📞

Nâng cao hiệu quả hợp tác về dịch vụ trong APEC

16:41 | 24/02/2017
Hợp tác về thương mại dịch vụ trong APEC hiện vẫn chưa tương xứng với hợp tác về thương mại hàng hóa nên đòi hỏi các quốc gia trong tổ chức này phải tăng cường hợp tác dịch vụ một cách hiệu quả hơn.

Tăng cường hợp tác dịch vụ trong APEC

Thương mại dịch vụ ngày càng chiếm vai trò quan trọng trong thương mại quốc tế và sự tăng trưởng kinh tế của một quốc gia cũng như khu vực. Càng ngày, thương mại hàng hóa và các lĩnh vực sản xuất trong nền kinh tế càng phụ thuộc nhiều hơn vào sự phát triển của lĩnh vực dịch vụ như: dịch vụ phân phối, viễn thông, tài chính...

Đối thoại Công-Tư APEC về Dịch vụ. (Nguồn: TTXVN)

Thương mại dịch vụ cũng là lĩnh vực có nội hàm và cơ cấu phân ngành đa dạng nhất, đóng vai trò quan trọng trong cấu trúc của nền kinh tế hiện đại. Thực tế đã cho thấy, những nền kinh tế có tỷ lệ thương mại dịch vụ càng lớn trong GDP, nền kinh tế đó càng ở giai đoạn phát triển cao hơn so với những nền kinh tế có tỷ trọng sản xuất nông nghiệp hoặc sản xuất cao trong GDP.

Ngày 23/2 tại thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), Bộ Công thương phối hợp với Ban Thư ký APEC tổ chức Đối thoại Công-Tư APEC về Dịch vụ. Tại đây, các nhà hoạch định chính sách và đại diện cộng đồng doanh nghiệp đã thảo luận, trao đổi kiến thức, chia sẻ quan điểm nhằm tăng cường hơn nữa hợp tác APEC đối với các lĩnh vực dịch vụ.

Trước đó năm 2015, các nhà Lãnh đạo APEC đã thông qua Lộ trình Cạnh tranh về Dịch vụ APEC (ASCR) tại Hội nghị các nhà Lãnh đạo cấp cao APEC lần thứ 24 (AELM 24) với mục tiêu thiết lập một môi trường dịch vụ cạnh tranh bình đẳng và minh bạch trong khu vực tới năm 2025. Mục tiêu của Lộ trình là đến năm 2025, APEC sẽ vượt mức 6,8% tăng trưởng dịch vụ đã từng đạt được trong lịch sử và tỷ lệ phần trăm giá trị gia tăng của lĩnh vực dịch vụ trong GDP khu vực APEC sẽ cao hơn mức bình quân của toàn thế giới.

Tuy nhiên, theo đánh giá chung, hợp tác về thương mại dịch vụ trong APEC hiện vẫn chưa tương xứng với hợp tác về thương mại hàng hóa. Tại buổi Đối thoại, các nhà hoạch định chính sách và đại diện cộng đồng doanh nghiệp đã trao đổi kiến thức, chia sẻ quan điểm nhằm tăng cường hơn nữa hợp tác APEC đối với ba lĩnh vực dịch vụ quan trọng (phân phối, giao thông vận tải và logistics).

Những ý kiến tại buổi Đối thoại là tạo nền tảng để Nhóm công tác về dịch vụ (GOS) và các diễn đàn khác của APEC tiếp tục thảo luận, xây dựng các chương trình hỗ trợ năng lực cho các thành viên APEC đặc biệt là các thành viên đang phát triển trong các lĩnh vực nói trên.

Việt Nam định hướng phát triển dịch vụ theo cả chiều rộng và chiều sâu

Là một trong những nền kinh tế thành viên của APEC, trong những năm qua, lĩnh vực dịch vụ của Việt Nam đã có những bước tiến đáng ghi nhận. Trong 5 năm trở lại đây ngành dịch vụ có tốc độ tăng trưởng bình quân 7,49%, cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân của toàn nền kinh tế (6,55%). Đóng góp của ngành dịch vụ vào GDP ngày càng tăng; đã tập trung phát triển các ngành dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, có hàm lượng khoa học, công nghệ cao như: công nghệ thông tin, truyền thông, logistics, hàng không, tài chính, ngân hàng, du lịch, thương mại điện tử... Mạng lưới thương mại và dịch vụ phát triển mạnh trên phạm vi cả nước, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, so với các nền kinh tế khác, lĩnh vực dịch vụ của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Cụ thể, đóng góp của lĩnh vực này vào GDP chưa cao, chỉ khoảng trên 40% GDP so với 70-80% GDP của nhóm các nền kinh tế phát triển; tốc độ tăng trưởng của ngành này cũng được đánh giá là không ổn định, thường xuyên bị nhập siêu; các ngành dịch vụ thâm dụng tri thức, khoa học và công nghệ phát triển còn chậm. Các ngành dịch vụ mang tính chất "động lực" hay "huyết mạch", có hàm lượng tri thức cao như: tài chính - tín dụng, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, y tế… còn chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong GDP của toàn nền kinh tế. Bên cạnh đó, hệ thống phân phối còn nhiều bất cập, chi phí trung gian lớn, chưa kết nối thông suốt, hiệu quả và chưa bảo đảm hài hoà lợi ích giữa các khâu từ sản xuất đến tiêu thụ; chất lượng dịch vụ còn thấp, tính chuyên nghiệp chưa cao.

Ảnh minh họa. (Nguồn: the Evolved Economy)

Để phát triển ngành dịch vụ với nhiệm vụ không chỉ trực tiếp tạo động lực phát triển, mà còn tạo lập và củng cố sự liên kết, bảo đảm đầu ra cho các ngành công - nông nghiệp và tác động lan tỏa trong toàn bộ nền kinh tế, Việt Nam đã đặt ra mục tiêu phát triển dịch vụ vừa theo chiều rộng, vừa theo chiều sâu, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 7-7,5%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng của các khu vực sản xuất và GDP; đến năm 2020, đạt tỷ trọng dịch vụ 45% GDP, khoa học và công nghệ đạt trình độ phát triển của nhóm các nước dẫn đầu ASEAN; đến năm 2030, có một số lĩnh vực đạt trình độ tiên tiến thế giới.

Để thực hiện mục tiêu trên, các chuyên gia đã đưa ra nhiều giải pháp, bao gồm: nâng cao chất lượng và đa dạng hóa loại hình dịch vụ gắn với việc phát triển của khoa học công nghệ và vai trò của kinh tế tri thức; phát triển dịch vụ trung gian nhằm tăng cường sự kết nối bổ trợ giữa các ngành kinh tế, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế.

Tập trung phát triển một số ngành dịch vụ có lợi thế, có hàm lượng tri thức, công nghệ cao và dịch vụ kinh tế đối ngoại, như: hàng không, cảng biển quốc tế; xuất khẩu lao động, xúc tiến thương mại quốc tế; viễn thông, công nghệ thông tin; tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán; thương mại điện tử, cùng các dịch vụ hỗ trợ sản xuất kinh doanh khác;

Đồng thời phát triển dịch vụ giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao, dịch vụ khoa học và công nghệ, văn hóa, thông tin, thể thao, dịch vụ việc làm; phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Phát triển dịch vụ cảng biển và cửa khẩu, dịch vụ vận tải với cơ cấu hợp lý, hiệu quả. Tăng cường kết nối giữa các phương thức vận tải, khuyến khích phát triển vận tải đa phương thức và logistics…

(theo Bộ Công thương, TTXVN)