Sinh viên Việt Nam tham dự một lễ hội ở Kansai. |
Ở Kansai, mùa xuân năm nay dường như muộn hơn vì thời tiết vẫn còn giá rét. Nhưng cũng nhờ thế mà mùa hoa anh đào kéo dài hơn, đẹp hơn. Cứ mỗi độ xuân về, người Việt ở vùng Kansai lại í ới gọi nhau cùng đi thưởng ngoạn hoa và cũng là dịp để gặp gỡ, chuyện trò.
Gần đây, kinh tế Nhật khủng hoảng, tỷ lệ tăng trưởng xuống mức thấp nhất kể từ sau Thế chiến II, nhiều nhà máy trong vùng không còn đủ đơn đặt hàng để duy trì việc làm cho công nhân. Nhiều tu nghiệp sinh Việt Nam giờ chỉ làm việc có hai, ba ngày một tuần với mức lương cơ bản. Mặc dù Chính phủ Nhật đã công bố những kế hoạch kích thích kinh tế tham vọng nhưng tình trạng bi quan vẫn bao trùm. Tuy nhiên, với lưu học sinh, tu nghiệp sinh Việt Nam ở đây, mùa Xuân năm nay có niềm vui nho nhỏ là mỗi người “bỗng dưng” được Chính phủ Nhật “biếu không” 12.000 yên để kích thích tiêu dùng.
Bất kỳ người Việt nào đến Kansai, điều đầu tiên thường được khuyên bảo là phải nhớ địa chỉ của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka. Đây chính là mái nhà chung và cũng điểm hẹn cho các cuộc liên hoan, văn nghệ ngày lễ tết, ngày Quốc khánh. Hội người Việt Nam vùng Kansai cũng đã được Sứ quán giúp đỡ thành lập nhưng còn non trẻ nên chưa có nhiều hoạt động gắn kết cộng đồng. Tại các trường Đại học có đông lưu học sinh Việt Nam, các chương trình ca nhạc tạp kỹ, thời trang… đậm chất dân tộc, thường xuyên được các bạn sinh viên tổ chức. Và tất nhiên, những dịp thế này, tà áo dài là thứ không thể thiếu.
Có lẽ khó khăn nhất với các du học sinh, tu nghiệp sinh không phải là đối mặt với khủng hoảng kinh tế mà là vượt qua nỗi nhớ nhà. Những nỗi nhớ đó cũng vơi đi phần nào khi hệ thống truyền hình ở vùng Kansai này thường xuyên có các phóng sự về đất nước, con người Việt Nam. Những thắng cảnh nổi tiếng như vịnh Hạ Long, phố cổ Hà Nội hay chợ Bến Thành là những hình ảnh quen thuộc thường thấy trên truyền hình Nhật khi nhắc đến Việt Nam.
Cũng có một cách để quên đi nỗi nhớ nhà là hãy đến quán ăn Việt Nam. Với người Nhật, nhắc đến Việt Nam, có lẽ một trong những thứ đầu tiên nghĩ đến là món ăn Việt Nam. Phở, nem là những cái tên mà không cần phải dịch mà ai cũng hiểu, thậm chí nhiều người Nhật còn nấu rất giỏi. Món ăn Việt Nam không quá cay như Ấn Độ, không nhiều dầu mỡ như Trung Quốc, sử dụng nhiều rau củ quả, rất hợp với khẩu vị của người Nhật. Tuy nhiên, quán ăn Việt Nam ở vùng Kansai không nhiều, nếu so với các quán ăn Ấn Độ và Trung Quốc thì số lượng thua xa. Trung tâm thành phố Osaka có quán Chảo lửa, Ăn ngon; Thành phố Kobe có quán Mekong, lại có những quán tên độc đáo như Cha chả là đẹp… Tên quán Việt Nam với người Nhật thật quá khó để phát âm, nhưng thực đơn hàng ngày của quán thì nhiều thực khách Nhật thuộc làu làu.
Với những người Việt sống gần Kyoto, quán Cơm ngon ở thành phố cổ kính Nara là một địa chỉ yêu thích. Quán nhỏ nằm khiêm nhường, khép nép trong khu mua sắm ở trung tâm Thành phố với lối trang trí bằng cây tre trang nhã, gợi nhớ không gian nhà sàn xưa vùng Bắc Bộ. Không biết chủ quán là ai, chỉ thấy anh đầu bếp người Nam Bộ luôn cặm cụi, tỉ mẩn với từng đĩa thức ăn thơm phức, tràn đầy hương vị quê hương…
Bảo Chung