Mối quan hệ giữa Australia và Trung Quốc thời gian gần đây đang đi vào bế tắc và có khả năng trở nên tồi tệ hơn trong thời gian tới.
Xuất phát điểm chính là thách thức đối với chính sách đối ngoại của Australia khi phải quản lý mối quan hệ kinh tế lớn với Trung Quốc nhưng đồng thời phải đảm bảo mối quan hệ chiến lược và an ninh sâu sắc với Mỹ.
Tuy nhiên, đây không hẳn là một điều bất thường bởi nhiều quốc gia như Nhật Bản, Ấn Độ, Thái Lan và Philippines cũng phải cân bằng những lợi ích đó.
Australia liên tục phải hứng chịu những biện pháp trừng phạt thương mại do Trung Quốc áp đặt, trong đó có cả rượu vang. (Nguồn: TND) |
Theo Giáo sư James Laurenceson, thực tế, sự chia rẽ giữa Trung Quốc với Nhật Bản, Ấn Độ và một vài quốc gia khác thậm chí còn gay gắt hơn so với mối quan hệ Australia-Trung Quốc.
Tuy nhiên, sự khác biệt trong mối quan hệ giữa Bắc Kinh với Canberra là việc Canberra hiện không duy trì được đối thoại chính trị cấp cao với giới lãnh đạo ở Bắc Kinh và liên tục phải hứng chịu những biện pháp trừng phạt thương mại do Trung Quốc áp đặt.
Điều này đặt ra câu hỏi rõ ràng về việc liệu Australia có chiến lược xử lý mối quan hệ với Trung Quốc một cách đúng đắn hay không?
Cựu Thủ tướng Malcolm Turnbull, người đứng đầu Australia khi mối quan hệ với Trung Quốc bắt đầu đi xuống, gần đây cho rằng “chiến lược của Trung Quốc là cô lập Australia khỏi các đồng minh”.
Ông Turnbull đánh giá rằng, trong khi áp đặt các lệnh trừng phạt với Australia, Trung Quốc sẽ tìm cách xích lại gần Nhật Bản và Mỹ. Điều này ngụ ý rằng việc cắt đứt đối thoại chính trị và các cấm vận thương mại của Trung Quốc đối với Australia, khiến Australia trở thành một kẻ ngoài cuộc, không phải do chính nước này gây ra.
Thay vào đó, ông Turnbull cho rằng các chiến lược gia Trung Quốc đã tìm cách cô lập Australia. Điều này tương tự tuyên bố gần đây của Thủ tướng Scott Morrison rằng “Australia không làm gì tổn hại đến mối quan hệ đối tác này (với Trung Quốc)”.
Tuy nhiên, phiên bản của những sự kiện như vậy chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn.
Những cơ hội bị bỏ lỡ
Thứ nhất, những dịp có thể ngăn chặn mối quan hệ Australia-Trung Quốc trở nên xấu đi và thậm chí có khả năng chuyển hướng sang mối quan hệ tích cực đã bị bỏ qua. Những cơ hội này đã từng nằm trong tầm tay trước khi có sự thay đổi mạnh mẽ theo hướng tiêu cực vào năm 2020.
Vào ngày 7/8/2018, chỉ hai tuần trước khi bị mất ghế thủ tướng, ông Turnbull đã có bài phát biểu mà Phillip Coorey, phóng viên chính trị của tờ Australian Financial Review mô tả là “bài phát biểu thiết lập lại” mối quan hệ với Trung Quốc.
Ông Coorey lưu ý rằng bài phát biểu của ông Turnbull đã được “viết và lên kế hoạch cẩn thận để phát biểu trước các thính giả được mời, trong đó có Đại sứ Trung Quốc tại Australia và Tổng lãnh sự Trung Quốc tại Sydney”.
Để đáp lại nhưng lời ca ngợi của ông Turnbull về cải cách kinh tế của Trung Quốc và những lợi ích của mối quan hệ song phương, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết họ đã “ghi nhận và đánh giá cao những nhận xét tích cực này”.
Ngày 23/8/2018, chính phủ Australia đã cấm công ty công nghệ Trung Quốc Huawei tham gia vào việc triển khai mạng 5G của Australia. Vào thời điểm đó, ông Scott Morrison giữ chức Bộ trưởng Tài chính và quyền Bộ trưởng Nội vụ đã nhận trách nhiệm về quyết định này.
Sau đó, khi ông Morrison trở thành thủ tướng, Bắc Kinh vẫn gửi lời mời tân ngoại trưởng trong chính quyền của ông, bà Marise Payne, đến thăm Trung Quốc vào đầu tháng 11/2018 để tham dự Đối thoại Chiến lược và Ngoại giao Australia-Trung Quốc lần thứ 5.
Người tiền nhiệm của bà Payne, Julie Bishop, đã không có bất cứ chuyến đi nào tới Trung Quốc trong hai năm rưỡi cuối nhiệm kỳ.
Năm 2019, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã gặp ông Morrison trong cuộc họp thường niên giữa các nhà lãnh đạo bên lề Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) ở Bangkok.
Những động thái như vậy khó có thể phù hợp với một chiến lược cô lập Australia đã dần ổn định.
Hành xử không thân thiện
Tin liên quan |
Đại sứ Australia tố Trung Quốc là đối tác thương mại 'hay thù oán' và 'không đáng tin cậy' |
Thứ hai, ý tưởng cho rằng tình trạng hiện nay của Australia (khác biệt với các quốc gia khác trong mối quan hệ với Trung Quốc) là không thể tránh khỏi đã bỏ qua một loạt các lựa chọn ngoại giao cấp nhà nước trong suốt nhiều năm khiến cho Trung Quốc trở nên ít thiện chí hơn trong việc hợp tác với Australia, đồng thời không mang lại lợi ích bù đắp nào cho đất nước.
Một trong số đó phải kể đến bài thuyết giảng mang tính khiêu khích không cần thiết của bà Bishop tại Singapore hồi tháng 3/2017, trong đó bà chỉ ra Trung Quốc là quốc gia “phi dân chủ” và cho rằng “dân chủ và các thể chế dân chủ là điều cần thiết cho các quốc gia nếu họ muốn đạt được tiềm năng kinh tế của mình”.
Sau đó, ông Turnbull đã có những nhận xét gây khó chịu trong quá trình giới thiệu Luật chống sự can thiệp của nước ngoài mới vào tháng 12/2017. Sử dụng tiếng Quan thoại, ông Turnbull khẳng định rằng nhân dân Australia đã “đứng lên”, giống như Mao Trạch Đông đã nói với nhân dân Trung Quốc khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 1949 sau một thế kỷ bị ngoại bang chiếm đóng và bóc lột.
Ngoài ra, thay vì nhấn mạnh luận điểm cho rằng luật này là không thể thiếu đối với Australia, ông Turnbull đã chọn biện minh cho việc thông qua bộ luật chống sự can thiệp của nước ngoài bằng cách trích dẫn “các báo cáo đáng lo ngại về ảnh hưởng của Trung Quốc”.
Tờ The Wall Street Journal đưa tin, trong những năm gần đây, các nhà ngoại giao Australia đã “đi khắp châu Âu để kết nối những người chỉ trích Trung Quốc ở các quốc gia nhỏ hơn với những người có quan điểm tương tự ở các nơi khác” và cho biết thêm rằng những nỗ lực này đã “thúc đẩy những nỗ lực tương tự của Washington”.
Cách tiếp cận cứng rắn
Thứ ba, ngay cả khi các quốc gia khác như Nhật Bản là đối tượng của Bắc Kinh, Nhật Bản cũng chủ động thực hiện các bước để duy trì mối quan hệ cân bằng với Trung Quốc. Cách tiếp cận của Tokyo đối với Trung Quốc, trái ngược với cách tiếp cận của Australia, được duy trì bằng chính sách ngoại giao thận trọng, nhất quán và rõ ràng.
Cựu Đại sứ Australia tại Tokyo John McCarthy đánh giá rằng “Người Nhật… cẩn thận về giọng điệu và bối cảnh của những tuyên bố công khai về Trung Quốc và hoàn cảnh mà những tuyên bố này được đưa ra”.
Điều này có thể được minh họa trên thực tế là Nhật Bản đã tìm ra những lĩnh vực có thể hợp tác với Trung Quốc ngay cả khi vẫn còn những nghi ngờ. Về Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc, Giáo sư Đại học Tokyo Asei Ito cho rằng Nhật Bản đã chuyển từ “không tham gia” ở thời điểm trước năm 2016 sang “tham gia có điều kiện” thời gian sau đó.
Ông Ito đánh giá thêm Nhật Bản luôn thể hiện sự sẵn sàng làm việc với Trung Quốc trong các dự án ở các nước thứ ba. Trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc vào tháng 10/2018, cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo và Chủ tịch Tập Cận Bình đã công bố 50 sáng kiến cơ sở hạ tầng hợp tác chung của hai nước.
Trong khi đó, Australia dường như đã chuyển từ “cam kết có điều kiện”, ký kết một bản ghi nhớ với Trung Quốc về hợp tác ở các nước thứ ba trong năm 2017, sang “không tham gia”.
Điều này cũng được phản ánh trong tuyên bố của Thủ tướng Morrison vào tháng 6/2020 rằng BRI là một chương trình mà “chính sách đối ngoại của Australia không công nhận”, không nằm trong “lợi ích quốc gia của Australia”.
Sự chuyển hướng này đã tăng cao đến mức chính phủ Australia đe dọa hủy bỏ một thỏa thuận không ràng buộc về hợp tác BRI mà chính quyền bang Victoria đã ký với Trung Quốc.
Mối quan hệ giữa Tokyo và Bắc Kinh đang căng thẳng hiện nay không làm thay đổi những thực tế về chính sách Trung Quốc của Australia kể từ năm 2016.
Sự cứng rắn trong xử lý mối quan hệ với Trung Quốc của chính quyền Australia về lâu dài cũng sẽ không phục vụ lợi ích của Australia.