TIN LIÊN QUAN | |
Mỹ: Hàng trăm nghìn người biểu tình phản đối chính sách nhập cư | |
Tổng thống Trump ký sắc lệnh tránh chia cắt các gia đình nhập cư |
Tòa nhà liên bang Jacob J. Javits là nơi tọa lạc tòa án nhập cư và văn phòng địa phương của Bộ An ninh Nội địa (DHS) và Sở An ninh Di trú. Tại đây thường diễn ra những cuộc biểu tình phản đối chính sách hạn chế nhập cư của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
2 năm nay, chính sách siết chặt nhập cư của chính quyền ông Trump đã ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch xin nhập cư Mỹ. Việc siết chặt này không chỉ ảnh hưởng tới người di cư gốc Việt mà còn với cả nhiều nước khác.
Nhắm đến 11 triệu người nhập cư không giấy tờ
Theo DHS, tham vọng của Tổng thống Trump trong việc siết chặt nhập cư rất lớn, bao gồm các kế hoạch như: công khai những tội trạng mà người nhập cư gây ra; đưa lực lượng cảnh sát địa phương vào nhóm thi hành luật nhập cư; tước bỏ những quyền riêng tư của người nhập cư trái phép; xây dựng thêm các trung tâm giam giữ; thay đổi chính sách tiếp nhận tị nạn; và cuối cùng là tăng cường trục xuất.
Một trung tâm xử lý người nhập cư ở Texas, Mỹ. (Nguồn: Reuters) |
Tại buổi họp báo ngày 6/12/2018, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho hay việc tiếp nhận trở lại người gốc Việt được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận giữa hai bên, luật pháp và thông lệ quốc tế, trong đó có hiệp định ký năm 2008 giữa chính phủ Việt Nam và chính phủ Mỹ về việc nhận trở lại người gốc Việt, và đảm bảo các quyền và lợi ích của công dân phù hợp với quy định, luật pháp của mỗi nước. |
Các quan chức DHS cho biết kế hoạch đặc biệt nhắm vào 11 triệu người nhập cư không giấy tờ ở Mỹ, trong đó có khoảng 1,3 triệu người đến từ châu Á.
Mặc dù người gốc Latinh và người theo đạo Hồi là hai nhóm thu hút nhiều sự chú ý hơn cả với sắc lệnh cấm nhập cảnh đối với 7 nước Hồi giáo và tuyên bố xây tường ngăn biên giới Mỹ-Mexico, song theo CHIRLA, tổ chức phi chính phủ chuyên giúp đỡ những người nhập cư, 17 triệu người Mỹ gốc Á - nhóm chiếm 6,7% tổng dân số Mỹ và 1/3 tổng số người nhập cư – đang ngày càng lo lắng. Mấy năm trở lại đây, dòng người nhập cư gốc Á đã tăng nhanh hơn rất nhiều so với Mexico và Trung Mỹ. Người Ấn Độ, Trung Quốc và Hàn Quốc dẫn đầu danh sách nhập cư.
Ngay từ khi Tổng thống Trump mới nhậm chức, DHS đã ban hành hai văn bản yêu cầu các viên chức cửa khẩu và nhập cư trục xuất ngay lập tức những người nhập cư trái phép mà họ bắt gặp. Ưu tiên của chính sách này nhắm vào những người nhập cư trái phép phạm tội, nhưng đồng thời cũng nhắm vào những người đã bị truy tố hoặc có khả năng bị truy tố.
Cao trào được đẩy lên cao khi tháng 4 năm nay, Bộ Tư pháp Mỹ công bố chính sách nhập cư "không khoan nhượng". Chính sách này khiến các ông bố, bà mẹ di cư bất hợp pháp sẽ bị buộc tội hình sự, theo đó trẻ em sẽ bị tách khỏi cha mẹ và được đưa vào những trung tâm tạm giữ riêng bởi những đứa trẻ không bị buộc tội. Cơ quan nhập cư Mỹ cho biết đã có tổng cộng 2.342 trẻ em bị chia tách khỏi 2.206 cha mẹ trong thời gian từ ngày 5/5-9/6 khi các gia đình này vượt biên trái phép vào Mỹ.
Thời điểm đó, trên mọi phương tiện truyền thông tràn ngập hình ảnh cho thấy những đứa trẻ di cư bị tạm giữ gào khóc trong các cơ sở có rào chắn đã làm dấy lên sự chỉ trích mạnh mẽ nhằm vào chính quyền ông Trump. Người đứng đầu cơ quan nhân quyền của Liên hợp quốc cũng lên tiếng chỉ trích chính sách này là "vô lương tâm".
Trước sự phản đối mạnh mẽ của dư luận tại Mỹ và trên thế giới, Tổng thống Trump ngày 20/6 đã phải ký một sắc lệnh cho phép các gia đình di cư qua biên giới vào Mỹ trái phép được ở cùng nhau trong các trung tâm tạm giữ. Tuy vậy, ông Trump cũng nói chính quyền ông sẽ tiếp tục chính sách "không khoan nhượng", buộc tội hình sự bất kỳ ai vượt biên trái phép vào Mỹ...
Những chính sách hạn chế nhập cư này cho thấy ông Trump quyết tâm thực hiện các diễn thuyết hùng hồn và gây lo ngại của ông từ lúc tranh cử. Khi đó, ông Trump gọi những người nhập cư trái phép là "những kẻ tội phạm từ bên ngoài", cho rằng nhóm này khiến người Mỹ chịu ảnh hưởng, trở thành mối đe doạ với người dân trong nước.
Người nhập cư gốc Việt lại bị đe dọa trục xuất
Theo NYTimes, cha mẹ vợ của Tổng thống D.Trump cũng là người nhập cư theo chế độ "di cư chuỗi" hay còn gọi là nhập cư theo gia đình mà ông Trump luôn công kích. Bà Melania Trump trở thành công dân Mỹ năm 2006 sau khi tới nước này theo visa Einstein dành cho "các cá nhân có năng lực xuất sắc" năm 2001. Tháng 8 vừa qua, đi theo con gái, cha mẹ Đệ nhất phu nhân - người Slovenia, cũng tuyên thệ trở thành công dân Mỹ. Có điều, năm 2017, ông Trump từng tweet: "Di cư chuỗi cần kết thúc ngay! Một số người đến, rồi đưa cả gia đình sang, mà những người này lại rất xấu xa. Không thể chấp nhận được!". |
Dưới chính sách "không khoan nhượng", người gốc Việt cũng đang đối diện nguy cơ bị trục xuất vì chưa được cấp quyền công dân hoặc từng phạm tội.
Đặc biệt, tuần qua, cộng đồng người Việt ở Mỹ lại rúng động trước thông tin chính quyền ông Trump đang tái xem xét việc trục xuất người nhập cư gốc Việt mà nhiều người trong số này tới Mỹ trong giai đoạn trong và sau Chiến tranh Việt Nam.
Theo The Atlantic, đây là động thái mới nhất trong chính sách hạn chế tị nạn, thắt chặt nhập cư được Tổng thống Trump ưu tiên. Tuy nhiên, việc này chắc chắn gây bất ngờ lẫn bất bình bởi Nhà Trắng từng rút lại kế hoạch trục xuất hồi tháng 8, trước khi lật ngược một lần nữa.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, một hiệp định nhận trở lại công dân Việt được Hà Nội và Washington ký năm 2008 "không áp dụng đối với những công dân Việt Nam đã đến Mỹ trước ngày 12/7/1995, ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao". Thế nhưng, năm 2017, chính quyền ông Trump bắt đầu theo đuổi chính sách trục xuất nhiều người tị nạn đến từ Việt Nam, Campuchia và một số nước khác. Washington đơn phương diễn giải lại thỏa thuận theo hướng nhằm tước bỏ sự bảo hộ đối với những người phạm tội, qua đó cho phép chính phủ Mỹ trục xuất một phần những người nhập cư gốc Việt tới nước này trước ngày 12/7/1995.
Đến tháng 8 vừa qua, Mỹ ngưng chính sách đó. Cộng đồng người gốc Việt chưa kịp mừng thì The Atlantic tuần trước dẫn lời Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội: "Tuy quy trình được định trong Thỏa thuận 2008 không áp dụng với công dân Việt di cư trước 12/7/1995, nhưng nó không hoàn toàn loại trừ khả năng trục xuất các trường hợp trước năm 1995".
Người phát ngôn Bộ DHS Katie Waldman cũng cho biết, 5.000 người gốc Việt đã nhận được lệnh trục xuất vì phạm pháp hình sự ở Mỹ và không phải là công dân Mỹ.
Tuy nhiên, nhiều nhà hoạt động bất bình trước động thái này, họ cáo buộc chính quyền Trump đi ngược lại thỏa thuận được ký kết năm 2008. Theo cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius (nhiệm kỳ 12/2014-10/2017), động thái của chính quyền Trump dựa trên cách diễn giải mới hoàn toàn đối với Thỏa thuận 2008. Ông cho hay khi ông còn giữ chức Đại sứ, văn kiện này được mọi bên liên quan chấp nhận, đồng tình rằng không trục xuất công dân Việt di cư tới Mỹ trước năm 1995.
Ông Ted Osius, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam từ tháng 12/2014 đến tháng 10/2017, nói rằng ông đồng tình với ý kiến cho rằng các vụ trục xuất người tị nạn gốc Việt khỏi Mỹ là điều "đáng khinh", "gây tổn hại lòng tin" giữa hai quốc gia. |
Trong bức thư gửi Tổng thống Trump, Ngoại trưởng và Bộ trưởng DHS ngày 13/12, 26 nhà lập pháp - trong đó có nữ dân biểu Mỹ gốc Việt đầu tiên tại Quốc hội Hoa Kỳ Stephanie Murphy - đã bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về việc Mỹ có ý định tái đàm phán các điều khoản của Thỏa thuận này. Họ yêu cầu chính quyền "tôn trọng tinh thần nhân đạo và mục đích" của Thỏa thuận 2008.
Trung tâm Southeast Asia Resource có trụ sở tại Washington D.C., cũng cho rằng diễn giải lại của Mỹ nhằm mục đích thay đổi Thỏa thuận 2008. Văn kiện này có thời hạn 5 năm và tự động gia hạn 3 năm một lần trừ khi một trong hai bên ngừng tham gia, tức tháng 1/2019 sẽ là thời điểm gia hạn Thỏa thuận.
Nhìn chung, các nhà hoạt động phản đối chính sách nhập cư của Tổng thống Trump vì hai lý do. Thứ nhất, họ cho rằng người nhập cư và tài năng của họ là nguồn tài nguyên quý giá đối với nước Mỹ. Theo The Atlantic, doanh nhân gốc Ấn Tel Ganesan ở Detroit là một ví dụ về vai trò quan trọng của người nhập cư trong việc hồi sinh nền kinh tế địa phương. Công ty của Tel đạt doanh thu 60 triệu USD mỗi năm. Chỉ ở Michigan, công ty đã tạo ra 500 việc làm, phần lớn cho người bản địa. Tel nói: “Mỹ là đất nước của những người nhập cư, là miền đất của những cơ hội, của doanh nhân. Chính điều đó giúp Mỹ hùng mạnh và vĩ đại. Chân lý ấy đã được duy trì hàng trăm năm nay và tôi nghĩ rằng thay đổi nó không phải là hướng đi đúng”. Thứ hai, như Kevin Lam, Giám đốc tổ chức Asian American Resource Workshop, đã nhắc nhở: “Cách đây 43 năm, nhiều cộng đồng Đông Nam Á di cư khỏi quê hương để tìm kiếm sự an toàn cho họ và gia đình trong cuộc chiến mà Mỹ có liên quan. Mỹ cần nhớ điều đó”.
Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm người tị nạn từ những nước có "nguy cơ cao" Ngày 29/1, Mỹ thông báo sẽ dỡ bỏ lệnh cấm người tị nạn từ 11 quốc gia có "nguy cơ cao", song khẳng định những ... |
Tổng thống Mỹ bãi bỏ chính sách nhập cư DACA Bất chấp những lời kêu gọi của các nghị sĩ hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, ngày 5/9, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ... |
Chủ tịch Hạ viện Mỹ kêu gọi duy trì chính sách nhập cư DACA Ngày 1/9, cùng với các lãnh đạo doanh nghiệp và nhiều người dân, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan đã kêu gọi Tổng thống ... |