Nhỏ Bình thường Lớn

Lúc nào Việt Nam có thể coi Covid-19 là bệnh đặc hữu?

Sẽ đến lúc Covid-19 là bệnh đặc hữu với cách thích ứng phù hợp. Tuy nhiên, nguy cơ làn sóng dịch mới, biến thể mới, năng lực điều trị có thể sẽ kéo dài thời điểm được mong đợi này.
Chuyên gia dự đoán s ẽ còn một làn sóng ca nhiễm Covid-19. (Nguồn: Vietnamnet)
Chuyên gia dự đoán sẽ còn một làn sóng ca nhiễm Covid-19. (Nguồn: Vietnamnet)

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh, đồng thời là Thành viên Tổ tư vấn chính sách phòng chống dịch và phục hồi kinh tế TP. Hồ Chí Minh, đã chia sẻ quan điểm về việc xem xét Covid-19 là bệnh đặc hữu.

“Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là rất phù hợp. Chúng ta phải xem xét ngay thời điểm này để tiến tới đánh giá Covid-19 là bệnh đặc hữu hay không".

Theo ông, bệnh đặc hữu được hiểu là bệnh có tính ổn định, không tạo ra làn sóng dịch và nắm được xu hướng của bệnh. Ngay cả khi tính ổn định duy trì ở số mắc cao, thiệt hại nhiều, tử vong lớn cũng không được chấp nhận.

“Với các tiêu chí trên, Covid-19 đã là bệnh đặc hữu thời điểm này chưa? Câu trả lời là chưa”, PGS Dũng thẳng thắn.

Thứ nhất, miễn dịch của Covid-19 tại Việt Nam vẫn chưa bền vững, do đó sẽ có khuynh hướng tạo làn sóng dịch.

Miễn dịch bền vững (từ người nhiễm bệnh) với Covid-19 hiện nay vẫn chưa đạt 100%, miễn dịch chủ yếu đến từ vaccine (không bền vững). Nói một cách dễ hiểu là nước ta vẫn chưa đạt miễn dịch cộng đồng. Bên cạnh đó, không loại trừ nguy cơ SARS-CoV-2 có thể tiếp tục xuất hiện biến thể mới.

“Thời điểm này, TP. Hồ Chí Minh đang ở một làn sóng, có thể sẽ chấm dứt trong 3 tuần tới. Sau đó, tiếp tục có thêm 1 lần nữa, chưa chấm dứt được. Những tính toán của cá nhân tôi, trong 5-6 tháng tới, Covid-19 mới đạt sự ổn định”.

Câu hỏi tiếp theo là, chúng ta có thể duy trì sự ổn định của Covid-19? Câu trả lời vẫn là chưa.

Để làm được yêu cầu trên, ngành y tế phải xây dựng hệ thống điều trị hiệu quả, có tính dự phòng, bảo vệ cho người nguy cơ cao, bệnh nền, lớn tuổi trước Covid-19. Mục tiêu là giảm ca nặng và tử vong, đảm bảo tính ổn định với thiệt hại thấp nhất.

Nhìn sang nước Mỹ, họ vừa ban hành kế hoạch quốc gia ứng phó với Covid-19 mà PGS. Dũng cho rằng, hoàn toàn phù hợp với dịch tễ học. Trong đó, nước Mỹ tiếp tục duy trì miễn dịch cộng đồng bằng vaccine, nếu không miễn dịch sẽ mất dần và tạo ra làn sóng mới.

Người dân tiếp cận hiệu quả với điều trị Covid-19, đặc biệt là người thuộc nhóm nguy cơ cao. Ngoài ra, Mỹ vẫn khuyến khích người dân thực hiện 5K, cung cấp cho họ phương tiện xét nghiệm để tránh lây lan.

“Ở Mỹ, các biện pháp 5K được khuyến cáo chứ không mang tính bắt buộc, chế tài”. Tương tự, khi Việt Nam xem Covid-19 là bệnh đặc hữu, những biện pháp bảo vệ cá nhân và cộng đồng cũng mang tính khuyến khích nên thực hiện thay vì kiểm soát.

Ông khẳng định, việc tiến tới xem Covid-19 là bệnh đặc hữu có giá trị vô cùng lớn. Người dân cần được trở lại cuộc sống bình thường, thoải mái, không còn kiểm soát bằng khai báo di chuyển. Đồng thời, không thể để cảnh học sinh đi học vài ngày, có ca nhiễm lại phải nghỉ. Cha mẹ cũng nghỉ làm chăm sóc con.

Trong khi đó, thạc sĩ, bác sĩ Đỗ Cao Vân Anh, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cũng đồng thuận về việc xem xét Covid-19 như một dịch bệnh địa phương, xảy ra với một mức độ nguy hiểm nhất định, có kiểm soát.

“Tuy nhiên, quan trọng nhất là làm sao để người dân nhuần nhuyễn với việc mang khẩu trang và 5K để phòng bệnh. Chúng ta phải thay đổi thói quen, kể cả khi Covid-19 là bệnh đặc hữu.

Các quốc gia khác vẫn đang tiếp tục tìm thêm vaccine Covid-19 có độ bền và bảo vệ kéo dài hơn, nghiên cứu các thuốc men thích hợp với từng giai đoạn và nhóm bệnh để điều trị hiệu quả.

Về mặt kinh tế, xã hội, như xu hướng nhiều nơi trên thế giới, chúng ta không thể “siết” được nữa”, bà chia sẻ.

Tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem Covid-19 là bệnh đặc hữu

Tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem Covid-19 là bệnh đặc hữu

Tại cuộc họp báo chiều 3/3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn cho biết, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế ...

Công bằng vaccine Covid-19: Con đường ngắn nhất chuyển từ đại dịch sang bệnh đặc hữu

Công bằng vaccine Covid-19: Con đường ngắn nhất chuyển từ đại dịch sang bệnh đặc hữu

Tại Chương trình nghị sự Davos diễn ra theo hình thức trực tuyến, các chuyên gia y tế công cộng cho hay, đảm bảo công ...

(theo Vietnamnet)