📞

Mỹ cảnh báo các cuộc cạnh tranh không công bằng, bóng gió về hành động với Trung Quốc

Thế Việt 07:55 | 09/06/2021
Ngày 8/6, Nhà Trắng khẳng định, Mỹ sẽ chống lại bất kỳ cuộc cạnh tranh nước ngoài không công bằng nào gây tổn hại đến chuỗi cung ứng của nước này, đồng thời xem xét liên tục mối quan hệ thương mại với Trung Quốc.
Mỹ cho rằng, khả năng phục hồi chuỗi cung ứng của nước này cần được đưa vào cách tiếp cận chính sách thương mại với Trung Quốc. (Nguồn: Urdupoint)

Trong một tuyên bố, Nhà Trắng nêu rõ: “Mặc dù cạnh tranh công bằng từ nước ngoài được hoan nghênh, song các khoản trợ cấp nước ngoài không công bằng quá thường xuyên và các hoạt động thương mại khác đã tác động tiêu cực tới sản xuất của Mỹ, rộng hơn là khả năng cạnh tranh của Mỹ”.

Chính vì vậy, theo tuyên bố, chính phủ Mỹ phải thực hiện một chiến lược toàn diện để đẩy lùi cạnh tranh nước ngoài không công bằng làm xói mòn khả năng phục hồi của các chuỗi cung ứng và ngành công nghiệp quan trọng của nước này.

Mặc dù không trực tiếp cáo buộc Trung Quốc về các hành vi thương mại không công bằng, song tuyên bố lưu ý: "Khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng cần được đưa vào cách tiếp cận chính sách thương mại của Mỹ đối với Trung Quốc, bao gồm cả việc xem xét liên tục chính sách thương mại Mỹ-Trung".

Nhà Trắng cho rằng, ở quy mô rộng hơn, chính quyền Tổng thống Joe Biden cần phát triển một chiến lược toàn diện để hỗ trợ khả năng cạnh tranh của Mỹ và sẽ xem xét các hiệp định thương mại hiện có nhằm xác định cách tăng cường khả năng phục hồi chuỗi cung ứng chung.

Những nỗ lực này rất quan trọng do đại dịch Covid-19 với hậu quả là cuộc khủng hoảng kinh tế đã cho thấy những điểm yếu về cấu trúc trong cả chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế, đe dọa nền kinh tế và an ninh quốc gia Mỹ.

Trong một diễn biến khác liên quan, cùng ngày, Thượng viện đã bỏ phiếu thông qua gói dự luật nhằm thúc đẩy khả năng cạnh tranh của nước này với công nghệ Trung Quốc, khi mà Quốc hội Mỹ tăng cường tìm cách đưa ra đường lối cứng rắn đối với Bắc Kinh.

Dự luật được thông qua với 68 phiếu thuận và 32 phiếu chống.

Biện pháp này phân bổ khoảng 190 tỷ USD cho các hoạt động nhằm tăng cường công nghệ và công tác nghiên cứu của Mỹ, đồng thời sẽ phê duyệt riêng khoản chi khoảng 50 tỷ USD để Washingon tăng cường sản xuất, nghiên cứu về chất bán dẫn và thiết bị viễn thông.

Dự luật cần được thông qua tại Hạ viện để được gửi đến Nhà Trắng trước khi Tổng thống Joe Biden ký ban hành thành luật.

(theo Sputnik, AP)