📞

Mỹ nỗ lực giảm căng thẳng vùng Vịnh

15:44 | 17/06/2017
Ngày 16/6, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Ngoại trưởng Rex Tillerson sẽ không tham dự phiên họp của Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) diễn ra tại Mexico vào tuần tới. Thay vào đó, ông Tillerson sẽ ở lại Mỹ để tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng giữa Qatar và các nước láng giềng Ả rập. 

Một ngày sau khi tuyên bố ông Tillerson sẽ dẫn đầu phái đoàn Mỹ tham dự phiên họp của Đại Hội đồng OAS tổ chức tại Cancun (Mexico), Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay Thứ trưởng Ngoại giao John Sullivan sẽ đảm nhận công việc này thay cho Ngoại trưởng Tillerson.

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert, Ngoại trưởng Tillerson sẽ điện đàm với Qatar, Saudi Arabia, Bahrain và Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) để cố gắng thuyết phục các nước này giải quyết những bất đồng còn tồn tại.

Ngoại trưởng Mỹ Tex Tillerson. (Nguồn: Bloomberg)

“Ngoại trưởng Mỹ sẽ tiếp tục nỗ lực để làm giảm leo thang căng thẳng ở khu vực Trung Đông thông qua các cuộc họp trực tiếp và các cuộc trò chuyện qua điện thoại với các vị lãnh đạo các nước khu vực vùng Vịnh. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho biết, ông Tillerson đã "thực hiện hơn một chục cuộc điện thoại và tham gia vào một số cuộc họp trực tiếp”.

Tuyên bố này đánh dấu xác nhận lần đầu tiên của Mỹ rằng Ngoại trưởng Tillerson đã gặp các quan chức hàng đầu của Qatar, Saudi Arabia và UAE trong những ngày gần đây. Điều đó cho thấy Mỹ đang chính thức cố gắng làm trung gian giải quyết khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh. Ngay sau khi khủng hoảng nổ ra, Tổng thống Donald Trump đã đề nghị Tillerson làm "sứ giả hòa bình" với hy vọng ông này có thể tận dụng các mối quan hệ vốn có với các nhà lãnh đạo khu vực trong thời gian làm giám đốc điều hành Exxon Mobil Corp.

Cuộc khủng hoảng bắt đầu hồi đầu tháng Sáu khi các nước láng giềng của Qatar, bao gồm cả Saudi Arabia và UAE, đã cắt đứt quan hệ ngoại giao, thương mại và vận tải với nước này, với lý do ngăn chặn Doha hỗ trợ các nhóm khủng bố và Iran. Còn về phía Qatar, hôm 16/6, người đứng đầu ủy ban nhân quyền Qatar Ali Bin Samikh Al-Marri gọi việc các nước Ả rập cô lập Qatar là một hành động "trừng phạt tập thể", đồng thời khẳng định Doha đã yêu cầu Liên hợp quốc cử chuyên gia tới để điều tra về những ảnh hưởng mà động thái này mang lại.

Vụ việc đẩy Mỹ vào tình thế khó khăn vì Mỹ là đồng minh với các quốc gia ở cả hai bên tranh chấp. Hơn nữa, Qatar là nơi đặt trụ sở của Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ, kể cả một căn cứ không gian tối tân mà Lầu năm góc đặt tại đây nhằm mục đích kiểm soát các lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Tuy nhiên, những nỗ lực của ông Tillerson đã và đang bị cản trở bởi những thông điệp hỗn độn xuất phát từ Washington. Trong khi vị Ngoại trưởng kêu gọi Saudi Arabia xoa dịu cái mà ông gọi là  một "cuộc phong tỏa" vào ngày 9/6, thì Tổng thống Donald Trump lại rằng động thái của Riyadh là đúng.

"Thật không may, Nhà nước Qatar từng bị coi là một nhà tài trợ khủng bố ở mức rất cao. Chúng tôi yêu cầu các quốc gia khác trong khu vực cần phải làm nhiều hơn và nhanh hơn", ông Trump phát biểu tại Nhà Trắng.

Trong một diễn biến khác, lập trường của chính quyền Tổng thống Trump càng trở nên mờ nhạt hơn trong tuần này khi Bộ Quốc phòng thông báo rằng Qatar sẽ ký hợp đồng trị giá 12 tỷ USD để mua 36 máy bay F-15 từ Mỹ.

(theo AP, Bloomberg)