Cụ ông ấy là Nguyễn Văn Sự, cán bộ công tác tại Bộ Ngoại giao từ năm 1960 đến năm 1988. Ông Sự kể rằng khi nghe tin ông Giáp mất vào 18h10 ngày 4/10/2013, ông bàng hoàng cả đêm và trong suốt những ngày diễn ra lễ viếng Đại tướng ở Hà Nội, ngày nào ông cũng có mặt từ sáng sớm. Khi vào Quảng Bình tiễn Đại tướng, vì đông người quá nên ông đã ngủ qua đêm tại ngã ba Vũng Chùa, Đảo Yến để sáng hôm sau có thể đi bộ lên thăm mộ Đại tướng.
Có lẽ, ít người biết ông Nguyễn Văn Sự là một dịch giả nổi tiếng với nhiều cuốn sách và cũng là người rất “có duyên” với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ngay từ năm 1995, ông đã có chuyến đi sang Pháp làm việc với các tác giả và nhà xuất bản tại đây để tìm đường cho việc phát hành những cuốn sách giá trị về Tướng Giáp. Kết quả là nhiều cuốn sách về hồi ức của Đại tướng đã được Nhà xuất bản Anako tại Paris phát hành như Combattre dans l’encerclement, 2003 (dịch từ Chiến đấu trong vòng vây), Le chemin menant à Dien Bien Phu, 2003 (dịch từ Đường tới Điện Biên Phủ), Dien Bien Phu, le rendez-vous historique, 2004 (dịch từ Điện Biên Phủ, điểm hẹn lịch sử).
Được tiếp cận nhiều sách báo phương Tây nói về Đại tướng, ông Nguyễn Văn Sự cũng đã có công mang những tư liệu quý này đến với công chúng trong nước. Cần phải kể đến như cuốn Võ Nguyên Giáp, một cuộc đời, 2011 (dịch từ Vo Nguyen Giap une vie của Alain Ruscio, Tiến sĩ sử học Pháp), Võ Nguyễn Giáp, 2012 (dịch từ GIAP của Georges Boudarel, Tiến sĩ sử học trường Đại học Paris VII), Võ Nguyên Giáp – thiên tài quân sự của thế kỷ XX, 2013 (dịch từ GIAP – The genius of XX siecle, the victory at any cost của Giáo sư người Mỹ Cecil B. Currey), Võ Nguyên Giáp hay là cuộc chiến tranh nhân dân, 2014 (dịch từ Giap - De la Guerre du Peuple của Gerard Le Quang - Việt kiều Pháp)...
Trong tất cả cuốn sách từng dịch, ông Sự cho biết, bản thân tâm đắc nhất với cuốn GIAP xuất bản năm 1977 tại Pháp. Bởi vì, theo ông, tác giả là một người Pháp tiến bộ đã nhận ra ngay cuộc chiến tranh xâm lược của Pháp là phi nghĩa và cuốn sách đã nhận định và đánh giá khách quan đúng dắn về vai trò và cống hiến của Đại tướng.
Không chỉ là người dịch sách về Đại tướng, ông Sự cũng có cơ may được gặp người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam dù không phải là nhiều. Đến nay, dù đã tuổi đã cao nhưng ông vẫn nhớ như in về lần đầu tiên gặp Đại tướng vào năm 1946 khi ông tham gia kháng chiến chống Pháp và đang làm Bí thư Ủy ban quân sự cách mạng tỉnh Sơn Tây.
Một lần khác là năm 1948, khi công tác tại Trung ương Đảng Dân chủ Việt Nam (trong Việt Minh) đi qua Lâm Thao (Phú Thọ) có gặp Đại tướng cưỡi ngựa. Ấn tượng nhất trong những lần gặp là Đại tướng luôn mỉm nụ cười tươi với đôi mắt sáng và hay đội mũ cát.
Ông Sự chia sẻ về lần cuối cùng được gặp gỡ riêng với tướng Giáp là năm 2004, khi mang cuốn sách dịch đến tặng Đại tướng. Khi đó, Đại tướng nói rất ân cần với ông rằng: “Anh mua giúp tôi năm cuốn” nhằm bày tỏ lòng biết ơn tới người dịch.
Những năm sau này, dù không gặp gỡ trực tiếp, hoặc chỉ nhìn từ xa nhưng ông Sự vẫn luôn dõi theo những hình ảnh và tin tức về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông vẫn đọc, sưu tầm sách báo về Đại tướng và lặng lẽ cho ra đời hàng loạt cuốn sách dịch có giá trị.
Ở bất kỳ đâu và khi bất kỳ ai hỏi “ông là ai?”, ông cũng tự hào trả lời rằng: “Tôi là lính của cụ Giáp”.
THUẬN VŨ