Chất lượng phim truyền hình trong thời gian qua
Đạo diễn Đỗ Thanh Hải |
Thậm chí, một số đơn vị sản xuất phim tư nhân đang cố gắng giản lược hóa các quy trình sản xuất để giảm chi phí. Các bộ phim lấy yếu tố hút khán giả về bề nổi, phục vụ nhu cầu của nhà tài trợ nhiều hơn là khẳng định giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm. Tôi thấy lo ngại về hiện trạng biến tướng phim truyền hình thành các câu chuyện tầm phào được minh họa bằng chuỗi hình ảnh có sự góp mặt của các chàng trai, cô gái.
Nhà văn, nhà biên kịch Nguyễn Khắc Phục |
Nhà văn, nhà biên kịch Nguyễn Khắc Phục: Đang chập chững dù xét về tuổi đời, phim truyền hình Việt Nam cũng ngót nghét 25 tuổi. Nguyên nhân chính khiến phim truyền hình Việt Nam chưa có được những "tác phẩm đột phá" trước hết nằm ngay trong khả năng sáng tạo của tập thể làm phim, từ kịch bản, đạo diễn, diễn viên đến quay phim...
Cung cách quản lý, đầu tư, định hướng và kiểm duyệt cũng rất không ổn. Trong lúc giới làm phim loay hoay tìm đường thì công chúng đã kịp xem hàng loạt những tác phẩm truyền hình của thế giới, trong đó, có không ít bộ phim rất đáng nể về mọi phương diện.
Diễn viên Hồng Ánh: Thực tế, chúng ta không thể phủ nhận vị trí của phim truyền hình trong đời sống tinh thần của công chúng. Nó chỉ tồn tại khi nó có những góc phố ngôi nhà, phong tục tập quán, tính cách nhân vật thân thuộc với mình là chuyện hết sức bình thường và dễ hiểu. Cái chúng ta phải tránh lặp lại tình trạng giống như phim Hàn Quốc một dạo, rơi vào mô tuýp sáo mòn, giống nhau và nhạt nhẽo, như vậy khán giả sẽ quay lưng lại với phim. Nếu cứ tiếp tục làm phim theo kiểu như chúng ta đã thấy ở một số phim hiện tại thì câu chuyện chất lượng sẽ phải bàn dài dài. Và hẳn là còn lâu nữa mới có thể bàn tới chuyện đột phá chất lượng phim. Tuy nhiên, bên cạnh đó, có một số bộ phim rất thu hút sự chú ý của công chúng. Đó là điều đáng mừng.
Nhà báo Nguyễn Hằng Nga: Chất lượng phim Việt Nam đang chuyển động. Chưa thực sự tạo nên đẳng cấp cho phim truyền hình Việt, nhưng một vài bộ phim gần đây đã và đang là mảnh đất màu mỡ, là cơ hội cho các đạo diễn, các hãng phim đầu tư chiến lược tìm kiếm và sản xuất các bộ phim dài tập ấn tượng. Nhất là giờ vàng cho phim truyền hình Việt đã mang lại sức nóng cho nó từ khán giả. Tuy nhiên các bộ phim vẫn thiên về giải trí, chưa có chiều sâu. Có thể ban đầu những phim mang tính giải trí cao và lạ xuất hiện được cổ vũ, nhưng khi đã chiếm lĩnh giờ vàng của phim truyền hình thì không chỉ có giải trí.
Nhiều khán giả đã lên tiếng vì sự bội thực khi cùng lúc xem cả 2 phim "Cô gái xấu xí" và "Những người độc thân vui vẻ"... Ngay cả "Bỗng dưng muốn khóc" cũng thiên về giải trí. Những bộ phim có chất liệu đời sống, phim rõ chất liệu Việt đang... thiếu, gần như bị bỏ trống. Một số phim thành công thời gian qua chỉ quanh quẩn đời sống nông thôn Việt Nam, các phim về thành phố, về con người với cuộc sống đang chuyển động vẫn chưa được khám phá.
Bộ phim "Gió làng Kình" phát sóng ngay sau khi "Bỗng dưng muốn khóc" kết thúc cũng là một tiếp nối của "Đất và người", "Ma làng"... Mặc dù thể loại phim hoàn toàn mới - phim sit-com của bộ phim dài tập nhất Việt Nam "Cô gái xấu xí"... đã mang lại không khí hài hước, là lạ cho phim Việt, hoặc xét ở nhiều góc độ của một bộ phim chất lượng cao, phim có sức nặng với xã hội thì "Bỗng dưng muốn khóc" chưa đạt tới, mới chỉ được xếp vào danh sách phim dễ xem, nhẹ nhàng, hài hước, có chút lắng đọng... Song với bối cảnh lép vế bấy lâu nay của phim truyền hình Việt so với các đại gia như Trung Quốc, Hàn Quốc thì những thay đổi đáng kể này quả là sự ghi nhận và khởi sắc của phim truyền hình Việt.
Lượng nghệ thuật và thị hiếu
Diễn viên Hồng Ánh |
Đạo diễn Đỗ Thanh Hải: Không bao giờ nên đặt ra mục đích này vì những người làm nghề đều hiểu: Không thể. Vậy thì chẳng nên mất công đi tìm cách trả lời cho bài toán biết trước đáp số ấy. Chỉ có một cách là những người tham gia làm phim nên cố gắng hết mình cho từng bộ phim. Nếu mỗi bộ phim được làm nghiêm túc, được sáng tạo với trách nhiệm của người nghệ sỹ thì chất lượng chung của phim truyền hình sẽ được thay đổi. Thị hiếu khán giả thì không thể đoán chắc chắn 100% là như thế nào và nếu đặt ra việc làm phim phải chạy theo khán giả thì khác nào người làm phim cứ đuổi hình bắt bóng, nhưng chất lượng phim thì có thể thẩm định ngay sau mỗi bộ phim hoàn thành, có thể đánh giá phần nào khi thẩm định kịch bản để bắt đầu cho mỗi bộ phim sản xuất.
Vậy cách hợp lý nhất là đưa ra những bộ phim chất lượng và đáp ứng cho từng đối tượng khán giả cụ thể. Làm phim hướng đến những đối tượng khán giả với những mục đích cụ thể là cách để nghệ thuật và thị hiếu khán giả cùng chung sống trong thị trường giải trí và định hướng giáo dục thẩm mỹ.
Nhà văn, nhà biên kịch Nguyễn Khắc Phục: Đặt vấn đề "dung hòa" e không hoàn toàn chính xác. Chất lượng nghệ thuật của phim truyền hình phải là mục tiêu phấn đấu của nghệ sĩ và cũng là đòi hỏi thưởng thức của công chúng. Tóm lại, đó là một "mục tiêu" chung cho hai phía: Sáng tạo và thưởng thức. Chỉ khi có chất lượng nghệ thuật cao, phim truyền hình mới có tác dụng tích cực, đáp ứng một cách tích cực cho sự thưởng thức của công chúng và trở thành một bộ phận của nền văn hóa Việt Nam mới, vừa làm giàu thêm bản sắc dân tộc vừa hiện đại hóa lại hình nghệ thuật lợi hại này. Điều này cũng là yếu tố quyết định tương lai của phim truyền hình Việt Nam. Đến đây một vấn đề sinh tử đặt ra: Thế nào là một tác phẩm phim truyền hình có chất lượng nghệ thuật cao? Làm thế nào để có những tác phẩm như vậy? Giới quản lý, đầu tư, tập thể sáng tạo phải hành động, phối hợp thế nào để tạo ra những tác phẩm ấy, từ cơ chế quản lý, đầu tư, kiểm duyệt, định hướng và quảng bá?
Tuy nhiên, như sân khấu chẳng hạn cái được gọi là nghệ thuật ở phía Bắc lại khó có chỗ đứng. Trong khi, sân khấu kịch phía Nam khai thác những mảng đề tài nhạy cảm như sex, đồng tính và được xem là hời hợt thì lại đáp ứng được cái gọi là thị hiếu của công chúng. Ở Bắc trường hợp của Hài Xuân Hinh cũng là 1 ví dụ. Điều này nảy sinh ra "hiện tượng da báo" trên tấm thảm văn hóa Việt Nam, sự phát triển không đồng đều và không nhất quán, cả từ ý thức về loại hình, thị hiếu, cung cách sáng tạo, quan niệm thẩm mỹ và đặc biệt, trình độ nghệ thuật và thưởng thức nghệ thuật chắp vá, nhôm nhoam.
Diễn viên Hồng Ánh: Có thể không đặt ra tiêu chí dung hòa hay không nhưng trước hết tác phẩm phải mang tính thẩm mỹ, phải đẹp. Ở đây có một sự mâu thuẫn giống như nhiều nhà phê bình nhận xét. Có người nói, phim có khán giả mới là phim nghệ thuật bởi vì mục đích làm phim là để phục vụ khán giả. Có người lại nói, phim phục vụ khán giả là ba cái phim lăng nhăng, không có nghệ thuật gì hết. Người làm phim phải làm gì đây? Khán giả xem một bộ phim để cười và giải trí không có nghĩa là họ không có trình độ. Làm cho khán giả vui cười thoải mái và giải trí sau một ngày lao động, hay làm cho khán giả trăn trở, đau với nỗi đau của nhân vật để sống tốt đẹp hơn đều có ý nghĩa và cần làm.
Tôi nghĩ với bất kỳ loại hình nghệ thuật nào cũng cần tồn tại để phục vụ những đối tượng công chúng khác nhau. Chúng ta nên giảm thiểu sự bài xích hay chê bai các bộ phim đang công chiếu, vì những người làm phim đã nỗ lực để chuyển đến công chúng những thông điệp nghệ thuật. Dù sao, là một người trong nghề, tôi thấy để có một sản phẩm nghệ thuật không hể đơn giản.
Nhà báo Nguyễn Hằng Nga |
Nhà báo Nguyễn Hằng Nga: Liệu có đo được sức nóng hay thị hiếu của khán giả qua mỗi bộ phim truyền hình Việt Nam trình chiếu? Trước nay, có vẻ vẫn mập mờ để bỏ qua sự kém hấp dẫn của phim, không có cuộc điều tra cụ thể nào về số lượng khán giả, về nhu cầu thực sự của khán giả. Nay, nhìn từ nhiều góc độ, qua số lượng quảng cáo tràn trên phim (dù quá qui định về thời lượng quảng cáo cho mỗi tập phim), các thông tin bên lề trên báo chí và sự bàn tán xôn xao của khán giả ở khắp mọi nơi... Có thể thấy hiệu ứng khán giả rõ hơn qua một loạt phim gần đây: "Bỗng dưng muốn khóc", "Đất và người", "Ma Làng", "Cô gái xấu xí"... Đó mới là những phim đáp ứng thị hiếu của một số bộ phận khán giả.
Còn để có những bộ phim hay dung hòa được thị hiếu của khán giả và nghệ thuật thì vẫn có một cách đi chung tất nhiên không dễ: đi vào những vấn đề "nóng" của cuộc sống hôm nay, không đi vào những đề tài câu khách và đặt vấn đề nghiêm túc, cùng ê kíp làm phim một cách chuyên nghiệp. Có thể thấy các bộ phim truyền hình Trung Quốc rất thu hút khán giả, thời sự mà vẫn rất nghiêm túc, nghệ thuật cao. Đây là một mô hình phim truyền hình mà chúng ta có thể học theo.
Tương lai sắp tới của phim truyền hình Việt Nam
Đạo diễn Đỗ Thanh Hải: Tôi tin là sẽ phát triển nhanh và cũng sẽ loại bỏ những cách làm phim hời hợt, dễ dãi. Điều sợ nhất là không làm gì cả, không có sự cọ xát và các dẫn chứng cụ thể để phản biện. Khi đã có một thị trường sản xuất, có những nhà làm phim chuyên nghiệp thì khán giả có thể yên tâm là sự cạnh tranh sẽ loại bỏ những sản phẩm tồi. Điều sợ nhất là không làm và mơ tưởng các giá trị cao siêu. Còn đã làm, đã có các sản phẩm cụ thể thì quy luật đào thải sẽ thúc đẩy sự phát triển. Tôi tin là phim THVN sẽ phát triển và khẳng định giá trị của mình trong đời sống.
Nhà văn, nhà biên kịch Nguyễn Khắc Phục: Tôi nghĩ tương lai của phim THVN cũng sẽ phát triển theo tốc độ của bóng đá Việt Nam.
Diễn viên Hồng Ánh: Phim truyền hình Việt Nam đang nằm trong chặng đường phát triển. Tuy nhiên, chúng ta nên tin tưởng vào tương lai phim truyền hình. Bản thân tôi dù đã giành nhiều giải thưởng nhưng không có nghĩa là sẽ không tham gia phim truyền hình, quan trọng là bộ phim đó như thế nào, kể câu chuyện ra sao. Nếu là một người trẻ thì phim truyền hình vẫn là một cơ hội tốt để phát triển sự nghiệp. Tôi không bi quan về tương lai của phim truyền hình vì nghệ thuật phụ thuộc vào tài năng. Chúng ta lại không thiếu cái đó, biết đâu đấy từ khó khăn lại bật dậy thì sao?
Nhà báo Nguyễn Hằng Nga: Thời gian ngắn tới chắc vẫn tiếp tục dòng phim giải trí, hài và nông thôn như hiện nay. Có giờ vàng cho phim truyền hình đã là cuộc cạnh tranh rất có lợi thế cho phim truyền hình Việt Nam nhưng lựa chọn phim như thế nào và hiệu quả đến đâu, e rằng nhà đài cũng nên có cuộc điều tra phản ứng của khán giả sau mỗi bộ phim trình chiếu và công bố rộng rãi... như vậy mới hy vọng đẩy phim truyền hình đến gần khán giả hơn.
Theo Đàn Ông