Giáo sư Park Chan-Mo (thứ hai bên phải) cùng các nhà khoa học quốc tế đặt chân đến sân bay Bình Nhưỡng. |
Hợp tác khoa học Mỹ - Triều
Bốn năm trước, tình cờ Biên tập viên Tạp chí Tin tức khoa học quốc tế (Mỹ) Richard Stone được đối tác Triều Tiên nhờ kết nối với một nhà nghiên cứu núi lửa phương Tây có nguyện vọng tìm hiểu núi lửa Paektu - được xem là núi thiêng của Triều Tiên. Năm 2013, Richard Stone cùng với hai chuyên gia về núi lửa nổi tiếng của Anh lên đường trải nghiệm đất nước bí ẩn này.
Từ thực tế, hôm 10/6 vừa qua, Stone đã viết hai bài báo về ngoại giao khoa học của Bình Nhưỡng tại Hội nghị báo chí học quốc tế lần thứ 9 ở Seoul. Ông khẳng định thành quả nghiên cứu về núi lửa ở Triều Tiên là nỗ lực chung giữa các nhà khoa học quốc tế và Triều Tiên trong thời gian dài.
Triều Tiên và Mỹ - nước được coi là "thù địch" ở một số khía cạnh-đã hợp tác nghiên cứu khoa học rất hiệu quả.
Năm 2010, với sự giúp đỡ của Bộ Y tế công cộng Mỹ và Đại học Stanford, Triều Tiên thành lập Phòng thí nghiệm Lao tiêu chuẩn quốc tế, đem lại niềm hy vọng lớn ở đất nước có tỷ lệ người mắc bệnh Lao 380/100.000 dân (2011).
Cũng có thể nói đến CRDF Global, một tổ chức do Quốc hội Mỹ thành lập chuyên xây dựng các cam kết khoa học toàn cầu, đã giúp hai Chính phủ thành lập dự án "US-DPRK Scientific Engagement Consortium" kéo dài tám năm. Tham gia nghiên cứu có các chuyên gia đến từ cơ quan của Mỹ như: Đại học Syracuse, Hiệp hội vì sự tiến bộ của khoa học Mỹ (AAAS), Viện Thế kỷ Thái Bình Dương (PCI) và Viện Hàn lâm Khoa học Nhà nước Triều Tiên (SAOS). CRDF Global đã xúc tiến đào tạo tiếng Anh cho các chuyên gia Triều Tiên, giúp họ tiếp cận và viết bài cho các tạp chí khoa học của thế giới.
Năm 2009, lần đầu tiên một đoàn chuyên gia Mỹ từ các đơn vị hợp tác trên được SAOS mời đến Bình Nhưỡng để thăm các viện khoa học, gặp gỡ sinh viên, thuyết giảng. Hai năm sau, một phái đoàn tương tự của Triều Tiên cũng đến Mỹ. Những chuyến đi này diễn ra âm thầm hơn so với các chuyến viếng thăm của cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter hay ngôi sao bóng rổ Dennis Rodman nhưng hiệu quả thì không thua kém.
Chuyên gia cao cấp của CRDF Global Linda Staheli cho rằng việc thiết lập quan hệ đối tác hẹp trên lĩnh vực khoa học giữa Mỹ và Triều Tiên hoàn toàn khả thi. Bà khẳng định ngoại giao khoa học có mục tiêu tổng thể đầy tham vọng, và ít nhất nó có thể nâng cao chất lượng sống của người dân. Chẳng hạn, những nghiên cứu của Bình Nhưỡng về quản lý lưu vực sông, đa dạng sinh học, giống cá hồi, phục hồi sinh thái được CRDF Global hỗ trợ trình bày tại các hội thảo quốc tế ở Mỹ để cùng tìm giải pháp. Các nhà khoa học quốc tế cũng đang giúp Triều Tiên hiện đại hóa nông nghiệp, nhập nhiều loại phân bón và giống cây trồng có chất lượng.
Hàn gắn hai miền bằng khoa học
Người Mỹ có thể nói chuyện khoa học với Triều Tiên. Vậy một giáo sư Hàn Quốc có thể thành lập trường đại học ở Bình Nhưỡng không? Tại Hội nghị báo chí học quốc tế, cựu Chủ tịch Quỹ Nghiên cứu Quốc gia Hàn Quốc, Hiệu trưởng danh dự Đại học Khoa học và Công nghệ Bình Nhưỡng (PUST) Park Chan-Mo cho biết giới khoa học có thể hợp tác chặt chẽ trong khi chờ đợi thống nhất hai miền.
Năm 2000, khi quan hệ liên Triều ấm lên nhờ chính sách Ánh Dương của Tổng thống Kim Dae Jung, Giáo sư Park đến Bình Nhưỡng trò chuyện với 160 nhà khoa học trẻ. Năm 2010, ông và cộng sự thành lập PUST, trường đại học tư thục sử dụng tiếng Anh đầu tiên tại Triều Tiên và xem đây là ví dụ hoàn hảo về ngoại giao khoa học. Các giáo sư làm việc tự nguyện, không nhận thù lao. Ban đầu, PUST tuyển được 100 sinh viên và con số hiện nay đã là 426.
Từ năm 2008, một số hội nghị khoa học liên Triều được tổ chức nhưng sau đó bị gián đoạn do căng thẳng chính trị. Chủ tịch Viện Kiểm định Khoa học Công nghệ và Kế hoạch Hàn Quốc Park Youngah cho rằng hai miền cần có một hội nghị thượng đỉnh khoa học càng sớm càng tốt để tăng cường hợp tác nghiên cứu và đặt nền tảng cho hòa giải chính trị. Bà dẫn ví dụ các nhà khoa học Đông Đức và Tây Đức đã ngồi lại với nhau từ năm 1980 dù mười năm sau bức tường Berlin mới sụp đổ.
Bằng ngôn ngữ khoa học toàn cầu với các chuẩn mực về minh bạch, công bằng, khách quan, các nhà khoa học chính là những con người dễ hiểu nhau, dễ xích lại với nhau nhất. Tác động hiệu quả của hợp tác khoa học về nông nghiệp, y tế, môi trường… sẽ giúp Bình Nhưỡng thoát khỏi khó khăn và góp phần xoa dịu quan hệ chính trị đang căng thẳng, trở thành một trong những công cụ hỗ trợ cho mục tiêu thống nhất bán đảo Triều Tiên.
"Chúng tôi hiểu rằng các đồng nghiệp Triều Tiên không khác biệt với người Mỹ. Họ muốn hòa bình và thịnh vượng. Họ cần sự tôn trọng và muốn tự nỗ lực giải quyết thách thức riêng của mình". (Linda Staheli, Ủy viên Ủy ban Quốc gia Mỹ về Triều Tiên) "Càng sớm đẩy mạnh hợp tác khoa học, đất nước càng sớm thống nhất". (Park Youngah, Chủ tịch Viện Kiểm định Khoa học Công nghệ và Kế hoạch Hàn Quốc)
Nguyên Bảo (tổng hợp)