📞

Nền kinh tế lớn nhất châu Âu đón tin tốt lành, mất 'khách sộp' mua khí đốt, Nga toan tính điều gì?

Việt An 08:44 | 30/10/2023
Các chuyên gia của IEA nhận định, "thời kỳ hoàng kim của khí đốt tự nhiên" sắp kết thúc, thay vào đó, nguồn cung LNG trên toàn thế giới được kỳ vọng sẽ tăng mạnh từ năm 2025.
Kỷ nguyên khí đốt hóa lỏng bắt đầu - tin vui đối với người tiêu dùng Đức? (Nguồn: Reuters)

Nguồn cung khí đốt hóa lỏng (LNG) trên toàn thế giới được kỳ vọng sẽ tăng mạnh từ năm 2025. Trong tương lai, thị phần của Nga trong thương mại khí đốt quốc tế có thể sẽ giảm đáng kể. DW nhận định, đối với người tiêu dùng Đức, làn sóng LNG tăng mạnh là một tin tốt.

Thời kỳ hoàng kim của khí đốt tự nhiên sắp kết thúc

Tại Đức, giá khí đốt vẫn đắt hơn đáng kể so với trước khi diễn ra chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, bất chấp các biện pháp nhằm giới hạn giá năng lượng của chính phủ liên bang.

Khi Nga giảm nguồn cung khí đốt cho Đức vào năm ngoái, chính phủ đã phải mua LNG từ khắp nơi trên thế giới. Lượng LNG được vận chuyển bằng các con tàu đến Đức với khối lượng ngày càng tăng.

Việc mặt hàng này khan hiếm và đắt đỏ trên thị trường thế giới khiến nền kinh tế lớn nhất châu Âu phải chi thêm nhiều tỷ Euro để có được khối lượng cần thiết cho nhu cầu tiêu thụ trong nước.

Nhưng tình hình đang dần khả quan hơn. Theo dự báo mới nhất của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nguồn cung LNG toàn cầu sẽ tăng đáng kể ngay từ đầu năm 2025.

Ngoài ra, nhu cầu về khí đốt sẽ giảm dần. Điều này không chỉ gây áp lực khiến giá LNG giảm dần, giúp việc sử dụng khí đốt ở Đức và châu Âu trở nên dễ dàng hơn; mà còn tạo ra những hậu quả địa chính trị.

Theo nhà kinh tế trưởng Tim Gould của IEA, thị trường khí đốt thế giới đang dần tràn ngập LNG.

Sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các nhà cung cấp LNG sẽ khiến khí đốt tự nhiên chảy qua đường ống của Nga chỉ còn lại những khách hàng hạn chế.

Báo cáo Triển vọng năng lượng thế giới 2023 được IEA công bố gần đây cho thấy, từ năm 2025, các dự án LNG mới sẽ có mức độ gia tăng chưa từng có. Đến năm 2030, công suất LNG toàn cầu sẽ tăng 45% so với hiện tại. Đồng thời, từ năm 2030, nhu cầu khí đốt nói chung sẽ giảm dần.

Theo các tác giả của báo cáo Triển vọng Năng lượng Thế giới 2023, "thời kỳ hoàng kim của khí đốt tự nhiên" sắp kết thúc.

Nhu cầu sử dụng khí đốt để sưởi ấm trong các tòa nhà đã đạt đỉnh. Hiện tại, khả năng cách nhiệt của các tòa nhà và sự gia tăng mạnh mẽ của các loại điều hòa không khí khiến cho nhu cầu khí đốt sẽ giảm mạnh trong những năm tới.

Ngay trước khi nhu cầu giảm, nguồn cung khí lỏng trên thị trường toàn cầu đang tăng lên.

Liên minh khí đốt quốc tế (IGU), một hiệp hội quốc tế của ngành khí đốt, đã xác nhận xu hướng này. Theo đó, toàn thế giới hiện có 668 tàu chở LNG và tàu đưa khí lỏng trở lại trạng thái khí đang hoạt động trên các đại dương, đồng thời có thêm 312 tàu mới khác trong danh sách đặt hàng của các nhà máy đóng tàu.

Gần đây, các công ty Mỹ như Venture và Cherniere đang mở rộng và xây mới các cơ sở hóa lỏng khí đốt ở Plaquemines (bang Louisiana), Corpus Christi và Port Arthur (bang Texas). Dự kiến, nhiều cơ sở hóa lỏng khí đốt mới sẽ tiếp tục được đưa vào hoạt động tại các địa điểm này trong những năm tới.

Trong khi đó, bộ ba quốc gia dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực LNG là Mỹ, Australia và Qatar (mỗi quốc gia chiếm khoảng 20% thị phần thế giới) đã bỏ xa Nga - quốc gia xuất khẩu LNG lớn thứ tư trên thế giới (chiếm khoảng 8% thị phần thế giới). Nga hiện cung cấp nhiều LNG cho châu Âu do châu Âu không có các lệnh trừng phạt trong lĩnh vực này.

Nga mất vị thế?

Các chuyên gia tại IEA cho rằng, tương lai của Nga với tư cách nước xuất khẩu LNG hàng đầu không mấy sáng sủa.

Moscow đã có kế hoạch mở rộng các cơ sở LNG, ví dụ cơ sở Portovaya ở Biển Baltic. Nhưng IEA nhận thấy, Nga sẽ không thể đưa lĩnh vực xuất khẩu khí đốt trở lại mức trước năm 2022.

Ngược lại, thị phần khí đốt của đất nước trong các giao dịch quốc tế ở mức 30% trong năm 2021 được dự báo sẽ giảm xuống chỉ còn một nửa vào năm 2030.

"Toan tính Điện Kremlin về việc sẽ bù đắp sự mất mát khách hàng châu Âu thông qua việc bán khí đốt sang châu Á không mang lại hiệu quả.

Đường ống Sức mạnh Siberia 1 (Power of Siberia 1) đưa dòng khí đốt tự nhiên từ Nga tới Trung Quốc chỉ có công suất bằng một phần đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1) trước đây ở Biển Baltic", IEA dự báo.

Hiện tại, Moscow muốn lắp đặt một đường ống lớn hơn tới Trung Quốc - đường ống Sức mạnh Siberia 2 - với công suất gần tương đương đường ống Dòng chảy phương Bắc. Nhưng các phương tiện truyền thông tiết lộ, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn chưa chính thức phê duyệt dự án này.

IEA đánh giá: "Nga đã mất khách hàng lớn nhất - châu Âu".

Nước Đức có thể tiếp cận những nguồn cung thay thế khí đốt từ Nga. (Nguồn: Reuters)

Đức thêm lựa chọn

Đến thời điểm này, do thị trường LNG đang phát triển nhanh chóng, nước Đức có thể tiếp cận những nguồn cung thay thế khí đốt từ Nga. Bên cạnh đó, giá khí đốt ở châu Âu có thể sẽ giảm trong thời gian tới nên chi phí sưởi ấm cũng như giá điện ở Đức cũng sẽ giảm theo.

Tại Đức, sau khi các nhà máy điện hạt nhân và điện than đóng cửa, vai trò của các nhà máy điện chạy bằng khí đốt tăng lên trong bối cảnh năng lượng tái tạo chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ. Với việc giá khí đốt tăng cao, giá điện nói chung cũng tăng mạnh trong thời gian qua.

Vậy nên giá khí đốt giảm sẽ là tin tốt lành cho ngành điện vì nó làm giảm chi phí sản xuất của nhà máy điện, ít nhất là trong trung hạn.

(theo DW)