Xe bán loempia và bánh mỳ kiểu Việt Nam (picollo) ở thành phố du lịch Brugge. |
Làm giàu với loempia
Hai ngày cuối tuần ở Bỉ, các cửa hàng hầu như đóng cửa. Đó là dịp người dân đi chợ ngoài trời để vừa mua sắm, vừa thay đổi không khí. Có nơi chợ ngoài trời chỉ mở vào thứ bảy, chủ nhật, có nơi vào thứ năm và thứ bảy hoặc thứ tư, thứ sáu. Điều thú vị là, nhiều người bán chỉ trông vào hai ngày có chợ mà đủ lãi để nuôi gia đình, mua nhà cửa.
Như những người nhập cư khác, người Việt cũng tìm kế sinh nhai ở các phiên chợ ngoài trời. Tại chợ trời lớn nhất Antwerp, có một quầy hàng bán loempia duy nhất của vợ chồng anh Phú. Gần 20 năm nay, anh đã bán món chả giò này để nuôi gia đình và mua đứt được căn nhà trị giá hơn nửa triệu Euro. Anh Phú cho biết, trước đây anh có một công việc khác lương cao, nhưng sau khi phụ bán chả giò thấy lãi quá nên quyết định bỏ việc để bán chả giò.
Bán hàng tại chợ ngoài trời, ai cũng dùng một cái xe có thùng chuyên dụng. Khi tới chợ, cái xe được sắp lại thành quầy hàng, có chỗ để nấu, để thức ăn trong thùng lạnh rất tiện lợi. Công việc thoạt nhìn có vẻ “ngon lành”, nhưng có trong nghề mới biết, trước khi đến chợ phải cuốn chả giò mỏi tay, rồi lúc đến chợ lúc nào cũng đứng cạnh chảo dầu để chiên từ sáng đến chiều, anh Phú tâm sự.
Một phụ nữ Việt ở thành phố Hasselt lấy chồng Bỉ cũng bán chả giò ngoài chợ trời ở các thành phố lân cận. Tùy theo phiên chợ, để lái xe cho kịp giờ, có khi cô phải dậy từ 4 giờ sáng để kịp tới chợ bán. Nhiều người Bỉ đã mua lại chả giò cuốn sẵn với giá khoảng 40 cent/chiếc vì họ không biết công thức làm loempia kiểu Việt Nam, và quan trọng là không đủ khéo léo để cuốn chiếc chả giò trăm cái như một, rất xinh xắn như bàn tay người Việt.
Trong một lần tới chơi ở thành phố Dinant, quê hương của cây đàn saxophone, tôi thấy có tới ba quầy hàng bán loempia ở chợ ngoài trời bên cạnh con sông thơ mộng và ngay trung tâm du lịch nổi tiếng. Bên cạnh món loempia còn có mì xào thập cẩm kiểu Sài Gòn, cơm rang thập cẩm. Nhiều hàng còn ghi hẳn bằng tiếng Việt chữ “nem Quê Hương”, dù biết rằng chẳng Tây nào hiểu được, làm tôi thấy lòng rưng rưng...
Loempia vẫn giữ hương vị Việt
Cái tên loempia có gốc gác từ món ăn rất giống chả giò của người Trung Quốc. Tên Trung Quốc gọi là lunpia, rồi biến thể thành lumpia hay loempia khi du nhập sang các nước như Philippines hay Indonesia. Ở vùng nói tiếng Hà Lan, món chả giò giữ cái tên loempia.
Sự khác nhau giữa món chả giò thuần Việt và chả giò của người Trung Quốc hay Indonesia… là ở cách làm nhân và nước chấm. Bởi vậy, các quầy hàng bán chả giò bao giờ cũng ghi rõ “Vietnamese loempia”. Có dịp nếm thử loempia của người Việt ở các chợ ngoài trời ở Bỉ, tôi mới thấy cách làm nhân còn giữ nguyên gốc khá nhiều. Nhân loempia do người Việt ở đây làm gồm: thịt nạc xay, trứng, miến, mộc nhĩ, nấm hương, giá đỗ, cà rốt và có biến thể chút ít tùy nơi. Món này ăn kèm với nước sốt do người Việt tự chế, có màu đỏ của ớt, nhưng cay nhẹ, có vị chua ngọt và sánh, rất ngon.
Sự thay đổi lớn nhất của món chả giò ở Bỉ là vỏ bánh không làm bằng bánh đa nem (bột gạo) mà bằng bột mỳ cán mỏng, bán sẵn tại các cửa hàng bán đồ châu Á.
Tại Bỉ, người Trung Quốc và người Thái thành công hơn với nhà hàng vì họ đã đặt chân đến trước người Việt và họ không bán buôn ở chợ. Tuy nhà hàng Việt ở Bỉ chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhưng món loempia có lẽ là hình ảnh thân thương nhất về người Việt trên xứ này. Tuy không làm cho người Việt trở nên quá giàu có nhưng cũng làm cho họ có một cuộc sống no đủ. Sự phổ biến của chả giò Việt Nam tại Bỉ cho thấy món ăn này đã được chấp nhận rộng rãi, xứng đáng là một trong những món ngon của thế giới.
Hương Giang(từ Brussels)