Nhìn lại quá trình phát triển của Mỹ Latin trong hơn 40 năm qua, các nhà nghiên cứu cho rằng sự thay đổi chính trị ở khu vực thường diễn ra đồng loạt ở nhiều nước và phản ánh rõ nét tình hình kinh tế.
Lắm thành công, nhiều gian khó
Từ năm 1974 đến 1981, kinh tế Mỹ Latin phát triển với tốc độ tăng trưởng trung bình hằng năm là 4,1% - cao hơn nhiều so với mức 2,8% trong giai đoạn trước đó, chủ yếu nhờ vào việc tăng mạnh giá dầu mỏ trong thập niên 70. Những đồng tiền có được từ việc bán dầu đã giúp chính phủ các nước Mỹ Latin tăng chi tiêu công, làm bùng nổ thị trường bất động sản, thúc đẩy sự phồn vinh kinh tế. Đặc biệt, các chính phủ cánh tả đóng vai trò quan trọng trong giai đoạn này, bởi họ góp phần tái thiết lập sự ổn định và duy trì trật tự ở châu lục.
Tuy nhiên, giai đoạn nói trên chỉ là khoảng lặng trước cơn bão. Vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước, việc Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đương thời Paul Volcker quyết định tăng lãi suất để hạn chế lạm phát đã kéo theo ba hệ quả: kinh tế Mỹ lâm vào suy thoái sâu, giá cả hàng hóa giảm mạnh, nguồn tài chính đổ vào các nước Mỹ Latin bị cắt đứt đột ngột.
Trụ sở Fed ở thủ đô Washington D.C, Mỹ. (Nguồn: PBS) |
Sau đó, khi hoạt động sản xuất của các nước trong khu vực bị đình trệ hoặc sụp đổ, Mỹ Latin bước vào “thập kỷ mất mát” với tình trạng suy giảm kinh tế, phát triển trì trệ cũng như khủng hoảng tiền tệ, nợ và ngân hàng… . Thực tế này khiến người dân bất mãn, cộng với sự sụp đổ của Bức tường Berlin và tác động của Mỹ, đã tạo điều kiện cho các đảng phái trung - hữu lên nắm quyền. Các đảng phái này đã thay thế mô hình kinh tế cũ, vốn có sự can thiệp sâu của nhà nước, bằng Thỏa thuận Washington, qua đó ủng hộ những quy luật tài chính chung, sự ổn định giá cả, tự do tài chính và thương mại, khuyến khích tư nhân hóa.
Đến đầu những năm 90, Kế hoạch Brady của Mỹ đã giải quyết vấn đề nợ của Mỹ Latin, khi Washington chấp nhận giảm nợ cho các nước tại khu vực, nhưng các nước này phải tiến hành cải cách kinh tế. Đặc biệt, theo quan điểm của Mỹ, các nước Mỹ Latin phải tuân theo quy chế thị trường - một trong những điều kiện quan trọng để có thể vay tiền của Washington.
Lúc bấy giờ, nền dân chủ, cùng với những chính sách kinh tế đổi mới và mang tính bền vững, được kỳ vọng sẽ giúp các nước Mỹ Latin phát triển. Tuy nhiên, mọi chuyện đã thay đổi khi nổ ra cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 và cuộc khủng hoảng đồng Ruble ở Nga năm 1998. Các nguồn tài chính rời khỏi các thị trường đang nổi, đẩy các nước Mỹ Latin lâm vào đợt suy thoái mới, tạo ra nhiều cuộc khủng hoảng về tiền tệ, nợ và ngân hàng.
Tiến trình hơn 4 thập kỷ
Bước sang thế kỷ XXI, sự khó khăn kinh tế ở Mỹ Latin lại châm ngòi cho sự bất bình của người dân, tạo điều kiện cho các đảng cánh tả lên nắm quyền trở lại.
Không giống như những chính quyền dân túy, các chính phủ theo đường lối trung - tả không loại bỏ các cam kết trước đó về quy định tài chính và thị trường mở cửa. Dựa trên những nền tảng này, các nước Mỹ Latin xây dựng cơ chế phúc lợi xã hội hào phóng và các chương trình tái phân bổ kinh tế. Điều này có thể được thực hiện bởi các nguồn tài chính đổ vào các nước Mỹ Latin liên tục tăng cho đến năm 2012, trong bối cảnh các nhà đầu tư từ các nước phát triển tìm kiếm các thị trường mới.
Một lần nữa, giá cả hàng hóa cao và nguồn tài chính dồi dào đã tạo nên một thời kỳ phát triển kinh tế năng động của Mỹ Latin. Và một lần nữa, các chính phủ ở khu vực cho rằng những thành công kinh tế của họ là do đi theo mô hình đúng đắn, với trọng tâm là chính sách tái phân bổ. Hơn nữa, việc các chính phủ trung - hữu chuyển giao quyền lực cho các chính quyền trung - tả một cách hòa bình, đã khiến nhiều người tin rằng giai đoạn hiện nay sẽ khác với những thời kỳ trước đây.
Nhưng họ đã lầm. Bắt đầu vào năm 2012, sự phát triển “nóng” của các nền kinh tế Mỹ Latin bắt đầu “hạ nhiệt”, chủ yếu vì khủng hoảng nợ châu Âu, sự phát triển chậm lại của Trung Quốc... Tình trạng này khiến nhiều quốc gia Mỹ Latin “lao đao”, thậm chí một số nước rơi vào suy thoái sâu.
Khi sự kỳ vọng của cử tri Mỹ Latin xung đột với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, họ đổ ra đường biểu tình. Bên cạnh đó, những bê bối tham nhũng tại một số nước đã “đổ thêm dầu vào lửa”, mở đường cho các đảng phái trung - hữu được dân bầu lên nắm chính quyền trở lại.
Ngày 1/9/2016, khoảng 1 triệu người dân Venezuela đổ ra đường biểu tình phản đối chính phủ. (Nguồn: AFP) |
Lịch sử 40 năm ở Mỹ Latin, với sự chuyển giao vai trò liên tục giữa cánh tả - cánh hữu, có thể xem là một sự tiến triển: mỗi thời kỳ được xây dựng dựa trên những thành quả của giai đoạn trước đó. Như vậy, chúng ta có thể kỳ vọng gì từ các chính phủ trung - hữu, vốn chiếm đa số ở các nước Mỹ Latin hiện nay?
Rất có thể các nước sẽ tiếp tục tiến trình phát triển trong nhiều năm qua, bằng việc tôn trọng các nguyên tắc của Thỏa thuận Washington, trong khi vẫn theo đuổi chính sách tái phân bổ trong những trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên sẽ dần cạn kiệt, nên các nước Mỹ Latin cần thiết kế lại các chương trình chi tiêu xã hội và các dự án cơ sở hạ tầng nhằm tối đa hóa hiệu quả. Tôi gọi mô hình mới này là “thắt lưng buộc bụng thông minh”. Nếu các chính phủ ở Mỹ Latin có thể triển khai mô hình mới một cách thành công, họ có thể đưa đất nước thoát khỏi tình trạng khó khăn hiện nay.
* Ông Ernesto Talvi là chuyên gia về kinh tế thế giới và phát triển tại Viện Nghiên cứu Brookings, Mỹ.