Mỹ-Philippines vừa qua đã có cuộc tập trận chung quy mô lớn ở Biển Đông. (Nguồn: Philstar) |
Duy trì trật tự dựa trên luật lệ
Tuần trước, Philippines gửi công hàm ngoại giao đến Trung Quốc để phản đối các hoạt động hàng hải của Bắc Kinh trong Vùng đặc quyền kinh tế 200 dặm (321 km) của Manila. Philippines cáo buộc Trung Quốc “đánh cá bất hợp pháp”, trong khi các tàu tuần duyên Trung Quốc quấy nhiễu các tàu của Philippines làm nhiệm vụ tiếp tế.
Đây là công hàm thứ 2 trong tuần, bổ sung vào hơn 300 khiếu nại phản đối các hoạt động trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông.
Việc phản đối trên nhấn mạnh những thách thức mà tân Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos sẽ phải đối mặt. Nhà lãnh đạo này sẽ phải có hành động cân bằng trong việc theo đuổi quan hệ kinh tế mạnh mẽ với Trung Quốc trong khi không nhân nhượng trước những gì mà họ coi là khiêu khích trái phép của Trung Quốc trên biển.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nói rằng Mỹ ủng hộ Philippines trong việc kêu gọi Trung Quốc “chấm dứt” các hành động khiêu khích ở Biển Đông và tôn trọng luật pháp quốc tế ở Biển Đông.
Mỹ, đối tác lớn nhất của Manila trong việc tái khẳng định phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016, cho biết sẽ tiếp tục ủng hộ phán quyết lịch sử về Biển Đông.
Ông Price tuyên bố: “Mỹ sát cánh với đồng minh của mình là Philippines trong việc duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và tự do hàng hải ở Biển Đông, được đảm bảo theo luật pháp quốc tế”.
Trong chuyến thăm Manila vừa qua, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman cho biết Philippines là quốc gia đi đầu trong đấu tranh duy trì tự do hàng hải ở Biển Đông.
Ông Sherman nói: “Mỹ vẫn cam kết sát cánh với chính phủ Philippines để duy trì các quy tắc và luật lệ, củng cố trật tự hàng hải quốc tế và chúng tôi đã lên tiếng phản đối các hành vi xâm phạm quyền chủ quyền của Philippines”.
Trước đó, nhằm thể hiện mối quan hệ quốc phòng mạnh mẽ giữa hai quốc gia trước sức ép khu vực của Trung Quốc, Mỹ và Philippines đã tổ chức cuộc tập trận Balikatan lớn chưa từng có kéo dài trong 12 ngày.
Cuộc tập trận bắt đầu từ ngày 28/3-8/4, với 3.800 lính Philippines và 5.100 lính Mỹ, bao gồm nhiều nội dung, trong đó có chủ đề an ninh hàng hải, huấn luyện bắn đạn thật, chống khủng bố, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa.
Các cuộc tập trận gần đây giữa các đồng minh lâu năm tập trung vào cuộc xung đột tiềm tàng ở Biển Đông, nơi Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền phi pháp đối với gần như toàn bộ vùng biển có vị trí chiến lược quan trọng này.
Trong một phán quyết mang tính bước ngoặt vào ngày 12/7/2016, Tòa Trọng tài Thường trực có trụ sở tại La Haye không tìm thấy cơ sở pháp lý nào để Trung Quốc yêu cầu các quyền lịch sử đối với “Đường 9 đoạn” ở Biển Đông. Trung Quốc đã phớt lờ phán quyết và tiếp tục củng cố lập trường của mình bằng cách xây đảo nhân tạo trái phép trên một số rạn san hô đang có tranh chấp và thiết lập vũ khí trên đó.
Ý đồ "thay đổi cuộc chơi"?
Ngày 17/6, Trung Quốc hạ thủy tàu sân bay lớn nhất và hiện đại nhất, đánh dấu một bước tiến quân sự lớn của siêu cường châu Á.
Chương trình phát triển tàu sân bay của Trung Quốc là một phần trong cuộc đại tu lớn của Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) để xây dựng một lực lượng "hoàn toàn hiện đại" để sánh ngang với quân đội Mỹ vào năm 2027.
Con tàu Type 003, mang tên Phúc Kiến, là tàu sân bay đầu tiên do Trung Quốc thiết kế và chế tạo. Giới phân tích quân sự cho rằng tàu Type 003 có kích thước lớn hơn 2 tàu sân bay trước đó của Trung Quốc là Liêu Ninh và Sơn Đông.
Theo trang Naval News, tàu Type 003 sẽ có độ choán nước tối đa khoảng hơn 85.000 tấn, tuy không lớn bằng tàu lớp Ford của Mỹ (100.000 tấn) nhưng sẽ lớn hơn nhiều so với tàu Liêu Ninh (67.500 tấn) và Sơn Đông (70.000 tấn).
Ông Collin Koh, một nhà nghiên cứu tại Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore, cho biết đây có thể là một "yếu tố thay đổi cuộc chơi" đối với hải quân Trung Quốc.
Ông nói với AFP: “Sàn đáp thông thường với (máy phóng điện từ) ít nhất về lý thuyết sẽ cho phép tàu sân bay phóng máy bay nhanh hơn và tải trọng nặng hơn - yếu tố quan trọng quyết định trong trận chiến. Ở cấp độ chiến lược, tàu sân bay mới cho thấy sự trưởng thành của Hải quân Trung Quốc".
Việc hạ thủy tàu sân bay diễn ra vào thời điểm căng thẳng địa chính trị gia tăng khi Washington tìm cách củng cố các liên minh quân sự ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Năm ngoái, Mỹ đã đạt được một thỏa thuận lịch sử với Anh để chia sẻ công nghệ tàu ngầm hạt nhân với Australia.
Trong khi đó, Trung Quốc đã đạt được một thỏa thuận an ninh chưa từng có với Quần đảo Solomon hồi đầu năm nay, điều này làm dấy lên lo ngại về một căn cứ quân sự của Trung Quốc ở Thái Bình Dương.
Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã triển khai các khí tài hải quân như một sự phô trương sức mạnh ở eo biển Đài Loan. Trung Quốc cũng đã sử dụng máy bay chiến đấu để đẩy lùi các cuộc tuần tra tự do hàng hải của Mỹ và các đồng minh.
| Mỹ, Nhật Bản, Australia kêu gọi Trung Quốc 'tự kiềm chế' Trong khuôn khổ Đối thoại Shangri-La 2022, Mỹ, Nhật Bản và Australia một lần nữa khẳng định các hành động của Trung Quốc ở Biển ... |
| Australia: Máy bay Trung Quốc có 'thao tác nguy hiểm' ở Biển Đông Bộ Quốc phòng Australia ngày 5/6 cho biết, một máy bay giám sát của Không quân Hoàng gia Australia (RAAF) đã bị máy bay chiến ... |