Các quan chức Liên minh châu Âu (trái) và các đại diện Iran tham dự cuộc đàm phán khôi phục thỏa thuận hạt nhân ở Vienna, Áo, ngày 3/12. (Nguồn: Tân Hoa xã) |
Trả lời phóng viên trong tình trạng giấu tên, vị quan chức ngoại giao Mỹ khẳng định Washington sẽ không cho pháp Iran chậm trễ trong tiến trình đàm phán khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015.
Mỹ đã thể hiện sự kiên nhẫn khi cho phép tiến trình đàm phán tạm dừng trong 5 tháng, song phía Iran vẫn tiếp tục tiến hành các chương trình hạt nhân một cách đầy khiêu khích.
Cũng theo quan chức ngoại giao trên, Iran đã không thực hiện các cam kết trước đó với các bên liên quan đến JCPOA, đặc biệt là Mỹ, song lại đưa ra nhiều yêu sách hơn.
Cả Trung Quốc và Nga cũng bày tỏ bất ngờ khi Iran không chấp nhận những đề xuất mà 2 nước này đưa ra tại vòng đàm phán hạt nhân lần thứ 7 ở Vienna, Áo.
Vòng đàm phán hôm 3/12 là vòng thương lượng đầu tiên có sự tham gia của các đại biểu do Tổng thống chống phương Tây Ebrahim Raisi của Iran cử đến để bàn về cách phục hồi thỏa thuận JCPOA, vốn quy định Iran phải hạn chế chương trình hạt nhân để đổi lấy việc giảm nhẹ các lệnh trừng phạt kinh tế.
Anh, Pháp và Đức cho biết, Iran đã đề xuất những thay đổi sâu rộng đối với một văn bản thỏa thuận đã được đàm phán cẩn thận trong những vòng trước và hoàn thiện tới 70-80%.
Các nước này bày tỏ sự thất vọng và lo ngại trước những yêu sách của Tehran, với lý do một số không phù hợp với các điều khoản của thỏa thuận hoặc vượt quá chúng.
Trong khi đó, từ lập trường không khoang nhượng của Iran cho rằng, Mỹ đã khơi mào cho việc xé bỏ thỏa thuận vào năm 2018, dưới thời ông Donald Trump.
Vì vậy, lần này, Washington cần có hành động tương xứng bằng cách dỡ mọi cấm vận chống Tehran từ thời điểm đó, bao gồm cả các lệnh trừng phạt không liên quan đến hoạt động hạt nhân của quốc gia Hồi giáo.
Nhà đàm phán hạt nhân Iran Bagheri Kani từng phát biểu vào ngày 29/11 rằng, Mỹ và các đồng minh phương Tây cũng cần đưa ra các đảm bảo rằng Iran sẽ không bị áp các biện pháp trừng phạt mới trong tương lai.
Tuy nhiên, ông Kani vẫn để ngỏ cánh cửa cho thương lượng khi tuyên bố các quốc gia châu Âu có thể đề xuất dự thảo riêng để các bên cùng thảo luận.
Các nhà đàm phán phương Tây hiện muốn phục hồi thỏa thuận JCPOA ban đầu năm 2015, đồng nghĩa nếu Iran muốn giảm trừng phạt, nước này sẽ phải chấp nhận thêm các hạn chế về hạt nhân.
Do Iran từ chối gặp trực tiếp các quan chức Mỹ, những cuộc thương lượng gián tiếp giữa hai bên, thông qua các nhà ngoại giao châu Âu, dự kiến sẽ nối lại vào giữa tuần sau.