn là đòn bẩy cho phát triển kinh tế - xã hội.
Việc cho phép tách công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư thành dự án độc lập là rất hợp lý, tháo gỡ vướng mắc cho các địa phương trong việc đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án. Tuy nhiên, nên ưu tiên việc tách dự án thành phần cho các dự án nhóm A, B; các dự án nhóm C quy mô nhỏ thì nên xem xét tách hoặc không tách tuỳ thực tế để tránh việc xé nhỏ dự án.
Ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nêu ý kiến, việc tách hợp phần giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập được kỳ vọng sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án lớn. Tuy nhiên, việc tách dự án bồi thường theo nhóm A, B, C cũng phải có quy định rõ trong nội dung Luật sửa đổi. Hiện tổng mức đầu tư dự án là tính cả giải phóng mặt bằng, nếu tách phần giải phóng mặt bằng riêng thì quy mô dự án được tính như thế nào phải được quy định rõ.
Ông nói: "Trên thực tế, nhiều dự án có tổng quy mô lớn nhưng kinh phí giải phóng mặt bằng chiếm phần lớn, kinh phí xây lắp rất nhỏ. Do đó, dự thảo Luật sửa đổi nên quy định rõ dự án có kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng bao nhiêu thì tách riêng hay áp dụng với tất cả dự án để địa phương chủ động thực hiện".
Ghi nhận ý kiến đóng góp, đề xuất của các địa phương, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng sẽ tổng hợp các ý kiến của địa phương để nghiên cứu đưa ra phương án khả thi nhất.