Quỹ BHYT chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT cho đối tượng theo quy định của Luật BHYT. (Nguồn: VGP) |
Theo Bộ Y tế, việc tỷ lệ chi từ tiền túi tương đối cao trong cơ cấu tài chính y tế ở Việt Nam có thể gây nguy cơ thiếu sự bền vững trong dài hạn, đặc biệt chúng ta đã bước vào 'thời kỳ già hóa dân số" và trở thành một trong những quốc gia già hóa nhanh nhất thế giới từ năm 2017.
Vì vậy, việc xây dựng và vận hành cơ chế tài chính nhằm đảm bảo người bệnh được tiếp cận các dịch vụ y tế hiệu quả, đáp ứng nhu cầu chăm sóc y tế ngày càng đa dạng ở cả nhóm đại chúng và nhóm người có thu nhập trung bình khá trở lên đang dần trở thành mối quan tâm lớn.
Gói Bảo hiểm y tế bổ sung: Đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân
Tại báo cáo đánh giá tác động chính sách trong dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), Bộ Y tế cho biết, hiện nay, tại Việt Nam có 2 hình thức BHYT, đó là:
Thứ nhất, BHYT bắt buộc do Nhà nước thực hiện theo Luật BHYT mang tính xã hội không vì mục đích lợi nhuận và được Nhà nước tổ chức thực hiện theo Luật. Mọi người dân phải bắt buộc tham gia BHYT theo Luật BHYT. BHYT là hình thức bảo hiểm được áp dụng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận, do Nhà nước tổ chức thực hiện và các đối tượng có trách nhiệm tham gia theo quy định của Luật BHYT.
Quỹ BHYT chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT cho đối tượng theo quy định của Luật BHYT, người sử dụng dịch vụ chi trả cho phần ngoài mức hưởng và phạm vi được hưởng.
Thứ hai, bảo hiểm sức khỏe của các công ty bảo hiểm (thường được gọi là BHYT thương mại) mang tính kinh doanh, hoạt động có lợi nhuận theo Luật Kinh doanh bảo hiểm được thiết kế phù hợp với mọi mong muốn của người ký hợp đồng bảo hiểm theo từng điều kiện và nhu cầu của người đó, mang tính tự nguyện và không mang tính bắt buộc như BHYT xã hội.
Theo Bộ Y tế, mặc dù có mức phí thường cao hơn so với BHYT bắt buộc nhưng bảo hiểm sức khỏe có nhiều lựa chọn cho người tham gia do đa dạng gói quyền lợi theo khả năng đóng. Tuy nhiên các phạm vi quyền lợi thường bị trùng với phần BHYT bắt buộc đã chi trả hoặc công ty có xu hướng lựa chọn dịch vụ để chi trả, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia. Do Nhà nước không can thiệp mà phụ thuộc vào hợp đồng bảo hiểm do công ty tự xây dựng nên người bệnh chưa được bảo vệ về quyền lợi toàn diện.
Bên cạnh đó, chưa có sự liên kết và chưa có vai trò của nhà nước trong việc xây dựng các cơ chế để kiểm soát và bảo vệ quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm sức khỏe trong khi đây là lĩnh vực nhạy cảm, phi lợi nhuận.
Nghị quyết 20 đã đặt ra một trong nhiệm vụ trọng tâm để tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới là "đổi mới mạnh mẽ tài chính y tế" trong đó tập trung "Triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện BHYT toàn dân. Điều chỉnh mức đóng phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, thu nhập của người dân và chất lượng dịch vụ. Đa dạng các gói BHYT. Tăng cường liên kết, hợp tác giữa BHYT xã hội với BHYT thương mại". Các quy định này cần được thể chế vào pháp luật.
Mặc dù phạm vi quyền lợi của BHYT của Việt Nam được đánh giá là khá rộng với mức hưởng khá cao so với mức đóng. Tuy nhiên, trên thực tế người tham gia BHYT vẫn phải đồng chi trả đối với các dịch vụ thuộc phạm vi quyền lợi và phải chi trả toàn bộ đối với các dịch vụ ngoài phạm vi quyền lợi. Trong bối cảnh, thu nhập và nhu cầu được chăm sóc toàn diện của người dân tăng thì việc quy định BHYT bổ sung là rất cần thiết.
Theo Bộ Y tế, quy định hình thức BHYT bổ sung liên kết với BHYT thương mại do công ty bảo hiểm thực hiện theo hình thức thương mại là: "Bảo vệ và cải thiện phạm vi quyền lợi BHYT theo hướng tăng tính chi phí hiệu quả và đáp ứng toàn diện nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tham gia BHYT".
Đề xuất quy định gói BHYT bổ sung
Tại một hội thảo về vấn đề này do Bộ Y tế tổ chức trước đó, ông Nguyễn Trí Dũng - phó Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế thông tin, hiện nay, Bộ Y tế đang dự thảo Luật BHYT sửa đổi. Theo đó, có đề xuất quy định gói BHYT bổ sung là BHYT tự nguyện, áp dụng cho những người đã tham gia BHYT bắt buộc.
BHYT bổ sung tăng thêm nguồn tài chính cho chăm sóc sức khoẻ, đồng thời thêm cơ chế tài chính trả trước, góp phần giảm chi tiền túi. (Nguồn: VGP) |
Gói BHYT bổ sung sẽ chi trả giá trị tăng thêm như phần đồng chi trả, quyền lợi tăng thêm mà người bệnh có nhu cầu hoặc dịch vụ tăng thêm so với các dịch vụ đang được BHYT cung cấp.
Tuy nhiên, doanh nghiệp tham gia cung cấp các gói bảo hiểm này không được lựa chọn đối tượng, không được có quy định loại trừ người bệnh, không chỉ chọn người khỏe ký hợp đồng mà là tất cả người bệnh có điều kiện, có nhu cầu.
Về mức phí cho BHYT bổ sung, ông Dũng thông tin hiện nay sẽ do phía đơn vị kinh doanh bảo hiểm quy định. Tuy nhiên, Nhà nước sẽ quy định nguyên tắc xây dựng mức phí để đảm bảo quyền lợi cho người bệnh, phạm vi chi trả không được trùng lắp với BHYT bắt buộc.
TS Nguyễn Khánh Phương – Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Y tế, Bộ Y tế cho biết, BHYT tư nhân/thương mại là mô hình BHYT tự nguyện, hoạt động ngoài tổ chức BHYT xã hội, mức phí tham gia được xác định theo nguy cơ sức khỏe của mỗi cá nhân do một tổ chức có tư cách pháp nhân không thuộc nhà nước điều hành theo phương thức vì lợi nhuận hoặc không vì lợi nhuận.
Theo phân tích của TS Khánh Phương, BHYT bổ sung tăng thêm nguồn tài chính cho chăm sóc sức khoẻ, đồng thời thêm cơ chế tài chính trả trước, góp phần giảm chi tiền túi.
Hình thức này còn phát huy thế mạnh của công ty bảo hiểm thương mại về tiềm lực tài chính, nghiệp vụ bảo hiểm, kinh nghiệm quản lý của các công ty đa quốc gia và quan trọng hơn nữa là góp phần làm đa dạng hóa các gói bảo hiểm đáp ứng nhu cầu của người dân.
Theo Quyết định số 07/QĐ-TTg năm 2023 phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 05/01/2023 cho biết: Năm 2021 có khoảng 11% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ, tỷ lệ tham gia bảo hiểm sức khỏe chiếm khoảng 4%. Dự kiến đến năm 2025 có khoảng 15% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ nên có thể tăng tỷ lệ tham gia bảo hiểm bổ sung trong số hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Năm 2021, tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ toàn thị trường ước đạt 116.404 tỷ đồng, nếu tăng thêm 4% tương đương với doanh thu 34.921 tỷ đồng, trong đó bảo hiểm sức khỏe/bảo hiểm bổ sung có thể chiếm đến 30% doanh thu tăng thêm. |
(theo SK&ĐS)
| Quy định về giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế mới nhất Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận vừa ký ban hành Thông tư 22 quy định thống nhất giá dịch vụ khám chữa bệnh ... |
| Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đủ điều kiện quy hoạch quy hoạch Đông Nam Bộ thành trung tâm lớn nhất về kinh tế - xã hội của cả nước Chiều 26/11, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ ... |
| Tình hình Ukraine: Tổng thống Pháp tuyên bố 'không loại trừ' việc đổ bộ quân, Nga cảnh báo nguy cơ 'đối đầu quốc tế' Ngày 26/2, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron công bố các bước đi mới nhằm thúc đẩy Ukraine trong xung đột với Nga, trong khi Moscow ... |
| Bà con kiều bào đóng góp nhiều ý tưởng thúc đẩy quan hệ Việt Nam-New Zealand Trong chương trình thăm chính thức New Zealand, tối 10/3 (giờ địa phương), tại thủ đô Wellington, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân ... |
| UN Women - ‘Bạn đồng hành’ cùng Việt Nam kiến tạo đổi thay “Với phương pháp tiếp cận đa chiều, UN Women nhấn mạnh cam kết trong việc tạo ra một xã hội Việt Nam bình đẳng và ... |