Hiệp ước về Bầu trời mở được nhìn nhận là một trong những trụ cột của tiến trình kiểm soát vũ trang, giải trừ quân bị, giải trừ vũ khí hạt nhân và gây dựng lòng tin giữa các bên trên thế giới. (Nguồn: UN) |
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lập tiếng nổi danh là người dễ dàng nhanh chóng thay đổi quan điểm, nhưng chứng tỏ rất kiên định chủ ý ở việc rút nước Mỹ ra khỏi những thoả thuận đa phương quốc tế mà nước Mỹ đã ký kết. Mới đây nhất là việc nước Mỹ rút khỏi Hiệp ước về Bầu trời mở.
Hiệp ước này được ký kết năm 1992 sau 2 lần được chính phía Mỹ đề xướng và có hiệu lực từ năm 2002. Cùng với những thoả thuận song phương khác giữa Mỹ với Liên Xô trước đây và với Nga sau này, Hiệp ước về Bầu trời mở được nhìn nhận là một trong những trụ cột của tiến trình kiểm soát vũ trang, giải trừ quân bị, giải trừ vũ khí hạt nhân và gây dựng lòng tin giữa các bên trên thế giới. Khởi đầu từ Tổng thống Georges W. Bush và tiếp tục bởi ông Trump, nước Mỹ cứ dần đơn phương ra khỏi các thoả thuận đã ký kết với các đối tác về kiểm soát vũ trang, giải trừ quân bị và giải trừ vũ khí hạt nhân. Triển vọng của tiến trình này thật vô cùng ảm đạm sau quyết sách mới nói trên của ông Trump và trước khả năng là Hiệp ước New START sang năm sẽ không được Mỹ và Nga gia hạn hiệu lực.
Thật ra, cả Mỹ và Nga hiện tại đều không còn lệ thuộc vào kết quả các chuyến bay trinh sát trong khuôn khổ Hiệp ước kia vì đều đã có mạng lưới vệ tinh hiện đại. Nhưng nó vẫn rất quan trọng ở chỗ là biểu tượng cho lòng tin lẫn nhau mà không gây dựng, củng cố và tăng cường lòng tin lẫn nhau thì không thể có được hiệu ứng thực chất trong quá trình kiểm soát vũ trang, giải trừ quân bị và giải trừ vũ khí hạt nhân.
Ông Trump xoá kết quả cũ để rũ bỏ mọi ràng buộc cho nước Mỹ hoặc chơi cuộc chơi mới theo luật chơi do Mỹ định mà Trung Quốc cũng phải tham gia. Vì cả Nga lẫn Trung Quốc đều sẽ không chịu nên bầu trời đóng lại rồi thì sẽ rất khó, nếu như không muốn nói là không thể, được mở lại.