TS. Cù Văn Trung khẳng định, người trẻ cần mở, luôn trên tâm thế học hỏi. (Ảnh: NVCC) |
TS. Cù Văn Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và các vấn đề xã hội nhấn mạnh, người trẻ hãy bước vào đời với một tinh thần dấn thân, trong trẻo, tự do học tập một cách có ý thức, có khát vọng phát triển. Bản thân họ phải là “nhà tư tưởng” cho chính mình, chất chứa trong đầu mình cả một kho tàng các giải pháp dự phòng cho cuộc sống để đối diện với những bất trắc, bất định, thuận lợi hay khó khăn của cuộc sống...
Bạn trẻ cần khai phóng và không định kiến
Vấn đề khá quan trọng mà giáo dục cần hướng đến, đó là tạo ra những con người luôn trong tâm thế thích nghi với mọi đổi thay của cuộc sống. Theo ông, hành trang của các bạn trẻ thời nay cần có những gì?
Theo tôi, muốn thành công, các bạn trẻ cần khai phóng, khai mở và không định kiến, không bó buộc mình vào bất cứ điều gì trong quá trình tiếp nhận tri thức. Như đã biết, tri thức trong thời đại ngày nay được cập nhật thường xuyên, vì thế, các bạn trẻ cũng phải có tâm thế không cần thiết phải dựa vào bất cứ cái gì đã nghe, đã học và đã thấy. Các bạn hãy cứ "mở" - học tập cởi mở, tư duy rộng rãi, phải tự mình làm giàu vốn tri thức cho bản thân.
Các bạn trẻ được quyền yêu thích và ngưỡng mộ những cá nhân, diễn giả, doanh nhân tài giỏi, xuất sắc nhưng tuyệt đối không nên hình mẫu hóa, đắm chìm vào các hình tượng đó. Chúng ta nên học tập có phê phán, có đánh giá mặt mạnh, mặt yếu của các chủ thể để tiếp thu một cách rất chọn lọc và tìm ra các yếu tố trội, làm phong phú đời sống tinh thần và học vấn của bản thân.
Có học giả cho rằng, hành trang vào đời càng nhẹ càng tốt. Thực tế hiện nay, nhiều bạn trẻ vẫn chưa có thói quen tự do tư duy, tự do sáng tạo, óc quan sát, phản biện. Không ít bạn trẻ đi học theo sở thích của cha mẹ, cho đẹp mặt họ hàng, bạn bè. Họ định kiến, phải thế này mới là con ngoan, là trò giỏi. Đeo đẳng trên mình nhiều nghĩa vụ, nhiều mơ ước và kỳ vọng như thế thử hỏi làm sao các em có thể thuận lợi tiếp nhận những cái mới, những kiến thức cần thiết cho cuộc sống, tương lai.
Tóm lại, hành trang của các bạn trẻ khi vào đời, học tập càng nhẹ, càng ít ràng buộc hay lệ thuộc vào các định kiến thì các em mới phát triển được các năng lực và phát huy nó để thành công. Nói như thế không có nghĩa sẽ thiếu đi tính gắn kết với quá khứ, với cha mẹ, thầy cô mà chính là đề cao yếu tố cá nhân, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường của mỗi bạn trẻ trong thời đại ngày nay.
Ngoài kiến thức, theo ông, điều gì là quan trọng nhất đối với một bạn trẻ ở thời đại trí tuệ nhân tạo AI?
Kiến thức chưa đủ để các bạn trẻ thành công, đặc biệt ở môi trường xã hội như chúng ta. Hiện nay, kỹ năng liên kết, liên minh, làm việc cộng đồng, chia sẻ, thái độ hợp tác, kỹ năng diễn đạt, hùng biện... và rất nhiều thứ nữa thì mới có thể là con người toàn diện. Tức là, ngoài sức mạnh của tri thức, của công nghệ thì năng lực vận dụng thực tiễn của cá nhân mỗi người đòi hỏi phải rất nhạy, rất cập nhật.
Các bạn trẻ phải biết cách chắp nối, tập hợp, đòi hỏi phải rất linh hoạt, đa dạng, làm việc trên các nền tảng xã hội, ở các khu vực, vùng miền và xuyên quốc gia. Ngoài ra, các bạn hãy học thật tốt các nền tảng công nghệ mới, nâng cao trình độ ngoại ngữ và tăng cường đọc sách để hiểu biết thêm phục vụ cho công việc hiện tại.
Người ta vẫn nói, đặc trưng của thời đại ngày này là khó lường, bất định, nhiều đổi thay chưa từng có tiền lệ. Để sống và làm việc trong hình thái kinh tế - xã hội rất thú vị đó, con người cần chất liệu của tự do trong tư tưởng, tự lập trong hành động và tự trọng trong cuộc sống.
Khi các bạn trẻ tự do tư duy thì sẽ có muôn vàn giải pháp cho mỗi tình huống và hành động của họ. Và khi lựa chọn được giải pháp tối ưu để giải quyết tốt nhất các tình huống trong tương lai đầy thách thức thì họ chính là những người có lòng tự trọng, tự chịu trách nhiệm với bản thân và cuộc sống.
Chúng ta thường vẫn đề cao tư duy phản biện, kỹ năng sáng tạo để có thể làm nên bản sắc, khác biệt và cạnh tranh giữa người với máy. Đồng thời, cần có khả năng đoán định, phân tích đúng sai, lập luận, chính là khả năng phản biện và trí tuệ sáng tạo – thứ vô cùng cần thiết cho người trẻ thời đại số. Không có chất liệu của tự do chắp cánh thì họ cũng không có năng lực ấy, cội nguồn của sự sáng tạo chính là tự do bên trong của mỗi con người.
Vì vậy, người trẻ hãy bước vào đời với một tinh thần dấn thân, trong trẻo, tự do học tập một cách có ý thức, có khát vọng phát triển. Bản thân họ phải là “nhà tư tưởng” cho chính mình, chất chứa trong đầu mình cả một kho tàng các giải pháp dự phòng cho cuộc sống để đối diện với những bất trắc, bất định, thuận lợi hay khó khăn của cuộc sống.
Người trẻ phải luôn trên tư thế làm chủ. (Nguồn: Tuổi trẻ) |
Luôn trên tâm thế làm chủ
Một kỹ năng rất quan trọng trong cuộc sống cũng như phát triển sự nghiệp mà ít khi được nhắc tới đó là “tâm thế làm chủ”. Vậy theo ông, cần hiểu làm chủ thế nào cho đúng?
Tôi đồng tình với quan điểm này, tất cả đều xuất phát từ tâm thế. Chúng ta phải tập trung, dồn cả sức lực, tâm huyết vào cái mà mình theo đuổi. Có một câu chuyện về nhà khoa học nọ phát minh ra một sản phẩm mới, người ta hỏi vì sao ông ấy có thể làm ra nó một cách rất tài tình như vậy. Nhà khoa học kể lại rằng, ông lúc nào cũng nghĩ về nó, khi đi đường, khi ăn cơm hay bất cứ lúc rảnh rỗi.
Trước đây, tôi cũng nhận thức chưa hết về tầm quan trọng của tâm thế, tâm thức nhưng sau này tôi hiểu được rằng, muốn có bản sắc, làm chủ được thì phải bắt nguồn từ cái Tâm. Tâm có vững vàng, có ý chí sẽ giúp mình thực hiện được ý định.
Người trẻ hãy kiên định, kiên trì, tin vào chính mình, vào sự đúng đắn ở trong trái tim mình và khi tâm thế vững vàng giúp các bạn bước đi tự tin hơn trong cuộc sống. Đấy chính là quyết tâm, là tự mình quyết định, tự mình chịu trách nhiệm.
Nhiều tình huống đã cho chúng ta thấy, lý trí cần thiết cho mọi sự việc nhưng không ít lần sức mạnh của tâm hồn, của trái tim mới là nơi mách bảo đúng đắn nhất. Trên nền tảng là chính bản thân mình, do mình kiên định thì người trẻ sẽ khai phá ra nhiều điều bất ngờ trong cuộc sống. Tôi cho rằng, đó là một luận điểm hay và đáng phổ biến cho các bạn trẻ hiện nay.
Có chuyên gia nói rằng, đừng lấy mức lương ra làm thước đo cho sự thành công. Dưới góc nhìn của ông, lúc này người trẻ nên tập trung vào mục tiêu trở thành người thành công hay hướng đến sống làm người có giá trị?
Hiện nay, người trẻ giỏi giang hơn, dấn thân hơn, năng động hơn, có nhiều sáng tạo đột phá so với thế hệ trước. Khi chúng ta trao đi giá trị, cho đi cái gì đó hữu ích, dù là nhỏ bé chính là nhận lại. Còn nếu chỉ nghĩ đến công việc và mức lương thì dù có làm việc thành công, đạt chỉ tiêu KPI cũng không giúp chúng ta cảm nhận được hạnh phúc, của sự thiện lành.
Thành công là một khái niệm rộng và cũng là một hành trình dài, lương cao và thành đạt, có nhiều tài sản chưa chắc đã khiến cho một người trẻ cảm thấy hạnh phúc và có giá trị. Giá trị chính là việc tạo ra cảm hứng và truyền cảm hứng cũng như phổ được tầm ảnh hưởng của mình ra cho tập thể, cộng đồng và xa hơn là xã hội.
Nó cũng chính là đích đến của rất nhiều con người của khát vọng, có lý tưởng. Người trẻ cần sống một cuộc đời với nhiều trải nghiệm, có cả sự vất vả, khó khăn mới bền vững, mới có kinh nghiệm để hưởng những trái ngon, mới khiêm tốn và quý trọng con người.
Bạn trẻ không nên đem mức lương ra làm thước đo, là chuẩn của tiêu chí hiện tại. Những thứ đạt được dựa trên ưu thế không hẳn là thành công bởi có những thứ còn quan trọng và có giá trị hơn cả tiền bạc. Tôi cho rằng, một người có giá trị sẽ không thể thiếu việc làm và nghèo nàn về đời sống tinh thần được.
Thực ra, khái niệm giá trị và thành công xét ở phương diện câu hỏi này chúng ta nên bó nó lại trong môi trường và hoàn cảnh của người trẻ. Có người cho rằng thế này mới là thành công, có người cho là thế kia mới là thành công. Và giá trị cũng thế, người thì nói phải nổi tiếng, phải là học giả, nhà khoa học, chính trị gia, doanh nhân thành đạt... mới là người có giá trị. Nhưng với người trẻ, giá trị cũng có thể được hiểu, cần có năng lực hợp tác, cạnh tranh lành mạnh, biết giúp đỡ người khác, hòa đồng, vui tính và thân thiện. Theo tôi, với người trẻ thì chúng ta nên định vị ở những giá trị như vậy.
Vậy người trẻ nên tập trung vào mục tiêu nào, theo ông?
Tại sao không nên lấy mức lương làm thước đo duy nhất cho sự thành công? Thành công không chỉ đơn thuần có một mức lương cao. Nó còn bao gồm nhiều yếu tố khác như sự hài lòng với công việc, sự phát triển bản thân, các mối quan hệ xã hội, sức khỏe và cả những đóng góp cho cộng đồng. Thành công cũng được thể hiện ở giá trị của cá nhân. Mỗi người có một định nghĩa về thành công khác nhau. Có người coi trọng sự giàu có, có người lại coi trọng sự tự do, có người lại đề cao trách nhiệm xã hội, tạo ra các giá trị cho xã hội.
Tuy nhiên, khái niệm về thành công cũng thay đổi theo thời gian và văn hóa. Những gì được coi là thành công ngày hôm nay có thể không còn được coi là thành công vào ngày mai. Trở thành người thành công hay sống làm người có giá trị? Câu trả lời không phải là cái này hoặc cái kia, mà là cả hai. Cần xác định giá trị cốt lõi, những gì bạn thực sự muốn trong cuộc sống. Bạn đam mê điều gì và muốn đóng góp gì cho xã hội?
Điều đặc biệt, các bạn nên đầu tư vào việc phát triển bản thân, không ngừng học hỏi và nâng cao kỹ năng. Điều này sẽ giúp bạn tự tin hơn và có nhiều cơ hội trong cuộc sống. Mỗi người có một con đường đi riêng, hãy tập trung vào sự phát triển của bản thân, thành công không đến một sớm một chiều, vậy nên hãy xác định giá trị cốt lõi của mình và kiên trì theo đuổi mục tiêu.
Xin cảm ơn ông!