TIN LIÊN QUAN | |
“Nâng cao nhận thức về chương trình Ký ức thế giới của UNESCO” | |
Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung: Giáo dục để kiến tạo tương lai bền vững |
Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung và đoàn Việt Nam tại kỳ họp. |
Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) là một trong số những tổ chức chuyên môn quan trọng hàng đầu của Liên hợp quốc. Lời mở đầu của Hiến chương UNESCO đã nêu: “Chiến tranh nảy sinh trong đầu óc con người, vậy ngay trong đầu óc con người cần phải xây dựng thành trì của hoà bình”. Do vậy, UNESCO đã xác định mục đích cao cả của Tổ chức là thông qua hợp tác giữa các quốc gia trên thế giới trong các lĩnh vực giáo dục, khoa học, văn hóa để đạt được các mục tiêu hòa bình quốc tế và thịnh vượng chung của nhân loại.
Cho đến nay, sau 3/4 thế kỷ kể từ khi thành lập, vai trò của UNESCO vẫn không thay đổi. Thông qua các hoạt động hợp tác của mình, UNESCO đã thúc đẩy nền văn hóa hòa bình dựa trên nền tảng khoan dung, trí tuệ và tôn trọng đa dạng, thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia trên các lĩnh vực chuyên môn thuộc thẩm quyền.
Nỗ lực của UNESCO và các quốc gia thành viên đã góp phần giải quyết và đưa ra các giải pháp cho nhiều vấn đề toàn cầu liên quan đến hòa bình, phát triển, bảo vệ các giá trị văn hóa, đoàn kết và hợp tác giữa các quốc gia.
Thảo luận nhiều nội dung quan trọng
Trao đổi với TG&VN trước thềm Khóa họp Đại hội đồng UNESCO lần thứ 40, Vụ trưởng Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO (Bộ Ngoại giao) Mai Phan Dũng cho biết, Đại hội đồng UNESCO là hoạt động quan trọng diễn ra hai năm một lần, nơi tất cả 193 nước thành viên của UNESCO sẽ họp, thảo luận, trao đổi và đưa ra các quyết định về các vấn đề trên tất cả lĩnh vực hoạt động của Tổ chức.
Kỳ họp Đại hội đồng UNESCO lần thứ 40 sẽ có sự tham gia của nhiều lãnh đạo cấp cao của các nước thành viên, thảo luận và thông qua quyết định về nhiều vấn đề quan trọng: Rà soát, tổng kết các hoạt động quan trọng trong giai đoạn 2018–2019 và đề ra hướng đi mới cho Tổ chức trên năm lĩnh vực chuyên môn; thông qua nguồn ngân sách ngắn hạn cho giai đoạn 2020-2021 và nguồn ngân sách hợp tác trung hạn giai đoạn 2022-2029…
Theo ông Mai Phan Dũng, nội dung thảo luận của Đại hội đồng UNESCO lần thứ 40 sẽ nổi lên nhiều vấn đề quan trọng, đang được các nước hết sức quan tâm, liên quan đến quy trình hoạt động, sửa đổi Hiến chương của UNESCO như quy trình bầu Tổng giám đốc, nhiệm kỳ các thành viên Hội đồng chấp hành…hướng đến mục tiêu là giúp cho Tổ chức UNESCO hoạt động một cách minh bạch, dân chủ và hiệu quả hơn.
Đại hội đồng 40 là dịp để Việt Nam tiếp tục tham gia đóng góp vào các vấn đề quan trọng của Tổ chức, qua đó khẳng định vai trò thành viên tích cực, có trách nhiệm tại UNESCO, đồng thời tạo thuận lợi cho quá trình vận động ứng cử vào Hội đồng Chấp hành (HĐCH) nhiệm kỳ 2021-2025 cũng như một số cơ quan chuyên môn của Tổ chức từ nay đến năm 2030.
Việt Nam – Thành viên tích cực và trách nhiệm
Bắt nguồn từ khát vọng hòa bình của nhân dân, Việt Nam chính thức gia nhập UNESCO vào tháng 7/1976, thực hiện một trong những bước đi quan trọng trong quá trình hội nhập của mình. Đến năm 1977, Việt Nam đã thành lập Ủy ban Quốc gia UNESCO để thúc đẩy hợp tác với tổ chức này. Trải qua thời gian hơn 40 năm, quan hệ hợp tác Việt Nam-UNESCO đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển của đất nước.
Diễn đàn Hòa bình Paris là một hoạt động do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khởi xướng. Diễn đàn được tổ chức lần đầu tiên tại Paris vào năm 2018 nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày kết thúc Thế chiến I và đã bước đầu nhận được sự hưởng ứng của nhiều nguyên thủ, lãnh đạo, người đứng đầu các tổ chức quốc tế… Diễn đàn đang được kỳ vọng sẽ trở thành một hoạt động thường niên để các nước cùng trao đổi, thảo luận và đưa ra các sáng kiến để cùng thúc đẩy hòa bình trên thế giới, một chủ đề có mối liên hệ rất mật thiết với sứ mệnh, mục tiêu, định hướng của UNESCO. |
Trong giai đoạn đầu thông qua diễn đàn UNESCO, Việt Nam đã giới thiệu với thế giới một hình ảnh Việt Nam yêu chuộng hòa bình, kiên cường trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Việc UNESCO tôn vinh các danh nhân Nguyễn Trãi, Nguyễn Du và Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa khẳng định điểm tựa của niềm tin vào sức mạnh bắt nguồn từ lòng yêu nước, trí tuệ và các giá trị chân, thiện, mỹ của dân tộc Việt Nam kết tinh ở những người con ưu tú nhất.
Với vai trò là Tổ chức trí tuệ, “Phòng thí nghiệm ý tưởng”, những nguồn hỗ trợ của UNESCO đã góp phần tích cực vào việc phục hồi một số cơ sở giáo dục, khoa học, văn hóa và truyền thống của Việt Nam; giúp Việt Nam có nhiều cơ hội tiếp cận với kiến thức, kinh nghiệm và các nguồn hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật của quốc tế để phục vụ công cuộc tái thiết và xây dựng đất nước.
Ngay trong giai đoạn đầu, Việt Nam đã được tín nhiệm bầu vào HĐCH UNESCO (1978-1983), đặt cơ quan đại diện tại UNESCO (1982) và năm 1981, Tổng Giám đốc M’Bow đã thực hiện chuyến thăm chính thức Việt Nam.
Trong các giai đoạn tiếp theo, nhiều ý tưởng tiên tiến có tính phổ cập toàn cầu trong UNESCO như “giáo dục cho tất cả mọi người”, “giáo dục vì phát triển bền vững”, “văn hóa hòa bình”, “đa dạng văn hóa”, “văn hóa và phát triển”, “môi trường gắn với phát triển”… được Việt Nam tiếp thu và áp dụng rộng rãi.
Với sự tham gia hưởng ứng “Thập kỷ Quốc tế phát triển văn hóa”, nhận thức mới về tầm quan trọng của xây dựng nền văn hóa toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ đã giúp Việt Nam chấn hưng nền văn hóa dân tộc, tăng cường giao lưu với các quốc gia và đóng góp cho việc hình thành Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.
Việt Nam đã tham gia nhiều công ước quan trọng của UNESCO, tiếp thu và áp dụng nhiều ý tưởng tiên tiến của UNESCO vào nhiều lĩnh vực văn hóa, khoa học, giáo dục… và thành công trong việc đề xuất UNESCO công nhận nhiều danh hiệu uy tín như di sản thiên nhiên và di sản văn hóa thế giới, di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu, khu dự trữ sinh quyển, công viên địa chất toàn cầu. Việt Nam cũng tham gia nhiều cơ quan, cơ chế khác nhau của UNESCO, qua đó thúc đẩy lợi ích của Việt Nam và đóng góp cho các vấn đề chung của Tổ chức.
Ghi nhận đóng góp quan trọng của Việt Nam, Tổng Giám đốc UNESCO Irina Bokova từng khẳng định: “Việt Nam luôn là một trong những nước đi đầu và là tấm gương về triển khai thành công các chương trình, hoạt động của UNESCO”.
Trong giai đoạn mới, với chính sách tham gia chủ động, tích cực, đóng góp vào các diễn đàn ngoại giao đa phương trong đó có UNESCO, Việt Nam đang tiếp tục thực hiện đầy đủ những nghĩa vụ của một quốc gia thành viên, triển khai hiệu quả sáng kiến và chương trình hợp tác, đóng góp thiết thực vào công việc của UNESCO, đảm nhận thành công các trọng trách tại các cơ quan lãnh đạo và chuyên môn của UNESCO.
Kết thúc kỳ họp HĐCH 207 vừa qua, Việt Nam đã hoàn thành nhiệm kỳ HĐCH 2015-2019 với nhiều nỗ lực tích cực, thể hiện hình ảnh, vai trò của một quốc gia trách nhiệm, đồng hành cùng tổ chức trên nhiều lĩnh vực hợp tác khoa học tự nhiên, giáo dục, văn hóa và thông tin.
Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung phát biểu tại Kỳ họp. |
Phát biểu tại kỳ họp Đại hội đồng UNESCO lần thứ 40 chiều 13/11 (giờ địa phương), Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung nhấn mạnh, Việt Nam và UNESCO đã có sự hợp tác mở rộng và thực chất. Các chương trình, hoạt động được triển khai trên tất cả các lĩnh vực của UNESCO, qua đó vừa đóng góp cho sự nghiệp phát triển đất nước cũng như thực hiện sứ mệnh của UNESCO trên thực tế. Hiện nay, Việt Nam và UNESCO có nhiều hoạt động hợp tác mới trong việc nâng cao chất lượng giáo dục quốc gia, bảo vệ và phát huy giá trị di sản, hợp tác về khoa học đại dương.
"Việt Nam coi trọng và đánh giá cao sự hợp tác hỗ trợ mà UNESCO và các nước thành viên dành cho Việt Nam. Cùng với các quốc gia thành viên và các đối tác, chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực thúc đẩy những giá trị cao đẹp của UNESCO với hoà bìnhđược đặt ở vị trí trung tâm, trong hoạt động của UNESCO cũng như của các tổ chức khác của gia đình Liên hợp quốc, trong đó có Hội đồng Bảo An mà Việt Nam sẽ đóng vai trò là thành viên không thường trực vào năm tới", Thứ trưởng Lê Hoài Trung khẳng định.
Việt Nam đã nỗ lực đóng góp vào việc xây dựng chính sách, cải tổ và hợp tác với các quốc gia thành viên và các cơ chế toàn cầu và khu vực của UNESCO. Đại diện của Việt Nam đã tham gia tích cực vào các nhóm làm việc về cải tổ, điều chỉnh quy chế làm việc, tăng cường chia sẻ, trao đổi với các quốc gia thành viên, Ban thư ký. Uỷ ban quốc gia UNESCO của Việt Nam cũng cùng Uỷ ban quốc gia UNESCO các nước đóng góp thảo luận trong các vấn đề quan trọng của UNESCO. Việt Nam còn thể hiện vai trò tích cực của mình khi là thành viên Uỷ ban di sản thế giới, Ủy ban Liên chính phủ về hải dương, Mạng lưới công viên địa chất toàn cầu, Chương trình con người và sinh quyền, Uỷ ban liên chính phủ Công ước 2003… Trên cương vị là thành viên HĐCH UNESCO, Việt Nam đã nêu rõ sự ủng hộ HĐCH sớm thông qua Chiến lược chuyển đổi, Chiến lược trung hạn. |
Ngoại giao văn hóa: Đóng góp liên tục cho phát triển chung TGVN. Trao đổi với TG&VN, ông Mai Phan Dũng - Quyền Vụ trưởng, Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO, Tổng Thư ký Ủy ban ... |
Chiến lược hoạt động của UNESCO Việt Nam trong giai đoạn mới TGVN. Tại Hội nghị thông tin về hội nhập và UNESCO, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Mai Phan Dũng - ... |
UNESCO Việt Nam trao tặng Kỷ niệm chương cho các cá nhân tiêu biểu của Hà Nội Nhân dịp kỷ niệm 40 năm thành lập Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, thành phố Hà Nội vinh dự có 19 cá nhân ... |