TIN LIÊN QUAN | |
Đưa hoạt động Ngoại giao Văn hóa ngày càng đi vào trọng tâm, hiệu quả | |
Không thể nóng vội khi làm Ngoại giao Văn hóa |
Ông Mai Phan Dũng tại hội thảo “Hà Nội - Thành phố vì hòa bình, 20 năm hội nhập và phát triển” vào tháng 7/2019. |
Cuộc họp của Ban chỉ đạo Ngoại giao Văn hóa (NGVH) do Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Lê Hoài Trung chủ trì đã quán triệt và đề ra những phương hướng hoạt động cho NGVH trong năm 2019. Sau 6 tháng đầu năm, công tác này đã có những bước tiến nổi bật nào, thưa ông?
NGVH là một trong ba trụ cột của nền ngoại giao toàn diện Việt Nam nhưng đòi hỏi sự tham gia đồng thời của nhiều chủ thể, từ Bộ Ngoại giao, các bộ ngành, địa phương cho đến các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các hiệp hội... NGVH cũng là một lĩnh vực cần có sự đầu tư về thời gian, sức sáng tạo, nguồn lực con người, vật chất.
Trong 6 tháng qua, các thành viên Ban chỉ đạo NGVH đã xây dựng và chủ động triển khai kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ được giao. Có thể nói, các hoạt động NGVH đã được triển khai ở diện rộng, phong phú về hình thức, quy mô, có nhiều sáng kiến mới, gắn với các nhiệm vụ đối ngoại chung, có trọng tâm, trọng điểm về địa bàn, đối tượng. Cho đến nay, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các đơn vị trong Bộ Ngoại giao và các địa phương đã thực hiện nhiều hoạt động ngoại giao văn hóa theo kế hoạch, qua đó, góp phần làm sâu sắc quan hệ hữu nghị với các nước, quảng bá rộng rãi hình ảnh đẹp về đất nước, con người Việt Nam, tinh thần hòa hiếu, yêu hòa bình, cởi mở, cầu thị, môi trường chính trị ổn định của Việt Nam, thu hút nguồn lực cho phát triển.
Một số hoạt động nổi bật có thể nêu là Chương trình Tuần/ Ngày Việt Nam tại Nga và Trung Quốc; hoạt động vinh danh chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nga, Chile, Triều Tiên, Indonesia; Trại hè Việt Nam 2019 của UBNVNONN; Đại nhạc hội Việt- Nhật; cuộc thi tiếng hát ASEAN+3... Đầu 2019, ta cũng hoàn thành, đệ trình UNESCO các hồ sơ đề cử các danh hiệu mới là Hà Nội thành phố sáng tạo; hồ sơ Gốm Chăm, Xòe Thái; Công viên địa chất toàn cầu Lý Sơn- Sa Huỳnh.
Như vậy, có thể thấy là các “cánh hoa” của NGVH vẫn đang tiếp tục được phát huy một cách bài bản, toàn diện, tạo sự đóng góp một cách mềm mại nhưng liên tục, vững chắc cho các mục tiêu phát triển chung.
Một tiết mục văn nghệ trong Đại nhạc hội ASEAN - Nhật Bản 2019. (Ảnh: Trung Hiếu) |
Ông đánh giá gì về ý nghĩa và tác động của Chương trình Ngày Việt Nam tại Nga và Trung Quốc?
Năm 2019, Vụ đã triển khai Chương trình Tuần/Ngày Việt Nam ở Nga và Trung Quốc. Đây là dấu ấn nổi bật trong các lần tổ chức Chương trình vì là lần đầu tiên, Chương trình được tổ chức ở cả hai nước Đối tác Chiến lược toàn diện, với sự tham dự của Lãnh đạo cấp cao hai bên.
Sau một chặng đường triển khai, có thể nhận thấy Chương trình được tổ chức vào dịp diễn ra chuyến thăm chính thức của Lãnh đạo cấp cao, các hoạt động góp phần tạo không khí hữu nghị, hợp tác trong các cuộc tiếp xúc, trao đổi, tạo không gian thích hợp cho mối quan hệ gần gũi, thân thiết giữa các lãnh đạo cấp cao cũng như thiện cảm của người dân sở tại với Việt Nam.
Chương trình tại mỗi quốc gia đều được cân nhắc rất tỉ mỉ từ nội dung, thông điệp truyền tải, hình thức thể hiện đến liều lượng sao cho phù hợp. Vì vậy, Chương trình trở thành một trong những công cụ đặc sắc và hữu hiệu để giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Lịch sử đã cho thấy, các quốc gia muốn hợp tác, phát triển lâu dài thì không thể không giao lưu, thấu hiểu cũng như chịu ảnh hưởng qua lại lẫn nhau về mặt văn hóa. Vì vậy, dù không trực tiếp nhưng về lâu dài, Chương trình góp phần khơi gợi lòng yêu thích, tìm hiểu về Việt Nam, trở thành động lực và mục tiêu của sự phát triển bền vững mà tất cả các quốc gia đều muốn hướng tới.
Đối với những người làm công tác NGVH, mỗi Chương trình qua đều là dịp để tạo bước chuyển biến rõ nét trong nhận thức cũng như sự phối hợp hành động của các bộ, ngành và địa phương về công tác này. Đây cũng là những cơ hội để huy động, vận dụng và mở rộng các ý tưởng cũng như nguồn lực phong phú từ các cơ quan, bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp để đổi mới, hoàn thiện và nâng cao chất lượng của Chương trình.
Với những ý nghĩa như đã nêu, Chương trình Tuần/Ngày Việt Nam được kỳ vọng là “con đường” với nhiều thú vị và trải nghiệm mới, thực hiện mục tiêu chung là phục vụ NGVH của Bộ và đất nước.
Một tiết mục biểu diễn trong khuôn khổ Ngày Văn hóa Việt Nam tại Nga. |
Công tác bảo tồn và phát huy giá trị các loại hình danh hiệu được UNESCO công nhận đang trở thành chủ đề quan tâm của nhiều địa phương. Vậy, Bộ Ngoại giao đã tham mưu, tư vấn, hỗ trợ các địa phương như thế nào?
Trước hết, cần khẳng định việc bảo tồn và phát huy giá trị các loại hình danh hiệu được UNESCO công nhận được Chính phủ, các bộ ngành và địa phương sở hữu các danh hiệu này quan tâm, thúc đẩy và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, việc cân bằng giữa bảo tồn và phát triển vẫn luôn đặt ra nhiều thách thức, nhất là trong điều kiện hiện nay, khi UNESCO đòi hỏi ngày càng cao và khắt khe đối với việc bảo tồn các danh hiệu di sản, trong khi nhu cầu khai thác, nhất là đối với di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới của các địa phương để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, cũng ngày càng lớn.
Bộ Ngoại giao với vai trò là cơ quan điều phối các hoạt động liên quan đến UNESCO giữa các bộ ngành và địa phương…đang phát huy vai trò trong việc đồng hành, phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan nhằm giải quyết bài toán hài hòa giữa bảo tồn và phát huy giá trị các loại hình danh hiệu của UNESCO. Bộ Ngoại giao đang phối hợp chặt chẽ với UNESCO, các địa phương tìm ra các biện pháp, cách thức phù hợp nhất để khai thác, phát huy nguồn “tài nguyên đặc biệt” là di sản trên cơ sở tôn trọng và thực hiện nghiêm túc các quy định của quốc tế. Bên cạnh đó, Bộ cũng giới thiệu cho các địa phương ý nghĩa thực sự của các danh hiệu của UNESCO.
Bộ cũng đưa ra nhiều ý kiến tư vấn, gợi mở để các địa phương có thể lựa chọn các loại hình danh hiệu phù hợp như di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, di sản phi vật thể đại diện nhân loại, công viên địa chất toàn cầu, di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức thế giới…Việc vận động được các loại hình danh hiệu của UNESCO cộng với quảng bá các danh lam thắng cảnh, nét đặc sắc văn hóa địa phương là một trong những biện pháp hữu hiệu nhằm xây dựng thương hiệu cho các địa phương trên cả nước.
Những nội dung nào sẽ được Vụ NGVH và UNESCO ưu tiên trong 6 tháng cuối 2019 theo tinh thần “trọng tâm, trọng điểm, phù hợp địa bàn và hiệu quả, thiết thực”, thưa ông?
Trước tiên, chúng tôi sẽ tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Đề án “Tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí minh, Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa kiệt xuất, ở nước ngoài”, trên cơ sở đó đề ra các phương hướng, hoạt động mới, hiệu quả hơn để giới thiệu tới bạn bè quốc tế các giá trị, tư tưởng của Việt Nam thông qua tư tưởng và cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thứ hai, chuẩn bị cho việc tổng kết 10 năm thực hiện “Chiến lược NGVH đến năm 2020”. Đây là công việc có ý nghĩa quan trọng nhằm đánh giá các kết quả đạt được và xác định phương hướng, trọng tâm của công tác NGVH trong giai đoạn tiếp theo.
Thứ ba là xây dựng và thực hiện các hoạt động NGVH trong khuôn khổ “Đề án tổng thể về việc Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2020” nhằm tạo dấu ấn, thể hiện vai trò Việt Nam trong việc củng cố đoàn kết ASEAN, thúc đẩy việc xây dựng cộng đồng ASEAN.
Một nội dung quan trọng khác là tiếp tục tăng cường quan hệ, tham gia sâu và có trách nhiệm tại tổ chức UNESCO để vừa học hỏi, vận dụng các sáng kiến của tổ chức trong các lĩnh vực giáo dục, khoa học và văn hóa phục vụ phát triển đất nước, vừa đóng góp cho hoạt động của UNESCO. Ngoài ra, chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành cùng với các cơ quan, địa phương liên quan bảo tồn và phát huy giá trị các di sản hiện có, đồng thời vận động cho các danh hiệu UNESCO sắp tới.
Xin cảm ơn ông!
| PGS-TS Lê Thanh Bình - “Nghệ sỹ” trong ngoại giao văn hóa Thông qua các hoạt động ngoại giao đậm chất văn hóa, bằng các hình thức thể hiện khác nhau theo “sở trường” của mình, các ... |
| Nâng tầm ngoại giao văn hóa Hơn 10 năm gắn bó và tâm huyết với Ngoại giao Văn hóa, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Sanh Châu vẫn cho ... |
| Khi văn học “nhập cuộc” ngoại giao Những năm gần đây, văn học đã trở thành một phần quan trọng của ngoại giao văn hóa và được nhiều quốc gia tập trung ... |