Sau hơn 100 ngày lên nắm quyền, Tổng thống Mỹ Biden đã bắt đầu chuyển trọng tâm sang đàm phán thương mại với các nước, mở đầu là khối EU. (Nguồn: Getty) |
Duy trì định hướng chính sách hướng nội
Mới đây, trong bài viết với nhan đề "Mỹ-Âu đẩy mạnh hòa giải thương mại, Tổng thống Joe Biden trì hoãn mang tính chiến thuật trong đàm phán với Trung Quốc", trang HK01 của Hong Kong (Trung Quốc) nhận định, với sự thúc đẩy của chính quyền Tổng thống Joe Biden, ngày 17/5, Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý hoãn kế hoạch áp thuế trả đũa 50% đối với 4 tỷ USD hàng hóa của Mỹ mà trước đó dự kiến thực hiện vào ngày 1/6.
Tiếp theo, Mỹ và EU sẽ bắt đầu đàm phán chính thức để hủy bỏ thuế đối với mặt hàng thép EU được thực hiện dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump.
Cùng ngày, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai cũng đã tổ chức cuộc họp đầu tiên với Canada và Mexico theo Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA) - phiên bản mới của Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA 2.0) để thảo luận việc thực hiện các cam kết thương mại liên quan.
Trước đó, vào cuối tháng 4/2021, bà Katherine Tai tuyên bố sẽ liên lạc với phía Trung Quốc trong tương lai gần để thảo luận và đánh giá giai đoạn đầu của hiệp định thương mại.
Ngày 13/5, bà Tai tuyên bố tại phiên điều trần tại Hạ viện Mỹ rằng Trung Quốc vẫn là một thách thức to lớn mà Mỹ phải đối mặt. Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác với Bộ Quốc phòng và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) rà soát toàn diện quan hệ thương mại với Trung Quốc.
Có thể thấy, sau hơn 100 ngày lên nắm quyền, Tổng thống Biden đã bắt đầu chuyển trọng tâm sang đàm phán thương mại với các nước khác sau khi thúc đẩy chống dịch Covid-19, tiêm chủng, hỗ trợ y tế, xây dựng cơ sở hạ tầng và các chương trình kích thích kinh tế khác ở trong nước.
Theo tư duy quyết sách của Nhà Trắng, quan điểm đàm phán thương mại được dẫn dắt bởi lợi ích của tầng lớp trung lưu trong nước hoặc lợi ích của chuỗi công nghiệp Mỹ và vẫn duy trì định hướng chính sách hướng nội.
Nhưng xét về đối tượng và nhịp độ đàm phán, chính quyền của ông Biden thể hiện mong muốn hòa giải với châu Âu và các nước láng giềng, sau đó mới bắt đầu đàm phán thương mại với Trung Quốc.
Ông Biden dự kiến thăm Brussels vào ngày 14/6 để gặp gỡ các nhà lãnh đạo EU. Việc ưu tiên giải quyết tranh chấp thương mại với các đồng minh cũng là để hợp tác với đồng minh gây sức ép với Trung Quốc, tiến tới thúc đẩy cải cách WTO.
Quan điểm thương mại mới
Bà Katherine Tai tiếp tục đề cập một số cáo buộc chống lại Trung Quốc dưới thời ông Trump, chẳng hạn như cạnh tranh không lành mạnh, chiếm đoạt thương mại và lao động cưỡng bức.
Tuy nhiên, so với cựu Đại diện Thương mại Robert Lighthizer, bà Tai đồng thời nhấn mạnh các vấn đề về nhân quyền của Trung Quốc, gắn vấn đề thương mại với vấn đề nhân quyền.
Nhưng điểm khác biệt lớn nhất là bà Tai chú trọng hơn đến việc xây dựng các quy tắc thương mại đa phương, bao gồm cả việc cải tổ hệ thống WTO.
Trong thời gian ông Trump khởi động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, ông chủ yếu sử dụng các công cụ thuế quan và không thúc đẩy cải cách WTO.
Tuy nhiên, đội ngũ thương mại của chính phủ cánh hữu cho rằng Trung Quốc đã không thực hiện các cam kết khi gia nhập WTO, chẳng hạn như cắt giảm thuế quan và mở cửa thị trường tài chính. Nếu chính quyền của ông Biden thúc đẩy cải cách WTO, nước này có thể hợp tác với các đồng minh và cùng gây áp lực đối với Trung Quốc.
Tất nhiên, không loại trừ việc Trung Quốc và Mỹ thực hiện các cuộc đàm phán độc lập về cải tổ WTO, khác với các cuộc đàm phán thương mại song phương giữa hai nước.
Ngoài ra, không giống như ông Robert Lighthizer, bà Katherine Tai chủ trương thay đổi một số luật trong nước đã lỗi thời, chẳng hạn như Điều 232 của Đạo luật Mở rộng Thương mại năm 1962. Ông Trump đã khởi xướng một cuộc điều tra về xuất khẩu thép và nhôm từ EU sang Mỹ dựa trên điều khoản này và áp đặt thuế quan.
Bà Katherine Tai cho rằng các dự luật của thời kỳ Chiến tranh Lạnh không thể được sử dụng để giải quyết các tranh chấp kinh tế trong thế kỷ XXI.
Đánh giá từ quan điểm hiện tại của chính quyền Tổng thống Biden, các cuộc đàm phán Mỹ-Trung có thể được tổ chức vào nửa cuối năm nay. Tại cuộc điều trần trước Quốc hội, bà Tai khẳng định thuế quan mà Mỹ áp đặt lên Trung Quốc dưới thời ông Trump sẽ được quyết định vào cuối năm 2021.
Nói cách khác, trong ngắn hạn, chính quyền của ông Biden khó có thể bãi bỏ hoặc giảm mức thuế bổ sung mà Mỹ áp đặt đối với hơn 300 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc. Điều này trái ngược với quan điểm của chính phủ Trung Quốc.
Nếu Mỹ không thực hiện các điều chỉnh về vấn đề thuế quan, thì khả năng Trung Quốc trở lại bàn đàm phán với Mỹ sẽ thấp hơn.