📞

Né 'đòn' từ Mỹ, các 'đại gia' năng lượng mặt trời Trung Quốc tìm đến Đông Nam Á

Trang Ngô 09:03 | 31/07/2022
Các công ty năng lượng mặt trời Trung Quốc đang thiết lập ngày càng nhiều cơ sở sản xuất ở khu vực Đông Nam Á trong bối cảnh gia tăng căng thẳng địa chính trị.
Trung Quốc hiện vẫn đứng đầu thế giới về sản xuất các sản phẩm năng lượng mặt trời. (Nguồn: AFP)

Điểm đến tiềm năng

Đông Nam Á đã trở thành một trong những điểm đến cung cấp dịch vụ chính cho các công ty năng lượng mặt trời của Trung Quốc kể từ năm 2011, khi Mỹ và châu Âu khởi xướng các cuộc điều tra chống bán phá giá và trợ cấp chống lại Bắc Kinh, dẫn đến việc áp thuế khổng lồ đối với mặt hàng năng lượng mặt trời nhập khẩu từ nước này.

Các động thái thương mại của Mỹ kể từ đó, bao gồm cả lệnh cấm đối với các sản phẩm năng lượng mặt trời ở Tân Cương do liên quan đến vấn đề lao động, đã làm gia tăng áp lực lên các công ty Trung Quốc và thúc đẩy nhiều hơn nữa việc tìm kiếm, mở thêm nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất ở nước ngoài.

Theo một báo cáo được Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) công bố hồi đầu tháng Tám, thời gian qua, các khoản đầu tư của Trung Quốc rót vào Malaysia và Việt Nam đã khiến hai quốc gia Đông Nam Á này trở thành những nhà xuất khẩu lớn các sản phẩm quang điện, lần lượt chiếm khoảng 10% và 5% thặng dư thương mại kể từ năm 2017.

Ông Li Xiande, Chủ tịch Tập đoàn JinkoSolar, một trong những nhà sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới cho biết, lý do chính khiến doanh nghiệp này chuyển sản xuất ra nước ngoài là để đối phó với những hạn chế thương mại từ Mỹ, mặc dù cơ sở hạ tầng công nghiệp, nguồn cung cấp năng lượng, nguồn nhân lực, cơ sở hậu cần cũng là những yếu tố quan trọng mà JinkoSolar cân nhắc tới.

Trao đổi tại một diễn đàn về chuỗi cung ứng năng lượng mặt trời diễn ra tại Trung Quốc tuần trước, ông Li Xiande chia sẻ: “Yếu tố đầu tiên mà chúng tôi cân nhắc khi chuyển dây chuyền sản xuất ra nước ngoài là vấn đề địa chính trị, tiếp đến là tỷ giá hối đoái trên toàn cầu đang nhiễu loạn - đây đều là hai rủi ro lớn nhất mà các tập đoàn tính đến khi đầu tư ra bên ngoài”.

Vào tháng Sáu, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đồng ý dỡ bỏ thuế quan đối với các sản phẩm năng lượng mặt trời từ Campuchia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam trong vòng hai năm nhằm hỗ trợ ngành năng lượng mặt trời của Mỹ và giúp nền kinh tế lớn thứ nhất thế giới đáp ứng những yêu cầu về biến đổi khí hậu.

Mặc dù Trung Quốc - quốc gia đứng đầu thế giới về sản xuất các sản phẩm năng lượng mặt trời đã bị “loại khỏi đường đua” nhưng đây lại là tin tốt cho các công ty năng lượng mặt trời của nước này tại Đông Nam Á.

Ông Zhuang Yan, Chủ tịch Canadian Solar, nhà sản xuất module năng lượng mặt trời của Trung Quốc có trụ sở chính tại Canada cho rằng, việc đầu tư ra nước ngoài là bước đi quan trọng khi phải đối mặt với các rào cản thương mại.

“Việc thiết lập các nhà máy sản xuất ở nước ngoài không xuất phát từ việc theo đuổi cơ hội, đó là một chiến lược đối phó với thách thức để tiếp cận thị trường”, Chủ tịch Canadian Solar nhấn mạnh.

Để tăng cường năng lực sản xuất, công ty này đã thiết lập các nhà máy sản xuất tại các quốc gia Đông Nam Á như Malaysia, Indonesia và Thái Lan.

Đa dạng chuỗi cung ứng

Khi sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ gia tăng, nhiều công ty năng lượng mặt trời trên thế giới bắt đầu tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Thị phần toàn cầu của Trung Quốc trong các giai đoạn sản xuất chính của một bảng điều khiển năng lượng mặt trời (được làm từ polysilicon, tế bào silicon tinh thể, tế bào màng mỏng, các module) hiện đã chiếm hơn 80%, theo một báo cáo của IEA.

Cũng theo báo cáo, thế giới sẽ gần như phải hoàn toàn dựa vào quốc gia châu Á này để cung cấp các thành phần chính của tấm pin năng lượng mặt trời cho đến năm 2025.

IEA cho rằng, việc tập trung hầu hết quy trình sản xuất tại một nước cho thấy lỗ hổng đáng kể trong chuỗi cung ứng năng lượng mặt trời và cần phải sớm đa dạng chuỗi sản xuất.

Ông Martin Meyers, Giám đốc thị trường của một công ty sản xuất sản phẩm năng lượng mặt trời tại châu Âu cho hay: “Các bên mua đang ngày càng tìm kiếm sự đa dạng về địa lý trong nguồn cung để giảm thiểu không chỉ các vấn đề địa chính trị mà còn các rủi ro khác như các chính sách hạn chế Covid-19, thiên tai, khó khăn trong khâu vận chuyển…”.

Để tránh phụ thuộc vào Trung Quốc, các doanh nghiệp và nhà hoạch định chính sách của châu Âu cũng đang thực hiện các bước nhằm thúc đẩy năng lực sản xuất ở châu lục này.

Tập đoàn REC, nhà sản xuất bảng điều khiển năng lượng mặt trời lớn nhất châu Âu, có trụ sở chính tại Na Uy, đang có kế hoạch mở rộng sản xuất.

Trong khi đó, công ty tiện ích lớn nhất của Italy Enel cũng đang mở rộng quy mô nhà máy sản xuất bảng điều khiển năng lượng mặt trời ở khu vực Sicily sau khi được Ủy ban châu Âu (EC) tài trợ.

Bên ngoài châu Âu, QCells, một trong những nhà sản xuất quang điện lớn nhất thế giới cũng đang tăng gấp đôi công suất sản xuất các nhà máy ở Mỹ.

Ông Meyers cho rằng, cuộc đua đang bùng phát ở châu Âu và Mỹ có thể là cơ hội để các nhà sản xuất Trung Quốc mở rộng ra ngoài biên giới Trung Quốc và Đông Nam Á.

“Các công ty Trung Quốc là những nhà sản xuất hàng đầu thế giới về công nghệ và bí quyết sản xuất, vì vậy, họ cũng có thể là những người chơi hợp lý trong chuỗi cung ứng sản xuất tiềm năng của Mỹ. Nhưng họ sẽ không đầu tư trừ khi họ tin rằng có thể tạo ra và nắm bắt giá trị”, ông Meyers nhận định.

Trong khi đó, Chủ tịch Canadian Solar Zhuang Yan đánh giá, việc xây dựng một chuỗi ngành dọc hoàn chỉnh ở Mỹ sẽ mất hơn một thập niên và sẽ tốn kém hơn nhiều so với việc đầu tư vào Đông Nam Á.

“Các sản phẩm sản xuất tại Mỹ khi đến tay khách hàng giá thành sẽ rất cao. Mỹ sẽ nhận ra rằng nhiều mắt xích trong chuỗi công nghiệp không phù hợp để xây dựng ở nước này và sẽ cần phải tìm giải pháp ở một nước thứ ba”, ông Zhuang Yan phân tích.

(theo SCMP)