Phong trào 'Ngoại giao trong tôi là…' do Báo Thế giới & Việt Nam phát động nhân dịp kỷ niệm 76 năm Ngày thành lập ngành Ngoại giao (28/8/1945-28/8/2021). |
Một đời người, một sự nghiệp
Trên trang cá nhân, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, Đại sứ Phạm Quang Vinh chia sẻ rằng ngoại giao trong ông là một sự nghiệp 43 năm gắn bó.
Đại sứ Phạm Quang Vinh chia sẻ lại cơ duyên đến với ngành Ngoại giao khi trước đó “suýt” thì trở thành sinh viên Đại học Bách khoa (khoa Điện).
Với quyết định rẽ hướng vào ngành Ngoại giao, trải qua 5 năm Đại học Ngoại giao và hơn 38 năm trong Ngành, vị chi là 43 năm có lẻ, Đại sứ Phạm Quang Vinh và nhiều người cùng thế hệ đã vào Ngành, gắn bó với Ngành cũng chính bằng cái duyên may như vậy.
Cuối năm 2018, khi nhận quyết định nghỉ hưu, Đại sứ Phạm Quang Vinh đã nói hết lòng mình: “Mỗi một người đều có những kỷ niệm riêng, riêng với tôi, đó là 43 năm trong số 60 năm tuổi của mình. Lại là tuổi trưởng thành và lập nghiệp. Thế thì lớn lắm: Một đời người và một sự nghiệp”.
Dấn thân
Trong khi đó, ngoại giao trong Đại sứ Vũ Quang Minh là cuộc sống, từ cuộc đời học thuật tới cuộc đời sự nghiệp và cả cuộc đời gia đình khi bà xã của ông cũng là đồng nghiệp.
Theo Đại sứ Vũ Quang Minh, ngoại giao là cống hiến và tận hưởng, là đau khổ và hạnh phúc, là nỗi buồn và niềm vui, là tự hào và nhẫn nhịn, là vinh quang và cô đơn, là cay đắng và vinh dự, nhưng hơn hết, là dấn thân.
Đời thường hơn, ngoại giao trong Đại sứ Vũ Quang Minh là mang lại cho các đồng nghiệp Mỹ và Trung Quốc những giây phút tươi vui sảng khoái, làm cho những người bạn ấy phải lăn ra cười khi ông phát biểu tại Hội nghị Sherpa G20 tại Đức năm 2017 (theo vần và thứ tự lễ tân, Sherpa Việt Nam luôn ngồi giữa Sherpa Trung Quốc và Mỹ).
Sự nối nghiệp
Đối với Đại sứ Phạm Sanh Châu, ngoại giao là sự nối nghiệp từ người cha của ông.
Đại sứ Phạm Sanh Châu kể lại “nhiệm vụ đối ngoại” đầu tiên của mình trong lễ kỷ niệm Quốc khánh năm 1968 tại Đại sứ quán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở thủ đô Damascus (Syria). Đó là đếm số khách tham dự Quốc khánh.
Đằng sau nhiệm vụ tưởng chừng như đơn giản đó là một ý nghĩa to lớn nhằm xem bạn bè quốc tế có ủng hộ Việt Nam nhiều không trong giai đoạn ta đang kháng chiến chống Mỹ và vừa tiến hành chiến dịch Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968.
Với “đồ nghề” là một cuốn sổ và bút chì để ghi chép, cậu bé Phạm Sanh Châu khi đó đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và cảm thấy tự hào vì có cảm giác nhờ công “đếm” nên được đông khách hơn.
“Ngoại giao trong tôi bắt đầu hình thành từ ngày đó. Nó là định mệnh và là tình yêu, là hơi thở của cuộc sống hàng ngày, là khao khát được xả thân và cống hiến. Đó là tình yêu đối với Ba, con một địa chủ, thoát ly làm cách mạng và trở thành một nhà ngoại giao, một tấm gương của tôi”, Đại sứ Phạm Sanh Châu kết luận.
Ngôi nhà số 1 Tôn Thất Đàm
Theo Đại sứ Lương Thanh Nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, ngoại giao gắn liền với hình ảnh ngôi nhà số 1 Tôn Thất Đàm lịch sử, tòa nhà sơn màu vàng, nhiều mái nhất Hà Nội đã trở thành niềm tự hào của biết bao thế hệ cán bộ ngoại giao và cũng trở nên quen thuộc với nhiều người dân Thủ đô.
Đại sứ Lương Thanh Nghị nhớ lại nhiều hôm phải đi xe ôm hoặc taxi đến Bộ Ngoại giao, nhưng chỉ cần nói cho đến ngôi nhà nhiều mái nhất Hà Nội là được đưa đến đúng địa chỉ. Có lẽ, Hà Nội chỉ có hai con phố có một số nhà duy nhất, đó là Tôn Thất Đàm và Hỏa Lò.
Thấm thoắt qua 32 năm đi ra đi vào tòa nhà đó với bao kỷ niệm sâu sắc, Đại sứ Lương Thanh Nghị đã trải qua nhiều vị trí công tác, cả ở trong và ngoài nước.
Cùng với đó, Đại sứ cũng chia sẻ nhiều điều về sự nghiệp ngoại giao của bản thân, trong đó nhấn mạnh: “Làm ngoại giao cũng là quá trình thử thách và rèn luyện bản lĩnh. Ở bất cứ công việc nào tôi cũng luôn nguyện phải làm việc hết mình, bằng sự tâm huyết, gặp khó khăn hay chông gai phải tìm cách gỡ. Thế nhưng, mục đích tối thượng vẫn là vì lợi ích quốc gia và dân tộc”.
Rèn luyện, cơ hội và tự hào
Với Phó Cục trưởng Cục Lễ tân Nhà nước Phan Kiều Nga, ngoại giao là truyền thống gia đình, là hình ảnh người cha thân yêu, là những chuyến công tác xa nhà cả ngày chỉ ăn 1 bữa, là những ngày tan sở muộn, là những ngày tất bật tham gia tổ chức các sự kiện đối ngoại lớn của đất nước, là cảm giác phiêu phiêu ngồi trên chiếc xe dẫn các đoàn Nguyên thủ/ Người đứng đầu Chính phủ thăm Việt Nam, là cảm giác hồi hộp khi buổi đầu đi giảng bài, là cảm giác say mê khi tham gia đề tài nghiên cứu, là vô vàn những hy sinh thầm lặng…
Gần 17 năm gắn bó với ngành Ngoại giao, trải qua biết bao kỷ niệm vui, buồn, bà Phan Kiều Nga đúc kết ngoại giao có lẽ được đúc rút trong 3 chữ: rèn luyện, cơ hội và tự hào.
“Tự hào được tham gia đóng góp, cống hiến vào từng dấu ấn đối ngoại của đất nước”, bà Phan Kiều Nga bày tỏ.
10 bài học
Trong ngày đặc biệt này, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao Hoàng Anh Tuấn, một người có thâm niên trong ngành ngoại giao 30 năm có lẻ, đã rút ra được 10 bài học và tóm lược lại thành bài thơ tứ ngôn 10 dòng.
Đại sứ Hoàng Anh Tuấn chia sẻ đây sẽ là một phần quan trọng trong bài nói chuyện và trao đổi về chuyện học, chuyện nghề và chuyện đời của ông với các tân sinh viên Học viện Ngoại giao nhân dịp khai giảng năm học mới vào đầu tháng 9 tới.
“Miệt mài học tập
Cởi mở tư duy
Khác biệt luôn tìm
Chân tình, độ lượng
Có chính kiến riêng
Tinh thông ngôn ngữ
Tranh luận, cọ xát
Việc khó không ngại
Dẻo dai sức khỏe
Nhịp nhàng teamwork”.
Nhiệt huyết không bao giờ tắt
Đối với mỗi cán bộ ngoại giao, trong thời khắc này luôn cảm thấy tự hào và vinh dự được là thành viên của gia đình Ngoại giao với thật nhiều cảm xúc. Và Đại sứ Ngô Thị Hòa tự nhận mình "không nằm ngoài số đó".
Với 30 năm trong Ngành, Đại sứ Ngô Thị Hòa đã có rất nhiều trải nghiệm pha trộn: vui, buồn, thành công, thất bại… nhưng tựu trung là sự nhiệt huyết với nghề thì không lúc nào tắt.
Nguyên Vụ trưởng, Chánh Thanh tra Bộ Ngoại giao nhớ lại kỷ niệm lúc thi đỗ vào Đại học Ngoại giao (nay là Học viện Ngoại giao), chú Lai hàng xóm đã chúc cô nữ sinh năm đó sẽ trở thành nữ Đại sứ sau này... Lúc đó, "tôi chỉ cười cảm ơn chú và không nghĩ gì cả vì thấy xa vời quá".
Trải qua quá trình rèn luyện, phấn đấu trong 30 năm tại Bộ Ngoại giao, bà đã được bổ nhiệm làm Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan (2016-2020) và được phong hàm Đại sứ (2017). Vậy là "tiên đoán" của chú hàng xóm đã thành sự thực.
"Có lẽ lời chúc của chú cũng giúp tôi có thêm động lực để phấn đấu khi vào ngành ngoại giao", Đại sứ Ngô Thị Hòa viết.
Kỷ niệm ngành năm nay với Đại sứ Hòa là thời điểm kết thúc quá trình công tác của cuộc đời công chức và cũng "là lúc để tôi có thể bình tâm nghĩ về chặng đường đã qua của mình".
Điều Đại sứ Hòa tâm đắc nhất là "ngành ngoại giao không có sự giới hạn cho sự cống hiến, có lẽ không bao giờ là đủ để tạo dựng mối quan hệ với các nước và nâng cao vai trò vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Và các trải nghiệm/kinh nghiệm của các nhà ngoại giao cũng không bao giờ là đủ đối với mỗi người".
Nụ cười, niềm vui và hạnh phúc
Với bà Phan Hoa, Thường trực Nữ công Bộ tại Văn phòng Đảng uỷ Đoàn thể, ngoại giao là những nụ cười ấm áp cùng những đồng nghiệp trên cả tuyệt vời.
Đó là những niềm vui khi được nắm tay các chị em, cùng bàn bạc để triển khai các hoạt động Vì sự tiến bộ của Phụ nữ Ngoại giao. Đó là những chuyến đi về nguồn thăm các Mẹ Việt Nam anh hùng, là sự quảng bá cho hình ảnh đất nước Việt Nam tươi đẹp.
Đó là những ngày trăn trở, lo cho công dân về nước khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, là niềm hạnh phúc khi nhận được những lá thư cảm ơn của bà con, là kỷ niệm cách ly 2 tuần không bao giờ quên.
Hay đó là những cái siết tay thật chặt, là sự trân trọng khi cùng với các chị em đón nhận những bông hoa tươi thắm trong ngày Lễ của chị em…
Còn bạn, Ngày thành lập Ngành trở thành "Ngày của mình" như thế nào?
Xem thêm các bài viết của Báo Thế giới & Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 76 năm Ngày thành lập ngành Ngoại giao Việt Nam tại đây.