Tổng thống Mỹ Joe Biden tham dự Hội nghị trực tuyến của nhóm G7. (Nguồn: AP) |
Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đã một lần nữa khẳng định chủ ý đưa "Nước Mỹ trở lại" với thế giới bằng việc tham dự Hội nghị trực tuyến của nhóm G7 và để cho sự kiện thành công.
Chỉ riêng điều này thôi chứ chưa cần đến những quả quyết và cam kết của ông Biden với G7 đã đủ để nhóm này được hồi sinh sau bốn năm bị người tiền nhiệm của ông Biden coi thường, bất chấp và chơi trò mèo vờn chuột.
Những nội dung trong bản tuyên bố chung nói trên cho thấy các thành viên của nhóm không thể vội vàng hơn được nữa với việc khôi phục thời thân ái thủa nào của nhóm sau khi có sự thay đổi chính quyền ở Mỹ.
Nhóm này muốn nhanh chóng khôi phục danh tiếng cùng ảnh hưởng chính trị và kinh tế trên thế giới mà các thành viên cho rằng nhóm đã gây dựng được. Vẫn với cách tiếp cận cũ và với cách thức xác định định hướng chiến lược như trước.
G7 vẫn nuôi tham vọng trở thành và được công nhận như một kiểu "chính phủ của thế giới" trong khi trên thế giới đã có khuôn khổ thể chế khác có năng lực thực tế hơn nhiều để đảm trách vai trò này nếu như được các nước trên thế giới tin cậy giao phó hoặc thấy cần hay nên giao phó.
Lời nói không đi đôi với hành động và đánh trống bỏ dùi là căn bệnh trầm kha bẩm sinh của khuôn khổ diễn đàn G7. Người tiền nhiệm của ông Biden coi thường và bất chấp G7 vì cho rằng nhóm này nói nhiều làm ít và không làm lợi cho Mỹ.
Ông Biden tỏ ra coi trọng G7 vì muốn dùng việc này để chứng tỏ khác biệt với người tiền nhiệm và để chứng minh là nghĩ thật làm thật với chủ trương đưa "Nước Mỹ trở lại".
Còn các thành viên khác dùng sự hồi sinh của G7 để lôi kéo và ràng buộc ông Biden vào không cùng hội thì cũng cùng thuyền với G7. Họ muốn duy trì G7 vì khuôn khổ diễn đàn này dẫu có hữu danh vô thực thì vẫn hơn không có rất đáng kể đối với họ.