📞

Mỹ tăng tốc ngoại giao vaccine

Thu Trang 19:45 | 19/06/2021
Cạnh tranh Mỹ-Trung dường như đang nóng lên trên một mặt trận khác: Ngoại giao vaccine ngừa Covid-19.
Cạnh tranh Mỹ - Trung dường như đang nóng lên trên một mặt trận khác: Ngoại giao vaccine ngừa Covid-19. (Nguồn: FT)

Nếu nửa đầu năm 2021 được coi là “thời điểm vàng” để Trung Quốc thực hiện chính sách ngoại giao vaccine, thì nửa sau năm 2021 có thể chứng kiến một sự thay đổi ngoạn mục trong cuộc đua này.

Sau khi đã kiểm soát được đại dịch, Trung Quốc đã nhanh chóng nghiên cứu, sản xuất, và trở thành nhà cung cấp vaccine ngừa Covid-19 cho phần lớn các nước đang phát triển.

Trong “thời điểm vàng”, Trung Quốc gần như là “người chơi chính duy nhất” gửi vaccine Covid-19 đến các nước khác, đặc biệt khi Ấn Độ tạm dừng xuất khẩu vaccine để ưu tiên cho nhu cầu trong nước và nguồn cung vaccine của Nga ở nước ngoài vẫn rất hạn chế.

Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, tính đến nay, nước này đã cung cấp hơn 350 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 cho cộng đồng quốc tế, trong đó 100 triệu liều đã được chuyển đến khu vực Đông Nam Á.

Tái xuất mạnh mẽ

Cho đến nay, Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng đại dịch Covid-19 nặng nề nhất trên thế giới. Theo trang thống kê Worldometers, tính đến ngày 16/6, Mỹ ghi nhận hơn 34,35 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có 615.717 trường hợp tử vong và xấp xỉ 28,4 triệu bệnh nhân bình phục. Khi tình hình dịch Covid-19 tại Mỹ tiến triển tích cực nhờ kế hoạch tiêm chủng vaccine được triển khai nhanh, Mỹ bắt tay vào kế hoạch “tái xuất” vai trò toàn cầu.

Ngày 3/6, Mỹ công bố chi tiết về kế hoạch chia sẻ 25 triệu liều đầu tiên trong gói chia sẻ 80 triệu liều vaccine phòng Covid-19 cho các quốc gia trên thế giới.

Ngày 10/6, trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), Mỹ tuyên bố “chơi lớn” tặng 500 triệu liều vaccine Pfizer-BioNTech cho 92 quốc gia có mức thu nhập từ nghèo đến trung bình thấp.

Qua việc cung cấp hàng trăm triệu liều vaccine cho thế giới được gọi là “một phần quan trọng trong chiến lược toàn cầu tổng thể của Mỹ để dẫn đầu thế giới trong cuộc chiến đánh bại Covid-19”, dường như Tổng thống Mỹ Joe Biden đang ấp ủ một khát vọng to lớn hơn thế.

Trong một tuyên bố, ông Biden nhấn mạnh: “Nước Mỹ sẽ bước lên khi mọi người cần chúng ta. Trách nhiệm của người Mỹ chúng ta là phải giúp đỡ được càng nhiều người càng tốt không chết vì đại dịch này”.

Những động thái mới nhất từ Mỹ dường như báo hiệu “thời điểm vàng” của Trung Quốc đã khép lại. Tiến sĩ Yanzhong Huang, thành viên cao cấp về sức khỏe toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ở New York (Mỹ), đánh giá: “Trung Quốc sẽ phải đối mặt với một đối thủ cạnh tranh đáng gờm hơn”.

Theo ông Huang, một mục tiêu quan trọng trong chính sách đối ngoại của chính quyền ông Biden là giành lại vị trí lãnh đạo toàn cầu của Mỹ, và chiến lược ngoại giao vaccine đang giúp Washington đến gần hơn với mục tiêu này.

Ông Jeremy Youde, Trưởng khoa nghệ thuật tự do tại Đại học Minnesota Duluth (Mỹ), đánh giá: “Kể từ khi nhậm chức, chính quyền ông Biden đã muốn Mỹ trở lại và có vai trò tích cực hơn với sức khỏe toàn cầu, và những động thái mới đây là một phần của chiến lược đó”.

Nhìn ở một góc độ khác, cạnh tranh ngoại giao vaccine sẽ đem lại nhiều lợi ích cho các quốc gia trên thế giới, bởi bất kỳ sự gia tăng nguồn cung vaccine nào cũng có khả năng cứu sống thêm nhiều người.

Lợi thế của Mỹ

Đối với Trung Quốc, những cam kết về vaccine đã giúp nước này thể hiện mình với các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình trong thời điểm họ cần.

Đối với Mỹ, chính sách ngoại giao vaccine được xem là cơ hội để xóa bỏ những hoài nghi về vai trò toàn cầu của cường quốc hàng đầu thế giới, đồng thời cách thức triển khai ngoại giao vaccine của Washington đang dần làm lu mờ đối thủ.

Tuần trước, ông Biden tuyên bố: “Việc viện trợ vaccine của chúng tôi không bao gồm áp lực đòi hỏi sự ủng hộ hay nhượng bộ. Chúng tôi đang làm điều này để cứu sống người dân và chấm dứt đại dịch này”.

Trước đó, trong một cuộc phỏng vấn, Ngoại trưởng Antony Blinken đã lên tiếng chỉ trích chính sách vaccine của Trung Quốc và gọi đây là “sợi dây ràng buộc”.

“Nhiều quốc gia, trong đó có Trung Quốc, đã tham gia vào cái gọi là ngoại giao vaccine. Chúng ta không nên để việc phân phối hay tiếp cận vaccine có liên quan tới vấn đề chính trị hay địa chính trị”.

Nhìn ở một góc độ khác, cạnh tranh ngoại giao vaccine sẽ đem lại nhiều lợi ích cho các quốc gia trên thế giới, bởi bất kỳ sự gia tăng nguồn cung vaccine nào cũng có khả năng cứu sống thêm nhiều người.

Các nhà phân tích đã chỉ ra những ưu, nhược điểm của các loại vaccine Mỹ so với vaccine Trung Quốc.

Về bảo quản và vận chuyển, vaccine Sinovac của Trung Quốc có lợi thế hơn khi có thể được bảo quản ở nhiệt độ tủ lạnh bình thường. Nhờ vậy, vaccine của Trung Quốc dễ tiếp cận hơn với các nước đang phát triển, trong khi vaccine Pfizer-BioNTech và Moderna của Mỹ lại yêu cầu bảo quản hoặc vận chuyển ở độ lạnh cực sâu.

Về mặt hiệu quả, vaccine công nghệ mRNA của Pfizer lại tỏ ra vượt trội hơn. Các thử nghiệm lâm sàng cho thấy vaccine của Pfizer có tỷ lệ hiệu lực là 95% và vaccine Moderna là 94% trong việc ngăn ngừa Covid-19. Trong khi đó, vaccine Trung Quốc đối mặt với nhiều hoài nghi do thiếu minh bạch trong chia sẻ dữ liệu thử nghiệm lâm sàng.

Trên thị trường, vaccine Mỹ cũng có vẻ thu hút sự quan tâm của mọi người hơn. Bằng chứng là tháng trước, nhiều người Philippines đã xếp hàng từ 2h sáng bên ngoài một điểm tiêm chủng ở thủ đô Manila, để chờ tiêm Pfizer-BioNTech, bất chấp sự sẵn có của vaccine Sinovac và AstraZeneca ở nhiều điểm tiêm chủng khác.

Bàn về vấn đề này, Tiến sĩ Huang nhận định rằng tỷ lệ hiệu quả của vaccine đang trở thành mối quan tâm chính đối với các quốc gia có ý định đạt được miễn dịch cộng đồng. Cũng bởi vậy mà các quốc gia trên thế giới ngày càng coi trọng loại vaccine công nghệ mRNA hiệu quả cao.

“Mỹ sẽ trở thành người thay đổi cuộc chơi này”, Tiến sĩ Huang kết luận.

(theo The Straits Times)