Lần này là phản ứng bất lợi đồng loạt không chỉ từ đối tác, mà còn từ đồng minh như Anh, Pháp, Đức, sự quan ngại từ Tổng thư ký LHQ, EU... đến những chỉ trích nặng nề từ Nga, và cả từ cựu Tổng thống Mỹ Obama.
Lý do riêng của ông Trump
Lý do “quen thuộc” là ngay từ thời tranh cử, ông Trump đã cho rằng, JCPOA vô tác dụng và chỉ làm lợi cho Iran… Tuy nhiên, theo BBC, vẫn còn lý do cá nhân nữa, đó là quan hệ gắn kết với Israel và mong muốn xóa bỏ những thành tựu của chính quyền Obama.
Bên cạnh đó, ông Trump từng tỏ ra giận dữ “vì thoả thuận hạt nhân với Iran mà chúng ta phải trả lại cho họ 150 tỷ USD và không được nhận lại bất cứ thứ gì”, mặc dù đó là số tiền của Iran bị đóng băng ở Mỹ trong thời kỳ cấm vận.
Giá dầu cũng là một yếu tố quan trọng trong quyết định của ông Trump. Giới chuyên gia nhận định, nếu các hạn chế thương mại được áp đặt ở mức khoảng 500 nghìn thùng/ngày, thì giá dầu có thể lên tới 80 USD/thùng. Giá dầu tăng tất nhiên sẽ có lợi cho ông Trump, vì mang đến nhiều lợi nhuận hơn cho nước Mỹ. Tuy nhiên, nó cũng mang lại lợi ích cho cả nước Nga.
Mỹ sẽ phục hồi tất cả các lệnh trừng phạt Iran đã tạm ngưng cách đây 3 năm. (Nguồn: AP) |
Với việc phủ quyết hiệp định này, Mỹ sẽ phục hồi tất cả các lệnh trừng phạt đã tạm ngưng cách đây 3 năm, dự báo sẽ làm tổn hại cho mọi công ty nước ngoài kinh doanh tại Iran. Bởi vậy, Công ty nào muốn tránh hậu quả, thì phải rút khỏi Iran trong vòng từ 3 đến 6 tháng, trước khi lệnh cấm vận có hiệu lực kể từ ngày 4/11. Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt này, trước hết tác động đến các hãng dầu lửa và năng lượng, các nhà cung cấp kim loại, ô tô, máy bay… và các ngân hàng của Iran.
Nhưng khi ông Trump coi JCPOA là “Thỏa thuận tồi tệ nhất trong lịch sử”, thì các đối tác còn lại gồm Anh, Pháp, Đức, Nga và Trung Quốc lại đánh giá đây là một thành công lớn. Bởi thế, nên không ít người đặt câu hỏi: chẳng lẽ Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) chiếm hơn một nửa thế giới lại không thể đối phó được với sức ép của Mỹ?. Ngoài ra, bạn hàng lớn của Iran còn là Ấn Độ, Italy, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ…
Người ta hi vọng đến kịch bản, Thỏa thuận hạt nhân vẫn được tiếp tục… nhưng không có sự tham gia của Mỹ, như khi Mỹ từng rút khỏi COP 21,TPP, UNESCO… Nghĩa là JCPOA chưa “chết” hẳn.
Khi JCPOA chưa “chết” hẳn
Cuộc chiến thương mại của Mỹ đang nhằm vào châu Âu, Trung Quốc và việc Mỹ tiếp tục cấm vận Nga có thể đã làm cho các nước này có lập trường chung nhằm giữ thỏa thuận hạt nhân với Iran. Thế nhưng, việc duy trì JCPOA không dễ dàng, vẫn không thể loại trừ khả năng thỏa thuận đổ vỡ, bởi đối với Iran, Mỹ là một bên ký kết chính.
Washington hiện đang nắm giữ 90% các biện pháp trừng phạt Iran, phần lớn là các giao dịch tài chính, ngân hàng được thực hiện bằng USD. Như vậy, các nước châu Âu sẽ phải thỏa thuận được với Mỹ về việc miễn trừ các công ty châu Âu đang làm ăn với Iran khỏi các biện pháp trừng phạt, hoặc sẵn sàng hy sinh các lợi ích của họ trong quan hệ với Mỹ. Nhưng châu Âu có lẽ không dễ dàng hy sinh lợi ích trong giao dịch kinh tế, thương mại lên tới hơn 1 nghìn tỷ Euro với Mỹ, để đổi lấy vài chục tỷ Euro tổng kim ngạch thương mại với Iran hiện nay.
Jacques Hogard – người đang điều hành một công ty tư vấn quốc tế, cho rằng các công ty châu Âu có lợi ích liên quan tới Mỹ “khó có thể thoát khỏi lệnh trừng phạt”. Trong vòng ba năm trở lại đây, thương mại của EU với Iran đã tăng gấp 3 lần, từ mức 7,7 tỷ Euro năm 2015, lên mức 21 tỷ Euro vào năm 2017. Tờ Les Echos từng viết, các công ty châu Âu và đặc biệt là Pháp đã ùa vào Iran sau hiệp định được ký năm 2015, nhanh hơn rất nhiều so với các doanh nghiệp Mỹ.
Do đó, các công ty Pháp có thể sẽ bị thiệt hại lớn, nhất là Airbus. Hợp đồng trị giá 10 tỉ Euro của tập đoàn chế tạo máy bay này có thể sẽ bị vô hiệu. Tập đoàn dầu khí Total, từ sau 2015 đã đổ hơn 3 tỉ Euro đầu tư vào Iran. Hai nhà chế tạo xe hơi Pháp là Peugeot và Renault mỗi năm bán ra thị trường này hàng trăm nghìn xe... Thặng dư thương mại của Pháp với Iran đã tăng từ 500 triệu Euro năm 2015 lên 1,5 tỉ Euro năm 2017.
Không chỉ châu Âu, không ít doanh nghiệp Mỹ cũng bắt đầu lo lắng, chẳng hạn như Hãng sản xuất máy bay Boeing đã có những hợp đồng tại Iran với tổng trị giá khoảng 20 tỷ USD.
Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn là nhà đầu tư lớn nhất ở Iran vào thời điểm này. Theo người đứng đầu tổ chức nghiên cứu European House Ambrosetti - Valerio de Molli, tỷ trọng mà Trung Quốc nắm giữ trong kim ngạch thương mại của Iran hiện cao gấp đôi so với EU. Mặc dù bất đồng với Mỹ trong nhiều vấn đề, ủng hộ Iran nhưng Trung Quốc chắc cũng khó có thể từ bỏ các lợi ích kinh tế trong quan hệ với Mỹ.
Song, Trung Quốc, với chiến lược linh hoạt của mình, họ vẫn ít bị thiệt hại nhất trong trường hợp JCPOA tan rã. Khi các nước giảm nhập dầu lửa từ Iran, có thể Trung Quốc lại nhập nhiều hơn với giá rẻ hơn do phương thức thanh toán bằng nội tệ, hoặc hàng đổi hàng và họ cũng có nhiều cách để tạo ra những công ty chỉ làm ăn với Iran nhằm giảm thiểu sự trừng phạt của Mỹ.
Ở bước đường cùng, Iran sẽ không còn sự lựa chọn nào khác, hoặc là cũng sẽ rút khỏi Thỏa thuận, khởi động lại các hoạt động làm giàu Uranium và không loại trừ khả năng sẽ rút khỏi Hiệp ước Cấm phổ biến Vũ khí hạt nhân (NPT). Israel và Saudi Arabia đã hoan nghênh quyết định của ông Trump, nhưng họ chính là những nước sẽ phải chịu hậu quả. Bởi nếu JCPOA đổ bể, Iran trở lại làm giàu Uranium và nếu chiến tranh xảy ra, chính hai nước này sẽ phải gánh chịu hậu quả.
Quyết định của ông Trump rút Mỹ khỏi JCPOA gây hệ lụy lớn đến kinh tế thế giới, gây mất niềm tin của các đối tác về một chính quyền dễ dàng xóa bỏ các cam kết của các chính quyền trước đó và chắc chắn chỉ làm cho Trung Đông lún sâu vào khủng hoảng.