Cụ Bùi Văn Khóa - "người giữ lửa văn hóa Mường" với bộ sưu tầm khá đầy đủ bài khấn Mo và bộ sưu tập 39 cồng chiêng cổ của người Mường (di sản cổ vật quốc gia) đã khuất núi ở tuổi 86. nhưng ngọn lửa giữ gìn văn hóa Mường của cụ đã thắp sáng trong các con cháu dòng tộc họ Bùi ở Hòa Bình. Đặc biệt, vợ chồng con trai cụ là ông Bùi Thanh Liển, vợ Bùi Thị Mai và chị gái ông Liển - Bùi Thị Liên, giáo viên cấp Ba đã nghỉ hưu tại xóm Bãi Chạo, Tú Sơn, Kim Bôi, Hòa Bình, là những người thường xuyên thực hành và giữ gìn văn hóa Mường.
Vợ chồng ông Liển - Mai, cùng chị gái Bùi Thị Liên đang chơi bản Tình ca Tây Bắc bằng những chiếc cồng chiêng cổ của người Mường. (Ảnh: M.H) |
Người Mường có cồng chiêng Mường
Nhiều người nghiên cứu về nguồn gốc dân tộc Mường, trong đó có cả nhà khảo cứu, học giả Pháp Pierre Grossin đều khẳng định: "Không thể không xuất phát điểm từ Mo Mường". Ông Bạch Công Tâm, Trưởng ban Văn hóa xã Tú Sơn cho hay: "Nếu các dân tộc Tây Nguyên có Sử thi Tây Nguyên thì người Mường có Sử thi Đẻ đất, đẻ nước nằm trong hầu hết các bài Mo Mường. Bởi thế người Mường có câu: "Nghe Mo, nhòm Mường". Đó là nghe lại lịch sử qua những bài khấn Mo. Trong các dịp lễ, Tết, người Mường ôn lại nguồn gốc tổ tiên, qua các bài khấn Mo. Dù không có văn bản, nhưng một ông Mo giỏi thường thuộc lời đủ cho 20 đêm Mo liên tục".
Nếu người Tây Nguyên có cồng chiêng Tây Nguyên thì người Mường có cồng chiêng Mường. Theo ông Bùi Thanh Liển, con thứ ba của cụ Khóa, "Bộ cồng chiêng người Mường mà bố tôi để lại cho tôi là bộ cồng chiêng có đầy đủ các âm thanh cơ bản. Có bảy chiếc cồng từ lớn đến bé, tương ứng với bảy nốt nhạc và tôi có thể chơi nhiều bản nhạc như bài Tình ca Tây Bắc của nhạc sĩ Bùi Đức Hạnh, hay bản cồng chiêng cổ người Mường Xắc bùa (tạm dịch là Xách Cồng)".
Lan tỏa theo cách "mưa dầm thấm lâu"
Người Mường có bài khấn ngày lễ, Tết Nguyên đán và ông "Clượng" là người nắm giữ và thực hiện công việc này cho các gia đình mỗi khi lễ, Tết đến. Ngày nay, còn rất ít người hành nghề "Clượng", thậm chí nhiều làng, nhiều thôn không còn ông "Clượng" nào nữa, do đó các gia đình người Mường phải tự khấn "dông dài" mời tổ tiên. Vì vậy, cụ Khóa lúc còn sống đã lựa chọn trong 72 róng Mo (áng Mo-như là áng văn) ra một số bài Mo khấn cơ bản, trong đó có cả bài khấn Tết do "Nôổ Clượng" (tạm dịch là Clượng chính danh) của gia đình cụ Khóa lưu giữ. Cụ vẫn còn bản chép tay, nay cho in thành sách để các gia đình tự khấn Mo trong dịp lễ, Tết. Các con của Cụ vẫn giữ được nếp truyền thống là sẵn sàng cung cấp bài Mo này cho bà con Mường khi cần. Theo những người trong gia đình cụ Khóa, khi có điều kiện gia đình sẽ phát hành rộng rãi cả 72 róng Mo trong bà con dân tộc Mường.
Để bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng Mường, trước khi mất, cụ Khóa còn có nguyện vọng được đúc bộ chiêng lấy tên là chiêng Cun đường (Cun là chỉ sự cao quý) 12 chiếc đủ nốt nhạc (trong đó có bảy nốt cơ bản và tiếp theo năm nốt cao để âm vực được rộng hơn, có thể chơi nhiều bản nhạc) thành dàn nhạc cồng chiêng để lớp người sau có thể đánh được các bài hát khác.
Nói về thế hệ trẻ gìn giữ văn hóa cồng chiêng Mường, ông Liển bộc bạch: "Các cháu bây giờ thời hiện đại, có nhiều thứ để chơi, để học. Bắt ép các cháu học cồng chiêng khó lắm. Chỉ bằng cách, cha mẹ, những người trong dòng tộc, bản làng cứ đánh cồng chiêng, chơi nhạc; vui với cồng chiêng Mường thường xuyên. Các con các cháu nghe, chúng sẽ ngấm dần, phải theo cách "mưa dầm thấm lâu", rồi sẽ có đứa thích, sau đó truyền dạy nhanh thôi. Tôi tin vào thế hệ trẻ. Đến lúc nào đó, các cháu sẽ thấy cần giữ gìn những gì ông cha để lại".
Chia tay gia đình ông Bùi Thanh Liển, còn nghe tiếng ai khẽ hát theo điệu cồng chiêng người Mường: "Rừng cây xanh lá muôn đoá hoa mai mừng đón xuân về/ Vui trong nắng vàng từng đàn bướm trắng bay khắp rừng hoa/ Ngập ngừng bên suối nước reo quanh mình như muôn tiếng đàn/ Bâng khuâng nỗi lòng nhịp sáo ai đưa tiếng ca rộn vang/ Em là dòng sông Mã, Anh là núi Mường Hum…"