📞

“Mr. Vinh Biển Đông” và chuyện của người trong cuộc

Hà Phương 16:34 | 04/07/2019
TGVN. Với nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, Đại sứ Phạm Quang Vinh, ASEAN có ý nghĩa rất lớn trong cuộc đời ngoại giao của ông. Hơn 7 năm làm Trưởng SOM ASEAN của Việt Nam đủ để các đồng nghiệp ASEAN thân mật gọi ông là  “Vinh SOM” hay “Mr. Biển Đông”.  
Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh vẫn còn đau đáu câu chuyện ASEAN.

Ông làm trưởng SOM (Cuộc họp các quan chức cấp cao) vào những thời điểm đặc biệt quan trọng khi ASEAN thông qua Hiến chương ASEAN và khởi động xây dựng Cộng đồng ASEAN với 3 trụ cột. Đây cũng là giai đoạn đánh dấu bước trưởng thành rất lớn của Việt Nam với vai trò Chủ tịch ASEAN 2010.

Sống những thời khắc lịch sử

Với Đại sứ Phạm Quang Vinh, làm việc về ASEAN luôn là những câu chuyện lý thú, là nhiều “cuộc cờ” cam go để khéo léo kết hợp lợi ích dân tộc, cộng đồng và khu vực. Nếu những lợi ích này không tương tác, bổ trợ lẫn nhau thì rất khó “làm ASEAN” và không mang lại lợi ích cho đất nước.

Từ khi ASEAN có Hiến chương, đi vào xây dựng Cộng đồng, Trưởng SOM là người trực tiếp hỗ trợ Hội đồng điều phối Cộng đồng ASEAN, xây dựng và gắn kết các thể chế trong Hiệp hội. Ông Vinh cho rằng, phải hiểu và đam mê thì mới có thể xử lý kịp thời ở cấp Trưởng SOM và làm tròn trách nhiệm tham vấn, tham mưu cho lãnh đạo trong những quyết sách về ASEAN.

Nhớ lại những ngày tháng của gần 10 năm về trước – cuối năm 2007, Đại sứ Vinh còn nhớ bức hình chụp chung của các nhà lãnh đạo ASEAN tại lễ ký Hiến chương. Thời khắc lịch sử ấy có ý nghĩa vô cùng trọng đại đối với Hiệp hội, với Việt Nam và với cá nhân ông bởi để có được nó là cả một chặng đường dài. Đông Nam Á, từ một khu vực còn có đối đầu, nghi kỵ đã trở thành Hiệp hội với cả 10 nước Đông Nam Á, cùng định hướng phát triển đi lên trong một giai đoạn mới. Vào thời điểm đó, sau 12 năm là thành viên ASEAN, Việt Nam đã tự tin và tích cực cùng các nước thành viên xây dựng Hiến chương và Cộng đồng ASEAN. Với vai trò Trưởng SOM, Đại sứ Vinh tham gia đóng góp soạn thảo một phần trong bản Hiến chương đầu tiên quan trọng ấy của Hiệp hội. Ông cũng cùng Trưởng Đại diện các nước trực tiếp ký bản kiến nghị của Nhóm cao cấp về soạn thảo Hiến chương trình lên Lãnh đạo cấp cao ASEAN.

Dấu ấn Việt Nam trong ASEAN đặc biệt rõ nét trong năm 2010 khi Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN theo quy định mới của Hiến chương. Là Chủ tịch trong cả một năm, Việt Nam, với mục tiêu đưa tinh thần Cộng đồng ASEAN đi vào cuộc sống, đã tạo được nề nếp tổ chức hàng loạt các cuộc họp ở các cấp, của ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác. Điểm khác biệt mà nguyên Thứ trưởng nhấn mạnh là với 12 tháng làm Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã phải tổ chức hàng trăm cuộc họp. Nếu như đầu năm, Việt Nam cảm nhận rõ được trọng trách, thách thức rất lớn cho cả một năm Chủ tịch thì đến cuối năm, khi bế mạc chuyển giao vai trò thì ai nấy đều thở phào bởi đã hoàn thành nhiệm vụ, được bè bạn đánh giá cao cả về nội dung, năng lực tổ chức, cũng như những đóng góp của Việt Nam trong việc định hướng, dẫn dắt Hiệp hội đoàn kết, phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Đó thực sự là những thành quả quý giá!

“Mr. East Sea”

Trong ASEAN thời điểm đó, có lẽ mọi người còn nhớ ông Vinh với cái tên do chính bạn bè ASEAN đặt là “Mr. East Sea”, một nhà ngoại giao kỳ cựu của Việt Nam luôn dám lên tiếng và đề cập những nội dung khúc mắc nhất về vấn đề Biển Đông. Ông thuộc như trong lòng bàn tay Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), cũng như các văn kiện và các thuật ngữ liên quan, là cơ sở để vận dụng và tìm ra tiếng nói chung khi nảy sinh những phức tạp trên một vấn đề luôn được xem là rất nhạy cảm.

Nhắc tới Biển Đông, ông luôn khắc sâu câu chuyện về nhận thức lợi ích quốc gia và lợi ích ASEAN. Việt Nam là một trong những nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Biển Đông, với Việt Nam vừa là lợi ích quốc gia nhưng Biển Đông cũng vô cùng quan trọng đối với môi trường hòa bình, ổn định và phát triển của cả khu vực. Trong ASEAN, có những nước có tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở Biển Đông, nhưng cũng có nước không có đòi hỏi chủ quyền ở khu vực này.

Do đó, theo Đại sứ Vinh, vấn đề mà ông luôn trăn trở là làm sao gắn kết được các quốc gia để vừa nói lên tiếng nói, lợi ích của dân tộc mình lại vừa tìm được điểm chung để tạo ra những nhận thức và định hướng mới. Những nỗ lực đó đã góp phần xây dựng lòng tin, kiềm chế không làm phức tạp tình hình, thực thi luật pháp quốc tế và các thỏa thuận như DOC... Chỉ có chủ động và tích cực trong việc kết hợp cả cái chung và cái riêng mới có thể tạo được thế cho Việt Nam và giành được niềm tin trong bạn bè. “Thực tế nhiều khi họ muốn Việt Nam thay mặt ASEAN lên tiếng về Biển Đông trước. Ta cũng không thể không nói về Biển Đông”, ông Vinh chia sẻ. Cái tên “Mr. East Sea” gắn với ông kể từ đó.

Trong nhiều cuộc họp, kể cả các cuộc họp giữa ASEAN với Trung Quốc và các đối tác, ngay cả khi có “sự cố” xảy ra ở biển, là đại diện đất nước, ông Vinh đều chủ động lên tiếng, nói lên tiếng nói của Việt Nam, vì hòa bình, ổn định và phát triển khu vực, nhấn mạnh việc tuân thủ luật pháp quốc tế và những thỏa thuận của khu vực về Biển Đông, nhất là Tuyên bố DOC.

Nguyên Thứ trưởng nhớ lại tháng 5/2014 khi có sự việc giàn khoan HD-981. Hội nghị cấp cao ASEAN (tại Myanmar) khi đó chắc chắn phải tập trung vào những định hướng lớn về xây dựng cộng đồng, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN và quan hệ với các nước đối tác. Nhưng ASEAN cũng không thể im lặng trước sự việc nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh ở khu vực và Biển Đông này. Vì vậy, ở cấp SOM, ông đã chủ động đề xuất cần phải có ngay một tuyên bố chung ở cấp Bộ trưởng Ngoại giao, họp trước Cấp cao để kịp thời thể hiện quan điểm của ASEAN về một sự kiện như giàn khoan HD-981. Kết quả là, lần đầu tiên tại ASEAN, bên lề Cấp cao, các ngoại trưởng ASEAN có một Tuyên bố chung kịp thời về tình hình phức tạp ở Biển Đông.

Chuyện của người trong cuộc

Làm việc về ASEAN trong nhiều năm, nguyên Thứ trưởng cũng có những “idol” của riêng mình. Ông rất tâm đắc câu chuyện về vị cựu Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa, người luôn nỗ lực cho sự gắn kết của Hiệp hội. Cựu Ngoại trưởng Indonesia cho rằng, mỗi người làm ASEAN đều phải cảm nhận được nỗi đau mỗi khi có gì đó bất lợi cho hình ảnh ASEAN, như việc Ngoại trưởng các nước ASEAN năm 2012 không đưa ra được tuyên bố chung. Sau sự kiện này, Ngoại trưởng Marty Natalegawa đã thực hiện một loạt các hoạt động ngoại giao con thoi tới Campuchia, Việt Nam và một số nước khác để một tháng sau đó, Hiệp hội có được tuyên bố 6 điểm về vấn đề Biển Đông.

Thứ trưởng Ngoại giao, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam Phạm Quang Vinh tại Hội nghị SOM ASEAN. (Phnom Penh, 6-7/7/2012)

Tiếp đến là câu chuyện về hoà giải nội bộ ASEAN. Bức ảnh chụp cuộc họp do Indonesia triệu tập, tạo điều kiện cho Thái Lan và Campuchia gặp nhau sau khi xảy ra vụ nổ súng xung quanh ngôi đền tranh chấp Preah Vihear, giúp hai bên có được những đồng thuận ban đầu, đã được cựu Ngoại trưởng Marty Natalegawa đưa ra trang bìa cuốn sách “ASEAN, cách nhìn của người trong cuộc”. Câu chuyện đó nói lên rằng, trong mỗi vấn đề của ASEAN, nếu ASEAN không giải quyết được thì quốc tế sẽ can dự, nhưng nếu ASEAN có tiếng nói, hỗ trợ các bên thì chỉ cần nói “chúng tôi đang họp ở đây” thì bên ngoài sẽ phải tôn trọng và chỉ có thể vỗ tay mà thôi!

Những công việc của nguyên Thứ trưởng về ASEAN không thể định lượng bằng những cuộc họp. Với ông, làm ASEAN không phải là dấu cộng của các cuộc họp. ASEAN là cả một quá trình vận động và phát triển liên tục ở cả cấp khu vực và quốc gia. Thực tế, công việc ASEAN là hàng ngày, hàng giờ để đưa những nội dung cam kết ở tầm khu vực đi vào cuộc sống, trở thành chính sách quốc gia, đi vào trong các khuôn khổ, chương trình hành động của cả quốc gia và khu vực. Có lẽ, những năm tháng làm về ASEAN với ông là sống và cảm nhận về ASEAN mỗi ngày, không chỉ dành cả say mê và nhiệt huyết, mà còn dành cả lòng kiên định và tinh thần dũng cảm cho ASEAN. Với ông Vinh, đó là một phần vô cùng thiêng liêng của con người Ngoại giao trong ông, được góp sức mình cho Tổ quốc.

Nay tuy không còn chính thức đảm nhận các công việc về ASEAN nhưng ông vẫn đau đáu câu chuyện này, vẫn thường xuyên được mời dự các hội thảo về ASEAN, phần lớn là để chia sẻ kinh nghiệm, nhận định và đánh giá nhưng đôi lúc chỉ là để lắng nghe, để theo sát bước tiến của Hiệp hội và luôn mong mỏi về một cộng đồng gắn kết, phát triển và thịnh vượng hơn.