📞

Myanmar có thể bị Tổng thống đắc cử Trump “bỏ rơi”

16:06 | 24/11/2016
Những hứa hẹn đối với Myanmar của Tổng thống Obama không còn chắc chắn và không loại trừ khả năng chính quyền của ông Trump sẽ gạt bỏ tất cả.

Theo AsiaOne ngày 24/11, dưới thời Chính quyền Tổng thống Obama, Mỹ được coi là “hiệp sỹ trắng” đối với Myanmar khi đã giúp Naypyitaw hội nhập về chính trị và kinh tế, đồng thời duy trì những cam kết đối với chính quyền của Tổng thống Thein Sein từ năm 2011. Việc Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế với Myanmar cũng đã tạo điều kiện để quốc gia kém phát triển ở châu Á này tìm kiếm các cơ hội thương mại toàn cầu sau nhiều thập kỷ bị cô lập.

Chuyến thăm của Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi tới Mỹ vào tháng Chín vừa qua đã đưa quan hệ song phương lên một tầm cao mới khi hai bên thiết lập Quan hệ Đối tác Mỹ - Myanmar. Chuyến thăm cũng là cơ hội để Mỹ bày tỏ sự ủng hộ hợp tác giao lưu nhân dân, tăng cường hợp tác kinh tế, đàm phán để hướng tới một thỏa thuận mở cửa bầu trời và bắt đầu k đhoản cho vay mới đối với Myanmar.

Chuyến thăm của bà Aung San Suu Kyi tới Mỹ vào tháng Chín vừa qua đã đưa quan hệ song phương lên một tầm cao mới khi hai bên thiết lập Quan hệ Đối tác Mỹ - Myanmar. (Nguồn: AP)

Những hứa hẹn trên hiện tại không còn chắc chắn và không loại trừ khả năng chính quyền của Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ gạt bỏ tất cả. Ông Trump có phương châm “nước Mỹ là trên hết”, vì vậy, có thể Mỹ sẽ giảm vai trò của mình ở nước ngoài. Điều này có thể khiến Trung Quốc – quốc gia đối trọng với Mỹ tại khu vực đẩy mạnh quan hệ với Myanmar.

Xu hướng bảo hộ của ông Trump khiến chính sách khôi phục lại các Hệ thống ưu đãi phổ cập (GSP) cho Myanmar của chính quyền ông Obama khó có thể được hiện thực hóa. Các doanh nghiệp Mynamar đã từng tận dụng lợi thế của GSP để tăng cường xuất khẩu sang Mỹ cũng như mở rộng thương mại song phương. Hiện nay, thương mại song phương dao động ở ngưỡng 200 triệu USD, thấp hơn nhiều so với thương mại Myanmar - Trung Quốc, ở mức 1 tỷ USD. Với tình hình hiện tại, có thể Myanmar vẫn sẽ phải tiếp tục dựa dẫm vào thị trường Trung Quốc, dẫn đến lệ thuộc Bắc Kinh trên nhiều lĩnh vực.

Tuy vậy, có một điểm sáng hứa hẹn trong quan hệ song phương khi ông Trump đắc cử Tổng thống là việc ông Trump cam kết kiềm chế sự lây lan của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Chính quyền của Tổng thống Obama đã lưu ý tới vấn đề khủng bố ở bang Rakhine, miền Bắc Myanmar song lại ít quan tâm tới sự truyền bá chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan trong cộng đồng người Bengali và Rohingya. Có thể chính quyền của ông Trump sẽ tăng cường các hoạt động chống khủng bố với Myanmar.

(theo AsiaOne)