Đại sứ Trần Đức Bình tham gia chủ trì một cuộc họp tại Jakarta, Indonesia. (Nguồn: Phái đoàn Việt Nam tại ASEAN) |
Với tác động của đại dịch Covid-19, năm 2020 là năm chưa có tiền lệ đối với một Chủ tịch ASEAN. Xin Đại sứ cho biết những thuận lợi và khó khăn của Việt Nam khi đảm nhận vị trí Chủ tịch năm nay?
Thuận lợi căn bản của Việt Nam khi bắt đầu đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020 là nội lực và vị thế, uy tín quốc tế của đất nước ta. Những thành quả ASEAN đã đạt được cũng là nền tảng quan trọng và tạo đà cho những bước tiến vững chắc tiếp theo.
Tuy nhiên, chúng ta cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Đó là tình hình thế giới và khu vực chuyển biến nhanh chóng, phức tạp. Cạnh tranh giữa các nước lớn có tác động nhiều chiều đối với ASEAN. Bản thân ASEAN cũng bộc lộ những bất cập và hạn chế về cơ chế hợp tác.
Đại dịch Covid-19 đặt ra nhiều thách thức và thực tế đã làm đảo lộn một số kế hoạch và hoạt động đã được xác định trước đó. Hợp tác ASEAN có thể bị gián đoạn do nguồn lực được chuyển cho ưu tiên chống dịch. Đại dịch Covid-19 đã không cho phép tổ chức các cuộc họp trực tiếp, trong khi mỗi năm ASEAN có hơn 1.400 cuộc họp các cấp. Không họp trực tiếp có đồng nghĩa với việc ASEAN “đứng im”?
Chúng ta đã giải quyết được gần như toàn bộ các thách thức này, tận dụng tối đa những thế mạnh của công nghệ và hình thức họp trực tuyến để duy trì các lịch hoạt động của ASEAN. Việt Nam đã thể hiện được sự linh hoạt, sáng tạo, chủ động và phát huy vai trò “nòng cốt” trong ASEAN, từng bước dẫn dắt ASEAN vượt qua khó khăn, thực hiện thành công mục tiêu “kép” vừa chống dịch, vừa thúc đẩy phục hồi, giữ vững được đà xây dựng Cộng đồng, củng cố đoàn kết nội khối, đồng thời nâng cao khả năng thích ứng trước thời cuộc.
Theo Đại sứ, kết quả nổi bật của Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam là gì?
Thực tế, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, chúng ta và các nước thành viên vẫn tích cực và kiên trì thúc đẩy và thực hiện các mục tiêu về xây dựng Cộng đồng và ứng phó với các thách thức đặt ra. Chúng ta đã tổ chức thành công dưới hình thức trực tuyến và bán trực tuyến tất cả các Hội nghị, trong đó có các Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 và 37, hơn 30 cuộc họp trực tuyến cấp Bộ trưởng và hàng chục cuộc họp tham vấn các cấp.
Đặc biệt, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các Hội nghị liên quan trong tháng 11/2020, hơn 80 văn kiện đã được thông qua, trong đó, tiêu biểu là việc hoàn tất đàm phán và ký Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sau tám năm đàm phán, định hướng cho xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025, gắn kết hợp tác tiểu vùng với tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, thu hẹp khoảng cách phát triển, tăng cường kết nối, thúc đẩy bình đẳng giới…
Trong vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã chủ động đề xuất và thúc đẩy các sáng kiến ứng phó với Covid-19 như lập Quỹ ASEAN ứng phó với Covid-19, lập kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp khu vực (RRMS), xây dựng Quy trình ứng phó chung của ASEAN trong các tình huống y tế công cộng khẩn cấp, xây dựng khung phục hồi tổng thể ASEAN. Với các văn kiện này, ASEAN không chỉ đưa ra tuyên bố chính sách, mà còn kèm theo đó là những cơ chế vận hành cụ thể.
Trong vai trò kép năm 2020, vừa là Chủ tịch ASEAN, vừa là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (2020-2021), Việt Nam đã phát huy tốt khả năng phối hợp, lồng ghép và kết nối các ưu tiên của ASEAN với chương trình nghị sự toàn cầu, qua đó góp phần khẳng định vị trí và vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực và quốc tế.
Dù chịu nhiều ảnh hưởng do tác động của đại dịch Covid-19, song dưới sự dẫn dắt của Việt Nam, ASEAN đã thể hiện bản lĩnh vững vàng, đoàn kết và thống nhất, duy trì hợp tác ứng phó với thách thức từ khủng hoảng dịch bệnh, vừa bảo đảm duy trì tiến trình xây dựng Cộng đồng, triển khai hiệu quả các ưu tiên và mục tiêu hợp tác trong năm 2020, đẩy mạnh quan hệ đối ngoại, đồng thời tiếp tục củng cố và phát huy vai trò trung tâm, nâng cao vị thế trong khu vực. Tinh thần “Gắn kết và Chủ động thích ứng” không chỉ phù hợp với năm 2020 mà sẽ còn đồng hành, là phương châm chỉ đạo của ASEAN trong nhiều năm tới.
Đại sứ Trần Đức Bình tham gia chủ trì một cuộc họp tại Jakarta, Indonesia. (Nguồn: Phái đoàn Việt Nam tại ASEAN) |
Dư luận của các nước về vai trò và đóng góp của Việt Nam cho ASEAN trong năm 2020?
Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét. Những ưu tiên, sáng kiến của Việt Nam đưa ra trong năm Chủ tịch ASEAN 2020 nhận được sự ủng hộ, đánh giá cao bởi tất cả các nước thành viên và đối tác. Các nước đều nhấn mạnh, Việt Nam đã hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 với nỗ lực và bước đi đúng hướng, linh hoạt và sáng tạo, đặc biệt trong dẫn dắt các sáng kiến và ưu tiên của ASEAN, bất chấp đại dịch Covid-19.
Theo Tổng Thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi, Việt Nam đã thể hiện tầm “lãnh đạo mạnh mẽ” trong việc dẫn dắt khu vực gắn kết và chủ động thích ứng với các khó khăn, thách thức, đồng thời, đặt vai trò trung tâm của ASEAN và người dân lên hàng đầu.
Là một trong những đối tác tham gia đàm phán các văn kiện của các Hội nghị Cấp cao ASEAN - Nhật Bản, Cấp cao Đông Á tại Jakarta, Đại sứ Nhật Bản tại ASEAN Chiba Akira đánh giá cao vai trò lãnh đạo và nỗ lực của Việt Nam chủ trì các cuộc đàm phán, “đưa mọi người vào cuộc với quyết tâm rất cao và kết quả là thành công rực rỡ”.
Đại sứ Hàn Quốc tại ASEAN Lim Sungnam cũng chia sẻ Việt Nam đã “làm rất tốt công việc của mình”, và nhấn mạnh Việt Nam đã chứng tỏ “sự lãnh đạo rất gắn kết và chủ động thích ứng”, “kiên nhẫn và bền bỉ” trong việc điều hướng các cuộc đàm phán rất khó khăn, góp phần thông qua năm Tuyên bố của Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) - điều chưa từng có trong lịch sử của diễn đàn này.
Phái đoàn Việt Nam tại ASEAN cũng trải qua một năm đặc biệt?
Để chuẩn bị đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Phái đoàn chủ động phối hợp và hoàn thành xây dựng kế hoạch triển khai công tác và các ưu tiên của năm Chủ tịch. Từ tháng 3/2020, Phái đoàn đã chủ động và linh hoạt chuyển các cuộc họp các cấp và các cơ chế ở Jakarta sang hình thức trực tuyến.
Trong số các cuộc họp theo kế hoạch tại Jakarta mà Phái đoàn chủ trì trong năm 2020, duy nhất chỉ một cuộc họp cấp Nhóm Công tác là phải điều chỉnh ngày. Nhờ đó, Ủy ban các Đại diện Thường trực tại ASEAN (CPR) đã hoàn thành với chất lượng cao tất cả trọng tâm, ưu tiên của năm Chủ tịch 2020 cũng như các nhiệm vụ bổ sung do các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN giao.
Quá trình xây dựng văn kiện năm nay có cả khó khăn và thuận lợi. Thời gian hạn chế nhưng số lượng văn kiện lại nhiều. Do họp trực tuyến, các lợi thế của ngoại giao thông thường bị hạn chế, khi không có tiếp xúc, trao đổi hay thương lượng không chính thức ngoài phòng họp. Đây là khó khăn căn bản của các cuộc họp trực tuyến, nhất là trong soạn thảo các Tuyên bố Cấp cao Đông Á, nơi lập trường của các nước nhiều khi rất khác biệt.
Ngoài ra, một khó khăn rất lớn đối với Phái đoàn chính là hạn chế về nhân lực. Với sáu cán bộ ngoại giao, kể cả Đại sứ, nhiều hôm chúng tôi phải chia nhau tham gia đồng thời 5-6 cuộc họp, vừa chủ trì vừa tham gia. Nhiều khi, một cán bộ phải tham gia hai cuộc họp hay đàm phán song song, với hai máy tính và hai tai nghe.
Trong bối cảnh đó, Phái đoàn đã hết sức chủ động, linh hoạt trong điều hành các cuộc họp, chuẩn bị kỹ nội dung và lập luận, kịp thời xử lý các vấn đề nảy sinh. Qua rất nhiều cuộc điện thoại với các nước đối tác, hoặc qua việc chủ động tổ chức các cuộc họp hẹp với từng nhóm nước, nhóm Đại sứ, nhiều vấn đề “khó” đã kịp thời được giải quyết.
Kết quả là ta đã thành công trong đảm bảo được đồng thuận, hài hòa và cân bằng được lập trường các nước lớn, phù hợp với hợp tác của ASEAN và nhất là các ưu tiên của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2020.