Với 60% cổ phần, công ty khí đốt tư nhân Novatek của Nga là cổ đông lớn nhất tại dự án LNG 2 Bắc Cực. (Nguồn: Novatek) |
Các cổ đông tại dự án khí tự nhiên hóa lỏng Arctic LNG 2 (LNG 2 Bắc Cực) của Nga đang đánh giá tác động của việc công ty quản lý dự án bị Mỹ đưa vào danh sách trừng phạt hồi tuần trước.
Theo đó, ngày 2/11, Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt mới chống lại Moscow liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine, nhắm đến dự án LNG 2 Bắc Cực ở Siberia.
Tin liên quan |
Kinh tế thế giới nổi bật (3-9/11): Thương mại Nga-Trung Quốc ngược xu hướng, tiền Mỹ viện trợ Ukraine đang cạn, giá khí đốt châu Âu giảm |
Dự án LNG 2 Bắc Cực trị giá 25 tỷ USD, được điều hành bởi công ty tư nhân Novatek của Nga, là dự án LNG lớn thứ hai của nước này. Các lệnh trừng phạt mới cấm tất cả các giao dịch liên quan mà không có giấy phép đặc biệt từ Văn phòng kiểm soát tài sản nước ngoài (OFAC), một bộ phận của Kho bạc Mỹ, cho đến ngày 31/1/2024.
Novatek sở hữu 60% cổ phần trong dự án, TotalEnergies và 2 doanh nghiệp Trung Quốc, gồm Tập đoàn Dầu khí quốc gia (CNPC) và Tập đoàn Dầu khí ngoài khơi quốc gia (CNOOC), mỗi bên nắm giữ 10%. 10% còn lại thuộc về Công ty thương mại Nhật Bản Mitsui & Co và Tổ chức An ninh kim loại và năng lượng Nhật Bản (JOGMEC) thuộc sở hữu nhà nước.
Các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ buộc các cổ đông trên phải kết thúc các giao dịch và thoái vốn trong công ty dự án trước ngày 31/1/2024. Dự án LNG 2 Bắc Cực ước tính có sản lượng 19,8 triệu tấn mỗi năm, là kho cảng LNG đầu tiên của Nga bị Mỹ trực tiếp đưa vào danh sách đen.
Các cổ đông của công ty tư nhân Novatek không bình luận về việc liệu họ có tiếp tục khởi động chuyến tàu đầu tiên với khối lượng 6,6 triệu tấn/năm của LNG 2 Bắc Cực vào đầu năm 2024 hay không. Nhưng ngay cả khi dự án hoàn thành, các nhà quan sát thị trường cho rằng, doanh số bán hàng có thể sẽ bị giới hạn ở các quốc gia không có liên kết trực tiếp với hệ thống tài chính Mỹ, chẳng hạn như Trung Quốc.
Mỹ lần đầu tiên áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Novatek vào năm 2014, hạn chế công ty này tiếp cận nguồn vốn bằng USD. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, Novatek không có tên trong danh sách Những thực thể bị chỉ định đặc biệt và những người bị chặn (SDN).
Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, việc đưa công ty quản lý dự án LNG 2 Bắc Cực vào danh sách SDN có nghĩa là bất kỳ thực thể hoặc cá nhân nào tương tác với công ty này đều phải đối mặt với rủi ro bị trừng phạt. Phát ngôn viên này đồng thời từ chối bình luận về giả thuyết thành lập một công ty mới để tiếp tục thực hiện dự án này.
Bộ trưởng Kinh tế và Thương mại Nhật Bản Yasutoshi Nishimura cho biết, Tokyo coi việc các lệnh trừng phạt sẽ có “tác động nhất định” đến dự án là điều “không thể tránh khỏi”.
Ông nói: “Chúng tôi sẽ làm việc với Nhóm 7 nền công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) để đưa ra đánh giá toàn diện và phản ứng phù hợp nhằm không làm suy giảm nguồn cung cấp năng lượng ổn định cho quốc gia”.
Bán hàng cho ai?
Việc hoàn thành chuyến tàu chở hàng thứ 2 và 3 của dự án - dự kiến lần lượt vào năm 2024 và 2026 - rất phức tạp do các lệnh trừng phạt mặc dù thiết bị quan trọng của dự án đã có sẵn ở Nga và Novatek phụ thuộc vào các nhà thầu xây dựng của Moscow.
Các chuyên gia ngành công nghiệp Nga gợi ý rằng, nếu được xây dựng và ra mắt, Arctic LNG 2 có thể sẽ tiếp thị sản phẩm với sự trợ giúp của người mua thứ 3, mức chiết khấu và giao dịch bằng tiền tệ quốc gia.
Điều này sẽ tương tự việc xuất khẩu dầu của Nga được chuyển hướng sang châu Á sau khi Liên minh châu ÂU (EU) cấm vận chuyển dầu thô và các sản phẩm dầu từ Nga bằng đường biển và lệnh áp trần giá dầu Nga từ G7. Tuy nhiên, việc tìm kiếm một đội tàu để cung cấp LNG sẽ là nhiệm vụ khó khăn hơn.
EU chưa áp đặt bất kỳ biện pháp trừng phạt nào đối với LNG của Nga. Hiện LNG chủ yếu đến châu Âu từ nhà máy Yamal LNG hàng đầu của Novatek, thông qua các hợp đồng bao tiêu với TotalEnergies và Natorgy (Tây Ban Nha), cũng như giao dịch giao ngay với các thương nhân châu Âu. Nhưng các lệnh trừng phạt của Mỹ có nghĩa là châu Âu sẽ không nhận được hàng từ chuyến tàu LNG đầu tiên ở Bắc Cực vào mùa Đông này.
Các cổ đông sẽ làm gì?
Với tình hình hiện tại, TotalEnergies có thể sẽ mất hợp đồng mua bán gần 2 triệu tấn/năm, tương đương 10% sản lượng LNG 2 ở Bắc Cực theo kế hoạch cho ba chuyến tàu.
Việc Mỹ áp trừng phạt lên dự án LNG 2 Bắc Cực của Nga được cho là nhằm mang lại lợi ích cho các công ty Mỹ với mục tiêu đẩy giá cao hơn. (Nguồn: Shutterstock) |
Tuần trước, tập đoàn Pháp cho biết đang đánh giá những hậu quả có thể có từ lệnh trừng phạt mới của Mỹ. Doanh nghiệp này đã ngừng cấp vốn cho công ty dự án vào năm ngoái, ngay sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi tháng 2/2022.
TotalEnergies cũng sở hữu 10% cổ phần trong công ty con Arctic Transshipment của Novatek, nhà điều hành các bến trung chuyển theo kế hoạch ở Murmansk và Kamchatka, bị Mỹ đưa vào danh sách đen từ tháng 9/2023.
Trong khi đó, tập đoàn Mitsui của Nhật Bản cho biết “sẽ kiểm tra chặt chẽ tác động” của các lệnh trừng phạt đối với Arctic LNG 2.
Đại diện công ty khẳng định: “Chúng tôi sẽ tuân thủ luật pháp và quy định, bao gồm cả các lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế và sẽ thực hiện các biện pháp thích hợp với sự hợp tác của các bên liên quan, gồm cả chính phủ Nhật Bản”.
Mitsui và JOGMEC của Nhật Bản nắm giữ 10% cổ phần trong Arctic LNG 2 thông qua một công ty Hà Lan có tên Japan Arctic LNG BV (J-Arc). 75% cổ phần của J-Arc thuộc sở hữu JOGMEC và 25% còn lại do Mitsui nắm. Số dư ròng đầu tư, các khoản vay và bảo lãnh liên quan đến LNG 2 Bắc Cực của Mitsui là 249 tỷ Yen (1,7 tỷ USD).
Một chuyên gia thị trường cho rằng, Nhật Bản có thể “xin phép” Mỹ để mua LNG từ dự án Arctic LNG 2.
Không rõ điều gì sẽ xảy ra với tổng cộng 20% cổ phần do các công ty dầu khí nhà nước Trung Quốc nắm giữ, gồm CNPC và CNOOC, với hợp đồng vận chuyển gần 4 triệu tấn/năm từ ba chuyến tàu. Các chuyên gia cho biết, Bắc Kinh có thể muốn thay thế bộ đôi này bằng một thực thể ít gặp rủi ro bị trừng phạt hơn.
Hôm 6/11, tập đoàn Novatek của Nga đã bác bỏ quan điểm cho rằng các biện pháp trừng phạt đối với dự án LNG 2 ở Bắc Cực do Washington áp đặt vào tuần trước khiến giá khí đốt quốc tế giữ ở mức cao.
Novatek, được thành lập bởi nhà tài phiệt Leonid Mikhelson, là tập đoàn khí đốt tư nhân lớn nhất của Nga, có quan hệ đối tác với TotalEnergies của Pháp, đã bị giám sát chặt chẽ kể từ khi nổ ra xung đột Nga-Ukraine.
Interfax dẫn lời ông Mikhelson mô tả các biện pháp trừng phạt của Mỹ là "sự khen ngợi về tính chuyên nghiệp của chúng tôi" và được áp dụng nhằm mang lại lợi ích cho các công ty LNG của Mỹ để đẩy giá lên cao hơn.
| Giá tiêu hôm nay 9/11/2023, không phải Mỹ, đây mới là thị trường xuất khẩu lớn nhất của tiêu Việt 10 tháng 2023 Giá tiêu hôm nay 9/11/2023 tại thị trường trong nước ổn định ở một số địa phương trọng điểm, giao dịch từ 65.500 – 68.000 ... |
| Giá tiêu hôm nay 8/11/2023, những yếu tố kìm hãm giá, 2 thị trường tích cực nhập tiêu Việt nhất Giá tiêu hôm nay 8/11/2023 tại thị trường trong nước nối dài đà đi ngang ở một số địa phương trọng điểm, giao dịch từ ... |
| Bất động sản mới nhất: Nhà đầu tư khôi phục niềm tin vào thị trường, nhiều thương vụ M&A lớn, nguyên tắc cho thuê, mua bán nhà ở xã hội Hoạt động mua bán – sáp nhập (M&A) ngày càng sôi động; sắp đấu giá đất ở Hà Nội, có thửa giá khởi điểm gần ... |
| Bất động sản mới nhất: Một phân khúc chưa bao giờ hết ‘hot’; Bình Định đấu giá, đấu thầu 30 dự án; quy định căn cứ tính tiền sử dụng đất Tỷ lệ giao dịch thành công phân khúc nghỉ dưỡng chỉ đạt 10%, bất động sản công nghiệp không hề ‘hạ nhiệt’, quy định căn ... |
| Doanh nghiệp Nga lần đầu công khai thừa nhận tuyến cáp ở Biển Baltic bị đứt, lý do là gì? Công ty nhà nước Nga Rostelecom của Nga lần đầu công khai thừa nhận tuyến cáp ở Biển Baltic bị đứt trong thông cáo ngày ... |