Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) cầm quyền của Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi giành được đủ số ghế trong Quốc hội để thành lập chính phủ tiếp theo. (Nguồn: EPA) |
Tờ Business Times (Singapore) cuối tuần qua đã đăng bài bình luận của Phó Giáo sư Simon Tay - Chủ tịch Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế Singapore (SIIA) - và nhà nghiên cứu Sarah Loh về cuộc bầu cử vừa qua ở Myanmar.
Ủy ban bầu cử liên bang Myanmar ngày 13/11 đã công bố kết quả chính thức của cuộc tổng tuyển cử tại nước này, theo đó đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) cầm quyền của nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi đã giành được đủ số ghế trong Quốc hội để thành lập chính phủ tiếp theo.
Điều này sẽ đánh dấu chiến thắng vang dội thứ hai của họ trong quá trình hoạt động tại quốc gia này. Trong số các đảng phái còn lại, cả đảng Đoàn kết và Phát triển Liên bang (USDP) do quân đội hậu thuẫn và 90 đảng khác tham gia tranh cử đã không đạt được kết quả tốt trong cuộc bầu cử lần này.
Sau hơn 50 năm lực lượng quân đội nắm quyền quản lý đất nước, NLD dường như là sự lựa chọn rõ ràng và tiếp nối của nhiều người dân tại Myanmar.
Mặc dù giành được chiến thắng quan trọng trong cuộc bầu cử song vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra đối với NLD. Các chính sách của đảng này thời gian tới sẽ có ý nghĩa rất quan trọng đối với nền dân chủ, sự tăng trưởng kinh tế và đối với các cơ hội kinh doanh.
Sự ủng hộ rõ ràng
Một số người nghi ngờ và đặt câu hỏi về tính hợp pháp của cuộc bầu cử. Việc bỏ phiếu đã bị hủy bỏ ở nhiều khu vực của bang Shan. Hơn nữa, cuộc bầu cử vẫn được tiến hành bất chấp dịch Covid-19 ngày càng diễn biến tồi tệ và các biện pháp đối phó với đại dịch đã hạn chế một số chiến dịch tranh cử.
Tuy nhiên, hầu hết mọi người sẽ chấp nhận kết quả hiện tại. Hơn nữa, kết quả của cuộc bầu cử (mặc dù chưa chính thức) cho thấy rõ người dân Myanmar không chỉ từ chối các đảng phái được quân đội hậu thuẫn mà còn tái khẳng định sự yêu mến đối với bà Aung San Suu Kyi.
Sự ủng hộ mạnh mẽ đó được cho là đã bao gồm khoảng 5 triệu cử tri trẻ tuổi, lần đầu tiên bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử này.
Tuy nhận được sự ủng hộ rõ ràng của người dân, NLD vẫn phải đối mặt với nhiều vấn đề khó giải quyết.
Các mối quan hệ không suôn sẻ
NLD phải chứng tỏ được năng lực điều hành đất nước. Sự chuyển đổi của NLD từ một phe đối lập “anh hùng” sang việc điều hành chính phủ đã gặp khó khăn trong nhiệm kỳ đầu tiên.
Điều này một phần là do quyền lực của chính phủ đang bị chia sẻ theo Hiến pháp, trong đó lực lượng quân đội được đảm bảo có đến 25% trong tổng số ghế nghị sỹ Quốc hội, và kiểm soát 3 bộ chủ chốt là Bộ Quốc phòng, Bộ Biên giới và Bộ Nội vụ.
Những ưu tiên hàng đầu của NLD vẫn phải phụ thuộc vào sự hỗ trợ của lực lượng quân đội, bao gồm việc sửa đổi Hiến pháp và duy trì hòa bình với các cộng đồng người dân tộc thiểu số.
Bước vào nhiệm kỳ hai, chính phủ của NLD phải tìm ra được phương thức và cách thức hợp tác với quân đội, nếu không sẽ đạt được rất ít tiến triển.
Chính phủ mới cũng phải đối phó với sự đa dạng của xã hội Myanmar, trong đó nhiều dân tộc thiểu số cho rằng NLD bị thống trị bởi người dân tộc Bamar chiếm đa số. Nhiều nhóm dân tộc thiểu số được trang bị vũ khí và trên thực tế có quyền kiểm soát các khu vực của đất nước, đã có những cuộc giao tranh liên miên trong nhiều thập kỷ.
Trong 5 năm qua, các dân tộc thiểu số ngày càng mất niềm tin vào NLD, và các nỗ lực hòa bình không có nhiều tiến triển. Điều này dẫn đến cuộc bầu cử năm 2020 bị phân tán hơn, với một số đảng có nền tảng là sắc tộc thiểu số mới được dự kiến sẽ mở rộng/phát triển ở cấp bang.
Tuy nhiên, Hiến pháp cho phép chính phủ bổ nhiệm các thủ hiến mỗi bang, và điều này có thể dẫn đến các mối quan hệ không suôn sẻ.
Vấn đề kinh tế và các cuộc khủng hoảng
Tăng trưởng kinh tế là một ưu tiên khác. Trong 2 năm qua, chính phủ NLD đã nỗ lực cải cách, giảm bớt các thủ tục hành chính rườm rà và đưa ra các quy định rõ ràng hơn.
Kế hoạch Tổng thể Phát triển Bền vững của Myanmar đã được đưa ra, với các nguyên tắc phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và một ngân hàng dự án với chức năng làm rõ các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng cho các nhà đầu tư tiềm năng. Cũng có sự lạc quan về thị trường tiêu dùng và nền kinh tế kỹ thuật số phát triển nhanh của Myanmar.
Trong lộ trình tiến hành bầu cử, ban lãnh đạo NLD nhấn mạnh vào vấn đề tăng trưởng kinh tế và việc làm, tuy nhiên việc thực hiện những lời hứa đó sẽ phụ thuộc vào việc thu hút các nhà đầu tư quốc tế.
Điều này dẫn đến ưu tiên thứ ba: chính phủ của đảng NLD phải đối phó với 2 cuộc khủng hoảng một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Đầu tiên là đại dịch Covid-19. Myanmar có hệ thống chăm sóc sức khỏe không đầy đủ, và sẽ phải tìm kiếm sự hỗ trợ từ những chủ thể khác cho Kế hoạch Cứu trợ Kinh tế Covid-19 và Kế hoạch Cải cách và Phục hồi Kinh tế trung hạn.
Cuộc khủng hoảng thứ hai và vẫn đang tiếp diễn là ở bang Rakhine. Tình hình rất phức tạp và không thể dễ dàng giải quyết. Điều này tạo ra căng thẳng với cộng đồng quốc tế, và đặc biệt là với phương Tây.
Việc tìm ra được cách thức tốt hơn để quản lý, kiểm soát vấn đề này sẽ là cần thiết. Nhiều nhà đầu tư đang lo ngại và cảnh giác về khả năng căng thẳng leo thang dẫn đến các lệnh trừng phạt và các rủi ro về uy tín.
NLD phải có chính sách phù hợp để thu hút đầu tư từ phương Tây nếu không muốn chỉ phụ thuộc vào các đối tác ở châu Á và ASEAN, đặc biệt là Trung Quốc và Nhật Bản.
Cuộc bỏ phiếu năm 2020 một lần nữa cho thấy người dân ủng hộ và công nhận NLD, nhưng có lẽ vẫn còn nhiều việc phải làm để đảng này có thể cải thiện được tình hình.
| Bầu cử Myanmar: Đảng cầm quyền giành chiến thắng, Thủ tướng Singapore chúc mừng TGVN. Ngày 13/11, theo kết quả chính thức của cuộc tổng tuyển cử hôm 8/11, đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) cầm ... |
| Bầu cử Myanmar: Bà Aung San Suu Kyi trúng cử ghế Hạ viện, Nhật Bản gửi lời chúc mừng TGVN. Ngày 10/11, Ủy ban bầu cử liên bang Myanmar (UEC) thông báo, bà Aung San Suu Kyi, Chủ tịch đảng Liên đoàn Quốc gia ... |
| Bầu cử Myanmar: Liên minh cầm quyền tuyên bố giành đủ số ghế để thành lập chính phủ TGVN. Ngày 9/11, Liên minh Quốc gia vì dân chủ (NLD) cầm quyền tại Myanmar của bà Aung San Suu Kyi tuyên bố đảng này ... |