TIN LIÊN QUAN | |
Phản ứng của Nga nếu Mỹ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở | |
Nga đã có kế hoạch đáp trả nếu Mỹ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở |
Ông Trump có ý rút nước Mỹ ra khỏi hiệp ước Bầu trời mở. Minh hoạ của Lizzie Gill, Ảnh của Doug Mills/The New York Times and Getty Images. |
Tuy chưa được thực hiện nhưng ý định của Mỹ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở đã bị phía Nga lên tiếng phê phán mạnh mẽ. Phía Nga còn thẳng thừng tuyên bố sẽ có hình thức đáp trả Mỹ thích hợp nếu phía Mỹ thật sự quyết định rút ra khỏi hiệp định này. Vì Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức thông báo cho quốc hội Mỹ biết về ý định nói trên nên việc nước Mỹ rời bỏ hiệp ước này xem ra là chuyện đã được quyết định và việc thực hiện chính thức chỉ còn là vấn đề thời gian.
Có thể thấy được ngay qua đó sự khác biệt quan điểm giữa Mỹ và Nga trong chuyện này là Mỹ định đóng cửa bầu trời nước Mỹ trong khi Nga vẫn muốn bầu trời nước Mỹ tiếp tục được để mở. Giữa hai bên, trong chuyện này không những chỉ có bất đồng quan điểm mà còn xung khắc lợi ích.
“Bầu trời mở” có ý nghĩa gì?
Ý tưởng về “Bầu trời mở” có nguồn gốc ban đầu là đề nghị của Tổng thống Mỹ Dwight Eiseinhower đưa ra cho Thủ tướng Liên Xô Nicolai Bulganin năm 1955 về "giám sát bầu trời chung". Mãi về sau, ý tưởng này mới được các nước thành viên NATO và Khối Varsaw đàm phán. Nó được 34 nước ký kết tham gia ngày 24/3/1992. Nhưng từ năm 2002 thì phía Mỹ mới chính thức thực thi nó. Đằng sau ý tưởng này thật ra là mục đích dùng tính minh bạch để xây dựng lòng tin lẫn nhau nhằm ngăn ngừa xung đột.
Nội dung cốt lõi nhất của hiệp định là các bên tham gia có thể sử dụng loại máy bay nhất định, được trang bị những thiết bị chụp ảnh, ghi hình, ghi âm, trinh sát nhất định, được bay trong không phận của nhau, bên không tham gia được cung cấp thông tin và báo cáo cũng như có quyền yêu cầu bên tiến hành chuyến bay giải thích hoặc cung cấp thêm thông tin.
Cho dù có 34 nước tham gia hiệp định này, ai ai cũng biết rằng đây chủ yếu là chuyện giữa Mỹ và Nga cũng như giữa Mỹ và NATO. Nhờ tác dụng của nó mà hiệp định này được nhìn nhận chung và đánh giá chung là một trụ cột, một thành tố quan trọng của cấu trúc an ninh chung giữa Phương Tây và Nga cũng như của công cuộc giải trừ quân bị và ngăn ngừa xung đột hạt nhân.
Lý do của người Mỹ
Ông Trump bây giờ có ý rút nước Mỹ ra khỏi hiệp định này chủ yếu vì 4 nguyên nhân sau.
Thứ nhất, rút nước Mỹ ra khỏi những thoả thuận đa phương quốc tế và xem xét lại những thoả thuận song phương mà Mỹ đã tham gia và ký kết là một định hướng quan điểm chính sách cơ bản của ông Trump và đã được người này kiên định thực hiện kể từ khi lên cầm quyền ở Mỹ đến nay. Ở đây có chuyện ông Trump và cộng sự coi những thoả thuận như thế là xâm hại chủ quyền quốc gia của Mỹ và gây hại nhiều hơn làm lợi cho nước Mỹ. Trong chừng mực ấy, việc ông Trump dự định rút nước Mỹ ra khỏi Hiệp định Bầu trời mở không có gì mới lạ, nếu như không muốn nói là lô gic.
Thứ hai, trên thực tế cho đến nay, hiệp định này mất dần tác dụng thật sự đối với Mỹ. Trước hết, Mỹ hiện đã bố trí mạng lưới vệ tinh gián điệp toàn cầu rất hiện đại với hiệu ứng cao hơn rất nhiều những chuyến bay trinh thám theo khuôn khổ hiệp định kia. Trên phương diện này, không thể không xác nhận là Mỹ đã đi xa hơn Nga. Sau đó là chuyện cả Mỹ lẫn Nga đều không thực hiện nghiêm chỉnh hiệp định này, đều cáo buộc lẫn nhau vi phạm, giống như đối với Hiệp ước về tên lửa tầm trung (INF) mà Mỹ đã rút khỏi.
Thứ ba, Trung Quốc không tham gia Hiệp định Bầu trời mở và cũng giống như trong câu chuyện của hiệp ước INF. Mỹ giờ nhằm cả vào Trung Quốc nên có chủ ý xoá kết quả ván bài cũ - mà Trung Quốc không tham gia cùng chơi - để chơi ván bài mới, có sự tham gia của Trung Quốc cùng chơi.
Thứ tư, Mỹ không còn sẵn sàng chia sẻ kết quả trinh thám với các nước khác và muốn chấm dứt trách nhiệm ấy trong khi lo ngại sâu sắc về khả năng chính Nga lại trao đổi kết quả trinh thám về Mỹ, thông qua Bầu trời mở bằng cách này hay dưới hình thức khác, với đồng minh và đối tác của Nga không tham gia hiệp định, đặc biệt và trước hết là Trung Quốc.
Mối lo của người Nga
| Nước Nga trong năm 2019 và triển vọng 2020: Hài lòng và lạc quan |
| Điều lạ thường trong quan hệ Belarus - Áo: Chơi chung, đích riêng |
| Nga với Trung Đông: Thay thời, đổi thế |
Nga doạ sẽ đáp trả Mỹ mạnh mẽ, nếu nước này rút khỏi hiệp định, vì 3 lý do sau.
Thứ nhất, hiệp định đem lại cho Nga cơ hội trinh thám một cách hợp pháp trên lãnh thổ Mỹ và vẫn vô cùng hữu ích đối với Nga, đặc biệt trong bối cảnh tình hình Nga vẫn còn có những bất cập nhất định trong nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ gián điệp bằng vệ tinh. Có ít vẫn còn hơn không có gì.
Thứ hai, Mỹ và Nga là hai đối tác - và đối thủ chính - trong hiệp định này, nhưng ở trong đấy còn là chuyện mối quan hệ giữa Nga và NATO. Một khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Bầu trời mở, Nga chắc sẽ không còn có thể tận lợi được như lâu nay từ hiệp định này trong phương diện quan hệ với NATO và với các nước thành viên NATO.
Thứ ba, Nga làm to việc Mỹ có ý định rút khỏi hiệp ước này để định hướng dư luận, với nhận thức là Mỹ chứ không phải Nga đơn phương gây tổn hại đến những cấu trúc và thể chế an ninh chung, làm huỷ hoại lòng tin lẫn nhau đã được gây dựng và kích hoạt cuộc chạy đua vũ trang mới.
Dù có thế nào thì số phận của hiệp định này cũng còn là một điềm báo trước cho số phận một thoả thuận khác nữa về giải trừ vũ khí hạt nhân giữa Mỹ và Nga: New Start sẽ hết hiệu lực vào tháng 2/2021.
| Rốt cục, Mỹ thừa nhận tụt hậu so với Nga TGVN. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ, Đại tá Không quân Robert Carver cho biết, đà phát triển nhanh chóng của Nga trong lĩnh ... |
| Nga - Mỹ và cuộc chơi gián điệp TGVN. Quan hệ ngoại giao giữa hai siêu cường Nga - Mỹ trong lịch sử nhiều lần sóng gió khi hai bên phát hiện và ... |
| Quan hệ Mỹ - Nga: Lập lòe hy vọng hòa giải TGVN. Một nghịch lý chi phối quan hệ Mỹ - Nga hiện nay là trong khi Tổng thống Trump luôn đề cao mối quan hệ ... |