TIN LIÊN QUAN | |
Quan hệ Việt Nam-Ấn Độ đóng vai trò quan trọng ở khu vực và thế giới | |
Ấn Độ long trọng kỷ niệm 150 năm ngày sinh vị cha già dân tộc Mahatma Gandhi tại Việt Nam |
Mahatma Gandhi là biểu tượng của phương châm “tư duy địa phương, hành động toàn cầu”. (Nguồn: Twitter) |
Ngày 2/10, thế giới sẽ kỷ niệm 150 năm ngày sinh của ông Mahatma Gandhi (2/10/1896-2/10/2019) – người đã dẫn dắt cuộc kháng chiến của nhân dân Ấn Độ giành độc lập, thoát khỏi sự cai trị của thực dân Anh. Được đánh giá là biểu tượng của phương châm “tư duy địa phương, hành động toàn cầu”, Mahatma Gandhi là một trong những nhà lãnh đạo hiếm hoi của đất nước sông Hằng được phát hành bộ tem kỷ niệm ở hơn 100 quốc gia trên thế giới.
Sợi dây tình yêu phổ quát
Không chỉ truyền cảm hứng và để lại ấn tượng không thể xóa nhòa cho nhiều thế hệ dù chưa từng gặp gỡ, nhà lãnh đạo Gandhi còn thổi bùng ngọn lửa đam mê nghiên cứu và đọc hiểu về những giá trị mà ông yêu quý và nắm giữ. Tờ Times of India cho rằng, rất ít người có khả năng đặc biệt này. Mặc dù ông Gandhi chưa từng gặp những nhân vật nổi tiếng như Martin Luther King Jr., Nelson Mandela hoặc Leo Tolstoy, song ông đã chạm vào cuộc sống của ba nhà lãnh đạo cứng rắn này bằng cách trao đổi suy nghĩ mạnh mẽ qua những lá thư.
Ông Mahatma Gandhi dẫn đầu cuộc tuần hành phản đối sự độc quyền của Chính phủ Ấn Độ trong sản xuất muối. (Nguồn: Getty Images) |
Khi lần đầu đặt chân đến Nam Phi, ông Gandhi đã đọc một số tác phẩm văn học của Leo Tolstoy - nhà triết học, nhà văn người Nga. Trong cuốn Tự truyện, ông Gandhi đã viết về phương pháp giáo dục giá trị tình yêu phổ quát của nhà văn Tolstoy.
Sau khi đọc xong cuốn Vương quốc của Chúa ở trong bạn của Tolstoy, ông Grandi nêu cảm nghĩ: “Tác phẩm đã để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi. Những suy nghĩ độc lập, đạo đức sâu sắc và tính trung thực của cuốn sách đã thôi thúc tôi thực hiện nghiên cứu chuyên sâu về các tác phẩm của nhà văn người Nga vĩ đại này... Tôi bắt đầu nhận ra sức mạnh vô hạn của tình yêu phổ quát”.
Times of India khẳng định, đây chính là sợi dây kết nối nhà văn của xứ sở bạch dương Tolstoy với người hùng Nam Á Gandhi về tầm quan trọng và giá trị của tình yêu không bạo lực và phổ quát.
Tầm ảnh hưởng quốc tế
Mahatma Gandhi được đánh giá là một trong những biểu tượng ngoại giao công chúng sáng chói của Ấn Độ, đặc biệt sau khi những phương pháp truyền cảm hứng cho người dân đấu tranh vì độc lập của ông thu hút sự quan tâm của báo chí quốc tế, trong đó phải kể đến báo chí Australia và Trung Quốc.
Ngày 8/1/1897, ông Gandhi lần đầu tiên xuất hiện trên tờ Evening News của xứ sở kangaroo đúng bốn năm sau khi đặt chân đến Nam Phi. Trong giai đoạn 1906-1907, mục Tin tức Thế giới của tờ báo trên đã bắt đầu chú ý và đưa tin về cá nhân và lý tưởng của ông Mohandas Karamchand Gandhi, cũng như nỗ lực sử dụng “Satyagraha”, tạm dịch là “truy tầm chân lý” - công cụ chống lại người Anh ở Nam Phi, của nhân vật nổi tiếng này.
Không chỉ vậy, tầm ảnh hưởng của ông tại Trung Quốc – quốc gia mà chính trị gia Nam Á chưa từng đến thăm, cũng là một khía cạnh đáng chú ý khi nhà văn người Ấn Độ Ramachandra Guha đã khắc họa bức tranh người Trung Quốc tham gia cuộc biểu tình ôn hòa của ông Gandhi tại tỉnh Transvaal ở Nam Phi.
Theo nhà văn này, khoảng 1.000 người dân Trung Quốc đã cùng người ủng hộ Ấn Độ tham gia vào cuộc biểu tình ôn hòa năm 1906 trong nỗ lực nhằm phản đối dự luật cấm người châu Á sở hữu tài sản, buộc phải mang theo chứng minh thư và một số quy định khác.
Hình ảnh nhà lãnh đạo Mahatma Gandhi của Ấn Độ và Tôn Trung Sơn của Trung Quốc được trưng bày tại trường Pei May thuộc khu phố người Hoa Calcutta, Tây Bengal, Ấn Độ. (Nguồn: Chinatownstories.com) |
Học giả người Trung Quốc Shang Quanyu - chuyên gia nghiên cứu về ông Gandhi, đã có bài viết thể hiện sự quan tâm của giới trẻ Trung Quốc đến việc học tập và nghiên cứu mối tương quan đương đại của ông Gandhi. Trong số đó, học giả Shang đã đưa những nghiên cứu so sánh các nhân vật lịch sử Trung Quốc với Mahatma Gandhi vào chương trình giảng dạy từ bậc mầm non đến đại học hiện nay ở Trung Quốc.
Theo đó, học giả Shang nhận định: “Các nghiên cứu so sánh giữa Mahatma Gandhi và Tôn Trung Sơn cho thấy sự khác biệt trong tư tưởng kinh tế cũng như phản ứng tương ứng đối với cách mạng xã hội chủ nghĩa Nga... Sự hình thành tư tưởng Gandhi về bất bạo động và tư tưởng Tôn Trung Sơn về chủ nghĩa tam dân không chỉ bắt nguồn từ văn hóa truyền thống và điều kiện lịch sử cụ thể của từng quốc gia, mà còn chịu ảnh hưởng từ văn hóa phương Tây và kinh nghiệm cá nhân.
Cả hai nhà lãnh đạo này đã tiếp thu và tích hợp nhiều ý tưởng tuyệt vời, nổi bật với những suy nghĩ độc đáo, mang màu sắc riêng trong số các hệ tư tưởng dân tộc chủ nghĩa châu Á đương đại”.
Một Ghandi trong tất cả chúng ta
Cho đến nay, Anh hùng Mahatma Gandhi vẫn là một cái tên thân thuộc đối với tất cả người dân Ấn Độ. Tại Hội thảo do Chinmaya Yuva Kendra tổ chức ở Karur, Tamil Nadu – bang có nền kinh tế lớn thứ hai của xứ sở sắc màu, diễn giả kiêm nhà báo cao cấp Rangaraj Pandey cho rằng, Ấn Độ tự hào vì có người hùng Gandhi – người chỉ mặc một miếng vải thăn đơn giản nhưng đã mang lại nền độc lập hòa bình cho Ấn Độ. Cho rằng đó là sức mạnh của tâm trí và ý chí mạnh mẽ, quan điểm này của ông Pandey đã ngay lập tức nhận được sự đồng tình và ủng hộ mạnh mẽ của 2.500 thanh niên tham dự Hội thảo.
Tờ Times of India nhấn mạnh, giống như người dân Ấn Độ, vô số người trên thế giới đã chia sẻ sự ngưỡng mộ và tôn trọng các giá trị nhân văn của ông Gandhi.
Trong khi đó, Phillip Jackson, nghệ sĩ người Scotland, đồng thời là tác giả của tác phẩm điêu khắc Gandhi tại Quảng trường Quốc hội London nhấn mạnh: “Ông Gandhi đã chỉ ra rằng, việc giành được chiến thắng trong cuộc tranh luận và áp đặt ý chí cá nhân bằng biện pháp hòa bình trong thế giới đầy rắc rối này là một ví dụ cần phải tuân theo”.
Thông qua việc ủng hộ mạnh mẽ giá trị của bất bạo động, ông Gandhi trở thành một trong những con người được yêu mến và ngưỡng mộ nhất trên Trái đất này. Tên của ông đại diện cho đất nước và người dân Ấn Độ.
Bộ tem kỉ niệm 150 năm ngày sinh của anh hùng dân tộc Mahatma Gandhi đã chính thức "lên kệ". (Nguồn: Twitter) |
Không khó để nhận ra, hầu hết các tác phẩm điêu khắc và tượng của Mahatma Gandhi trên thế giới đều được tái hiện bởi chiếc khố quấn quanh eo, hoặc trang phục truyền thống dhoti và anga-differram. Chính sự giản dị, mộc mạc cùng “chất Ấn” trong ông đã khiến cho người hùng dân tộc Ấn Độ trở nên khác biệt, không chỉ trong thời đại của ông mà còn trong cả thời đại ngày nay.
Bên cạnh các nhà lãnh đạo quốc tế, cả giới truyền thông, học thuật, nghệ sĩ, nhà triết học, nhà điêu khắc và những người có nền tảng khác nhau, đều lấy cảm hứng từ ông Mahatma Gandhi để truyền bá hệ thống giá trị của Ấn Độ.
Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là, New Delhi cần làm thế nào để phát triển giá trị của chính mình? Birad Rajaram Yajnik - người được ủy thác của Trung tâm Nghệ thuật Quốc gia Indira Gandhi, đồng thời là người coi ông Gandhi là thần tượng, khẳng định: “Chúng tôi đang tìm kiếm một Gandhi tiếp theo. Đó có thể là bất cứ ai trong số chúng ta. Có một Gandhi trong tất cả chúng ta. Điều cần thiết là chúng ta bắt đầu nhận ra điều đó”.
Khánh thành tượng Mahatma Gandhi giữa lòng Hà Nội Ngày 27/8, tại Hà Nội, diễn ra Lễ khánh thành bức tượng bán thân của nhà lãnh đạo, vị anh hùng dân tộc vĩ đại ... |
Tưởng nhớ Mahatma Gandhi: Vị thánh từ Gujarat Chân lý là thượng đế. Chân lý không tồn tại riêng lẻ mà phải đi cùng với tình yêu, lòng thương cảm. Đây là cơ ... |
Ấn Độ tỏ lòng tôn kính lãnh tụ Mahatma Gandhi Ngày 2/10, nhân dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 145 của lãnh tụ Mahatma Gandhi - "vị cha già" và biểu tượng độc lập ... |