TIN LIÊN QUAN | |
Câu chuyện Mỹ - Iran: Lối rẽ bất ngờ | |
Đối đầu Mỹ - Iran. Hệ luỵ không tránh khỏi |
Iran cáo buộc người châu Âu từ bỏ lời hứa bảo vệ nền kinh tế của họ khỏi các lệnh trừng phạt của Mỹ. (Nguồn AFP) |
Vị thế kinh tế của Iran có thể đi từ rất xấu đến tồi tệ hơn, nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump gia tăng chiến tranh kinh tế, tiếp tục sử dụng các đòn kinh tế hà khắc hơn với Tehran.
Không cần dầu Trung Đông
Xung đột ở Trung Đông lại leo thang, sau khi Iran phóng tên lửa vào các căn cứ quân sự Mỹ, Tổng thống Trump và chính quyền của ông đã tuyên bố sẽ ngay lập tức áp dụng các biện pháp trừng phạt mới đối với Tehran, có hiệu lực cho đến khi Iran thay đổi hành vi của mình.
Sức mạnh của Mỹ, cả quân sự và kinh tế, đều được cho là những yếu tố có khả năng đáp lại ‘đòn đáp trả’ của Iran. Tuy nhiên, Tổng thống Trump đã khẳng định, Washington sẽ không sử dụng sức mạnh quân sự và tiếp tục nghiên cứu các phương án khả thi.
Lựa chọn hữu hiệu nhất có thể là tăng cường các lệnh trừng phạt. Tổng thống Trump cũng đã tuyên bố rất rõ rằng, ông ấy đã sẵn sàng tăng các cấp độ trừng phạt. Trong khi, kinh tế Iran vốn đã bị làm cho tê liệt, bế tắc bủa vây đang đưa người dân đến với tuyệt vọng.
Mỹ rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân 2015 ký giữa Iran và các nước P5+1 vào tháng 5/2018. Chỉ ít tháng sau, Tổng thống Trump tái áp đặt toàn bộ lệnh trừng phạt từng được nới lỏng theo Thỏa thuận lên Iran và các nước có giao dịch với nước này. Chính Nhà Trắng đã phải thừa nhận, đây là lệnh trừng phạt "khắc nghiệt chưa từng có", nhằm vào xuất khẩu dầu mỏ, ngân hàng và vận tải biển - các lĩnh vực chủ chốt của Iran.
Không dừng lại, Washington đã nhiều lần tăng cấp độ các lệnh trừng phạt, với mục tiêu làm tê liệt nền kinh tế, trong đó, có huyết mạch là ngành dầu mỏ. Lệnh trừng phạt khiến nhiều công ty nước ngoài rời đi, xuất khẩu dầu thô giảm xuống mức thấp kỷ lục – khoảng 80% trong gần 2 năm. Iran bị cô lập khỏi hệ thống tài chính toàn cầu, thậm chí đã phải sử dụng hệ thống hàng đổi hàng để né các lệnh trừng phạt có quy mô ngày một lớn.
Tháng 10/2019, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo GDP Iran giảm tới 9,5%, trong khi năm 2018, con số này cũng xung quanh mức - 10%, lạm phát hơn 40%, nền kinh tế bị đánh giá có thể tê liệt nếu hứng thêm các đòn trừng phạt. Nội tệ mất giá, làm gián đoạn các dòng chảy thương mại và đẩy lạm phát lên cao. Tỷ lệ thất nghiệp, đặc biệt trong giới trẻ, cũng đang ở mức đỉnh 10,6%.
Trong một cuộc họp báo kéo dài 10 phút và không có phần đặt câu hỏi, Tổng thống Trump tuyên bố rõ "nước Mỹ đã là nhà sản xuất dầu và khí gas số 1 thế giới. Một thị trường độc lập và không cần dầu của Trung Đông". Tuy nhiên, “Mỹ sẵn sàng nắm lấy hòa bình cùng những ai tìm kiếm điều đó".
Mỹ toan tính điều gì?
Chính quyền Tổng thống Trump đã công bố nhiều lệnh trừng phạt bổ sung vào thứ Sáu (10/1), đánh dấu động thái mới nhất trong một loạt các hình phạt vốn đã khiến nền kinh tế Iran quay cuồng và người dân chịu áp lực cùng cực. Lệnh cấm vận mới nhắm vào 8 quan chức cao cấp của Iran liên quan tới vụ bắn tên lửa, cũng như các công ty trong lĩnh vực thép, may mặc và một loạt các lĩnh vực khác. Tuy nhiên, không ít người cả phía Iran và Mỹ cho rằng, lệnh trừng phạt mới của Mỹ chỉ mang tính biểu tượng, bởi phần lớn các đối tượng vào “danh sách đen” lần này đều đang chịu điều tương tự trong các lệnh trừng phạt trước.
Lạm phát hơn 40%, nền kinh tế Iran bị đánh giá có thể tê liệt nếu hứng thêm các đòn trừng phạt mới. (Nguồn: Reuters) |
Mỹ đang toán tính gì khi trong ba năm, mọi hy vọng về cải thiện quan hệ Mỹ - Iran bỗng biến thành "mây khói", sự thù địch lại leo thang - mà bất cứ người Iran bình thường nào cũng cảm thấy rằng, thêm một gánh nặng nữa sẽ tiếp tục đè lên cuộc sống của họ và người thân.
Khi thỏa thuận hạt nhân Iran đạt được vào năm 2015, Tổng thống Barack Obama đã hoan nghênh vì nó không chỉ được xây dựng dựa trên niềm tin, mà đó là hiện thực. Trên thực tế, khi đó, Iraq bỗng nhiên không còn bị ràng buộc bởi các lệnh trừng phạt quốc tế, các công ty nước ngoài đã tranh nhau đổ xô tới đây, tạo nên một cuộc lột xác thực sự cho quốc gia Trung Đông này. Tốc độ tăng trưởng GDP đột biết từ mức -1,3% trong năm 2015, vọt lên + 13,4% trong năm 2016.
Nhưng từ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11/2016, ông Donald Trump với các chính sách mới đã không còn ủng hộ Iran. Tốc độ tăng trưởng GDP thực tế của nước này bắt đầu giảm trở lại.
Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Trump cho rằng, Mỹ nên rời bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran và gọi đó là một điều khủng khiếp đối với Mỹ và thế giới. Bởi "Thỏa thuận đó sẽ không làm được việc gì, ngoài làm cho Iran trở nên giàu có. Và điều đó sẽ dẫn đến thảm họa”, ông Trump đã tweet như vậy vào năm 2015.
Với lập luận rằng, Iran đã lừa dối cộng đồng quốc tế, đang tiếp tục gây bất ổn ở Trung Đông và không bao giờ chịu bị khuất phục, thông qua các lực lượng hậu thuẫn ở Yemen, Lebanon, Syria và một số nơi khác trong khu vực. Các bên phương Tây khác trong thỏa thuận - Đức, Pháp và Anh - phản bác rằng, Iran không có mục đích xấu và họ có các bằng chứng cho thấy Iran tuân thủ thỏa thuận.
Tất cả các bên ký kết, ngoại trừ Mỹ bị mắc kẹt trong một bản Thỏa thuận. Châu Âu tuyên bố sẽ thiết lập một cơ chế để bảo vệ các công ty đã và đang giao dịch với Iran khỏi các lệnh trừng phạt của Mỹ. Nhưng trên thực tế, khi các lệnh trừng phạt của Mỹ được khôi phục vào tháng 11/2018, các tuyên bố của châu Âu không có nhiều tác dụng. Đồng Rial của Iran tiếp tục mất giá nhanh chóng so với USD.
Chính quyền Tổng thống Trump đã từ đe dọa rồi đến mạnh tay hơn trong việc sử dụng các vũ khí kinh tế “đánh trực diện”, như áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với cả các quốc gia mua dầu của Iran. Xuất khẩu dầu Iran Iran giảm mạnh sau khi lệnh trừng phạt có hiệu lực.
Thời gian đầu, Mỹ đồng ý cấp cho một số khách hàng của Iran được quyền miễn trừ 6 tháng, nghĩa là họ có thể tiếp tục nhập khẩu dầu của Iran mà không sợ các lệnh trừng phạt. Trong những tháng này, nhờ lệnh của Mỹ, xuất khẩu dầu của Iran bắt đầu tăng trở lại. Tuy nhiên, không lâu sau đó, sau khi miễn trừ hết hạn vào tháng 5/2019, xuất khẩu dầu của Iran nhanh chóng tụt xuống mức thấp mới.
Đã có những dấu hiệu cho thấy sự thất vọng giữa Tehran và Liên minh châu Âu. Các quan chức Iran đã đổ lỗi cho sự chậm trễ của các đối tác châu Âu trong việc thực hiện các biện pháp nhằm bảo vệ các công ty của họ khỏi sự kiềm tỏa của các lệnh trừng phạt từ Mỹ.
Để đối phó với việc Mỹ giết Tướng Qasem Soleimani, Tehran mới đây tuyên bố đình chỉ các cam kết theo thỏa thuận hạt nhân. Còn EU quyết chống lại áp lực của Mỹ khi tuyên bố Thỏa thuận hạt nhân đã chết và họ sẽ không cần nỗ lực để giữ cho nó tồn tại nữa.
Tuy nhiên, một câu hỏi quan trọng là liệu các biện pháp trừng phạt bổ sung có tác động như thế nào đối với Iran. Giới phân tích cho rằng, các biện pháp trừng phạt hiện tại của Mỹ đã để lại rất ít thời gian cho Iran, nơi mà chi phí để mua hàng hóa cơ bản tăng vọt trong năm qua. Chẳng hạn, chỉ trong một năm, giá thịt bò đã tăng từ mức tương đương 5,20 USD mỗi kg lên 7,70 USD và giá sữa đã tăng từ 0,3 USD/lít lên 0,5 USD.
Các nhà lãnh đạo Iran liên tục kêu gọi người dân phải mạnh mẽ hơn và cố gắng chịu đựng mọi áp lực, nhưng “thật sự chúng tôi đã quá mệt mỏi, những nỗi đau như thấm đến tận xương”, Mitch Shiva Keshavarz, một kế toán nói với AP như vậy. Hoặc như nhạc sĩ Rajabian đã viết lên rằng, mỗi người Iran đang vật lộn trong cuộc đấu tranh sinh tồn, trong khi điều kiện sống chỉ thấy ngày càng khắc nghiệt.
Iraq cảnh báo nguy cơ kinh tế sụp đổ nếu Mỹ phong tỏa nguồn thu từ dầu mỏ TGVN. Các quan chức Iraq ngày 13/1 đã bày tỏ lo ngại về nguy cơ sụp đổ kinh tế nếu Mỹ áp đặt các biện pháp ... |
Nga - 'Ngư ông đắc lợi' trong cuộc khủng hoảng Mỹ - Iran TGVN. Việc Mỹ tiêu diệt tướng hàng đầu của Iran Qassem Soleimanim, chỉ huy đơn vị Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo ... |
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ: Với Iran, 'chúng tôi không cần đàm phán' TGVN. Ngày 13/1, Sputnik dẫn lời Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Robert O’Brien cho hay, Tổng thống Donald Trump sẽ không bãi bỏ lệnh trừng ... |