📞

Mặt sau tờ ‘giấy phép’ hoãn 90 ngày của Mỹ, ‘đừng đùa với Huawei’

Minh Anh 15:49 | 21/05/2019
TGVN. “Giấy phép” hoãn một lệnh cấm trong 90 ngày, được cho là minh chứng cho thấy tầm ảnh hưởng thực tế không hề nhỏ của Huawei, nó có thể gây ra hậu quả tức thời, sâu rộng và không lường trước cho tất cả khách hàng của “đế chế công nghệ” Trung Quốc này.
Một lệnh cô lập Huawei có thể gây ra hậu quả tức thời, sâu rộng và không lường trước cho các khách hàng của “đế chế công nghệ” Trung Quốc. (Nguồn: Getty Images)

Washington ngày 20/5 đã quyết định hoãn thực thi lệnh “cô lập” Tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc Huawei khỏi các công ty công nghệ Mỹ trong 90 ngày, với lý do nhằm giảm thiểu sự gián đoạn lợi ích của các khách hàng đang được phục vụ bởi các công ty viễn thông trên toàn thế giới.

Một văn kiện của Bộ Thương mại Mỹ khẳng định khá chắc chắn, động thái nới lỏng này sẽ không làm thay đổi lệnh cấm do Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt với lý do an ninh quốc gia - một quyết định chắc chắn sẽ có ảnh hưởng rất lớn tới các công ty công nghệ của Mỹ, Trung Quốc, thậm chí là toàn cầu. Tuy nhiên, sự việc sẽ tiến triển như thế nào phải hồi sau mới rõ.

Văn kiện nêu rõ, việc tạm thời dừng thực thi lệnh cấm trong vòng 90 ngày, để cho Huawei và các đối tác có thời gian "nhằm duy trì và hỗ trợ những mạng lưới và thiết bị hiện hành hoạt động đầy đủ, bao gồm việc cập nhật phần mềm và các bản sửa lỗi theo đúng các hợp đồng ràng buộc pháp lý, cũng như các thỏa thuận... trước hoặc vào ngày 16/5/2019".

Theo đó, trong thời gian này, Huawei được phép mua hàng hóa do Mỹ sản xuất để duy trì các mạng hiện có và cung cấp cập nhật phần mềm cho các thiết bị cầm tay của hãng đang lưu hành. Nhưng Công ty này bị cấm mua các bộ phận và linh kiện của Mỹ để sản xuất các sản phẩm mới, trừ khi nhận được sự chấp thuận.

“Giấy phép” hoãn một lệnh cấm trong 90 ngày, được cho là minh chứng cho thấy tầm ảnh hưởng thực tế không hề nhỏ của Huawei, nó có thể gây ra hậu quả tức thời, sâu rộng và không lường trước cho các khách hàng của “đế chế công nghệ” Trung Quốc này. Và Bộ Thương mại Mỹ cũng đã cho biết, họ sẽ đánh giá liệu có nên tiếp tục gia hạn sau thời gian 90 ngày hay không.

Bình luận về động thái này của các nhà chức trách, cựu quan chức của Bộ Thương mại Mỹ Kevin Wolf cho rằng, mục tiêu của “giấy phép” này dường như là để ngăn chặn việc toàn bộ hệ thống internet, máy tính và điện thoại di động bị sập”. Giấy phép trên cũng tiết lộ các lỗ hổng bảo mật của Mỹ và để Huawei tham gia vào việc phát triển các tiêu chuẩn cho mạng 5G trong tương lai.

Trong số 70 tỷ USD Huawei đã chi cho việc mua linh kiện vào năm 2018, khoảng 11 tỷ USD đã được chuyển đến các công ty của Mỹ bao gồm Qualcomm, Intel và Micron Technology.

“Tôi cho rằng đây là một cuộc “kiểm tra thử” rất thực tế. Nó cho thấy sản phẩm và công nghệ của Huawei đã có sức lan tỏa thế nào trên toàn cầu. Và nếu Mỹ áp đặt các hạn chế, ngay lập tức nó tác động đến toàn cầu”, Douglas Jacobson - chuyên gia luật thương mại ở Washington nhận định.

Chuyên gia Jacobson còn cho biết, tình hình hiện nay đã lộ rõ, các nhà cung cấp viễn thông ở châu Âu và nhiều quốc gia khác, nơi thiết bị của Huawei vốn đã rất phổ biến, phải nỗ lực thế nào nhằm giữ ổn định cho các mạng lưới đang hoạt động.

Các nhà cung cấp dịch vụ di động tại các khu vực đông dân cư ở Mỹ, chẳng hạn như bang Utah và miền Đông Oregon đã mua thiết bị mạng của Huawei trong những năm gần đây, hiện cũng đang phải “chạy đôn chạy đáo" lo cho các dịch vụ của mình.

Cựu quan chức Kevin Wolf thì bình luận, “giấy phép” lần này của Mỹ khá giống với “lệnh tạm thời” dỡ bỏ lệnh cấm ZTE (một đối thủ nhỏ hơn của Huawei) hợp tác với các công ty tại Mỹ vào hồi tháng 7 năm ngoái để ngăn chặn khả năng “sập” của chính các hệ thống mạng Mỹ. Trước đó, các nguồn tin của Reuters vào thời điểm cho biết, lệnh cấm của Mỹ đối với ZTE đã tàn phá các nhà mạng không dây ở châu Âu và Nam Á.

Cuối cùng, lệnh cấm đối với ZTE đã được dỡ bỏ vào ngày 13/7/2018, sau khi công ty này đạt được thỏa thuận với Bộ Thương mại Mỹ, bao gồm khoản tiền phạt 1 tỷ USD, cộng với 400 triệu USD tiền ký quỹ và buộc phải tiếp nhận một đội ngũ quản trị do Mỹ ứng cử, trực tiếp tham gia vào ban điều hành và hội đồng quản trị của công ty. Dù hình phạt được đưa ra từ phía Mỹ là khá nặng tay, nhưng cuối cùng thì ZTE vẫn được tiếp tục hoạt động.

(theo CNBC)