📞

Mỹ sẽ dỡ bỏ thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc

06:36 | 04/05/2019
Ngày 3/5, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cho biết, việc dỡ bỏ các biện pháp thuế quan cứng rắn của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc sẽ là một phần của mọi thỏa thuận thương mại mới giữa hai nước.

Trả lời phỏng vấn đài CNBC, Phó Tổng thống Pence nêu rõ, Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn đặt hy vọng vào các vòng đàm phán thương mại hiện nay, mà giới chức cả hai nước đã nhiều lần khẳng định đang tiến gần tới một kết quả.

Ông Pence cho hay việc dỡ bỏ thuế quan sẽ là một phần của cơ chế thực thi và đây cũng là nội dung đàm phán giữa hai bên. Dự kiến giới chức Mỹ và Trung Quốc sẽ nối lại đàm phán tại Washington vào ngày 8/5 tới.

Cùng ngày, Cố vấn kinh tế hàng đầu của Nhà Trắng Larry Kudlow khẳng định, Mỹ không thay đổi lập trường trong các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc.

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence. (Nguồn: CNBC)

Trước đó, ngày 1/5, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết, ông và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer đã có "các cuộc đàm phán hiệu quả" với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tại Bắc Kinh. Tuy nhiên, các quan chức đàm phán Mỹ và Trung Quốc không đưa ra tuyên bố nào với báo giới về kết quả cuộc đàm phán lần thứ 10 kéo dài nhiều giờ đồng hồ. Đây là vòng đàm phán thương mại mới nhất nhằm chấm dứt cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới.

Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc bùng phát từ giữa năm 2018, hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đã liên tiếp trả đũa nhau bằng các mức thuế mới. Đến nay, tổng giá trị hàng hóa bị đánh thuế cao hơn của hai bên đã lên tới hơn 360 tỷ USD.

Sau khi liên tục áp đặt các biện pháp thuế quan "ăn miếng trả miếng", gây ra những tổn thất hàng tỷ USD cho cả hai bên, làm gián đoạn chuỗi cung ứng hàng hóa và tác động tiêu cực tới thị trường tài chính, giới chức Mỹ và Trung Quốc đã ngồi vào bàn đàm phán để tìm kiếm thỏa thuận giúp chấm dứt cuộc chiến thương mại.

Cả Bắc Kinh và Washington đều cho biết đã đạt tiến triển trong đàm phán về các vấn đề như sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ bắt buộc. Tuy nhiên, Washington khẳng định các vấn đề chính mà hai bên cần thống nhất là một cơ chế thực thi thỏa thuận và lộ trình dỡ bỏ các biện pháp thuế quan mà hai bên đã áp đặt nhằm vào nhau.

Trong khi đó, giới chức Bắc Kinh khẳng định, dù họ đánh giá cơ chế thực thi thỏa thuận là quan trọng, nhưng phải đảm bảo cơ chế này có tác động hai chiều, không thể chỉ nhằm hạn chế Trung Quốc.

(theo AFP)