Hãng tin Reuters (Anh) công bố thông tin trên, trích dẫn một văn bản của Bộ Ngoại giao Mỹ đề ngày 6/12 gửi tới Đại sứ quán Mỹ tại Tel Aviv để chuyển lời tới giới chức Israel. Theo đó, Mỹ muốn Israel "kiềm chế trong các phản ứng chính thức" dù Mỹ hiểu rằng nước này sẽ hoan nghênh thông tin quyết định của Tổng thống Donald Trump.
Theo văn bản trên, Washington tin rằng sẽ có những phản ứng tiêu cực tại Trung Đông cũng như nhiều nơi trên thế giới đối với quyết sách mới nhất của Nhà Trắng. Do đó, chính quyền Mỹ muốn đánh giá và xem xét tình hình nếu quyết định này tiềm ẩn nguy hiểm đối với các cơ sở và công dân Mỹ ở nước ngoài.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng ngày 6/12. (Nguồn: AFP) |
Văn bản này cũng được gửi tới Lãnh sự quán Mỹ ở Jerusalem, các đại sứ quán Mỹ tại Anh, Pháp, Đức và Italy cũng như phái bộ của Mỹ tại Liên minh châu Âu (EU) ở Brussels (Bỉ).
Trong thông điệp gửi tới cơ quan ngoại giao tại châu Âu, Mỹ đề nghị giới chức châu Âu giúp làm rõ rằng quyết định của Tổng thống Trump không tự quyết định cái gọi là "quy chế cuối cùng" của Jerusalem mà Israel và Palestine cần đạt được đồng thuận với nhau trong thỏa thuận hòa bình cuối cùng.
Văn bản kêu gọi sự hợp tác từ châu Âu để tác động tới phản ứng quốc tế, nêu rõ chính quyền Mỹ hiện nay là một chính quyền "chưa từng có" với những quyết sách táo bạo, song khẳng định các nỗ lực hòa bình cần tới những hành động táo bạo nếu muốn có cơ hội thành công.
Reuters cũng đề cập đến một văn bản khác của Bộ Ngoại giao Mỹ, đề ngày 6/12, cho biết bộ trên đã thành lập một nhóm đặc nhiệm "để theo dõi những diễn biến toàn cầu" sau tuyên bố về Jerusalem của Tổng thống Trump.
Một quan chức Mỹ giấu tên cho biết việc thành lập nhóm đặc nhiệm là thông thường "mỗi khi có quan ngại về sự an toàn và an ninh của nhân viên Chính phủ hay công dân Mỹ".
Trước đó, Tổng thống Trump đã tuyên bố chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và sẽ chuyển Đại sứ quán Mỹ về thành phố này một khi công tác chuẩn bị hoàn tất. Quyết định này ngay lập tức đã vấp phải phản đối từ nhiều nước, cảnh báo nguy cơ gây bất ổn khu vực và cản trở giải pháp “hai nhà nước” giữa Israel và Palestine.
Quy chế của Jerusalem, nơi đặt các điểm tôn giáo linh thiêng đối với cả Hồi giáo, Do Thái giáo và Cơ đốc giáo, là vấn đề hết sức nhạy cảm và là trung tâm của cuộc xung đột Israel - Palestine. Israel coi cả thành phố này là thủ đô không thể chia cắt của mình, trong khi người Palestine muốn khu vực Đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước tương lai của họ.