📞

Nền sản xuất 'thất thế', thêm một nước châu Âu dùng tiền níu kéo doanh nghiệp ở lại quê nhà

Minh Anh 08:28 | 06/01/2024
Muốn nhận tiền từ chính phủ Pháp, chỉ cần ở lại Pháp!

Quốc gia thành viên hàng đầu châu Âu này kỳ vọng, việc sửa đổi trên sẽ mở đường cho nền kinh tế và môi trường kinh doanh cải thiện được khả năng cạnh tranh, trước sức hấp dẫn khó cưỡng của các điểm đến đầu tư hàng đầu thế giới, như Mỹ và Trung Quốc.

Dự luật ngân sách năm 2024 sửa đổi của Pháp quy định rõ “Các công ty đa quốc gia muốn tiếp cận các khoản đầu tư công của chính phủ Pháp phải ở lại hoạt động tại nước này tối thiểu 10 năm sau khi nhận được tiền đầu tư".

Quá nhiều ngành công nghiệp của Pháp đã chuyển sản xuất sang các nước EU khác. (Nguồn: Shutterstock)

Ứng phó với thách thức lớn của thời đại

Việc sửa đổi này lần đầu được tiết lộ bởi hãng tin Contexte của Pháp. Theo đó, Dự luật sẽ bổ sung các tiêu chí về điều kiện xã hội cho bất kỳ công ty nào muốn hưởng lợi từ nguồn tiền trong “Kế hoạch nước Pháp 2030 (France 2030)” - kế hoạch đầu tư quốc gia trị giá 54 tỷ Euro hướng tới tái công nghiệp hóa và phát triển các công nghệ tiên tiến nhất.

Được bình luận là “một ngân sách khổng lồ nhằm ứng phó với những thách thức lớn của thời đại” - với “Kế hoạch Nước Pháp 2030”, Tổng thống Emmanuel Macron kỳ vọng sẽ mở ra một chặng đường phát triển 10 năm tới của nước Pháp.

Theo đó, Paris quyết đầu tư lớn để có thể chuẩn bị và làm chủ tất cả các công nghệ, cũng như phát triển các công nghệ mới nhằm ứng phó với các thách thức trong tương lai, nhất là về kỹ thuật số hay chuyển đổi sinh thái.

“Kế hoạch Nước Pháp 2030” được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 2021 khi đại dịch Covid-19 hoành hành, nhằm cung cấp các khoản trợ cấp để tăng cường phát triển Lò phản ứng modul nhỏ (SMR) và hydro xanh, đồng thời hỗ trợ sản xuất hai triệu xe điện vào năm 2027, cùng với các mục tiêu khác.

Một phần của Dự luật ngân sách năm 2024, gồm các chi tiết hiện đang được các nghị sĩ trong Ủy ban Tài chính của Quốc hội Pháp thảo luận, nhằm xác nhận và kiểm soát các điều kiện đã đặt ra trong “Kế hoạch Nước Pháp 2030”.

Trong đó, một điều kiện do các nghị sĩ đảng cực tả đưa ra đã bất ngờ được thông qua - theo đó, yêu cầu các công ty lớn “duy trì hoạt động kinh tế của họ trên lãnh thổ Pháp trong ít nhất 10 năm, sau khi nhận được tiền đầu tư”. Các công ty này cũng phải duy trì lực lượng lao động của mình ở mức tương tự hoặc cao hơn so với thời điểm họ lần đầu tiên nhận được tiền.

Hơn nữa, mỗi doanh nghiệp và chính phủ được yêu cầu phải có một chiến lược công nghiệp chung để phổ biến sự phát triển công nghiệp tới các khu vực nghèo hơn, phi công nghiệp hóa nặng nề hơn thuộc lãnh thổ Pháp. Những công ty không tuân thủ các quy tắc này sẽ bị yêu cầu hoàn trả tổng số tiền trợ cấp.

“Quá nhiều ngành công nghiệp của Pháp đã chuyển sản xuất sang các nước Liên minh châu Âu (EU) khác”, Nghị sĩ cực tả La France Insoumise (LFI) Laurent Alexandre nhận định.

Theo ông, đây là một vấn đề rất đáng quan ngại - đã đến lúc các công ty bắt đầu phải chịu trách nhiệm về số tiền chi tiêu công mà chính phủ đã chi cho họ. Vị nghị sĩ này đồng thời kêu gọi chính phủ “ngăn chặn tình trạng chảy máu" này.

Cải cách của Tổng thống Macron đang được đền đáp?

Theo số liệu công bố gần đây, trong khó khăn chung của châu Âu, nền kinh tế đầu tàu khu vực - Đức, rơi vào suy thoái, thì GDP của Pháp vẫn tiếp tục tăng trưởng và các cuộc cải cách đã bắt đầu.

Nền kinh tế Pháp tăng trưởng 0,1% trong quý III/2023, sau mức tăng trưởng 0,6% từ tháng 4 đến tháng 6. Còn nền kinh tế Đức lại có một bản báo cáo "khá buồn" khi sản lượng sụt giảm trong quý III, làm tăng nguy cơ suy thoái kinh tế kéo dài.

Cách đây không lâu, Pháp được coi là “kẻ chậm chạp của châu Âu” do thiếu các cải cách kinh tế và tỷ lệ thất nghiệp cao. Tuy nhiên, những gì kinh tế nước này đạt được như hiện nay, đang được coi như "một sự đền đáp" xứng đáng cho những cải cách "mạnh tay" của Tổng thống Macron.

Chưa hết, sự vượt trội về kinh tế hiện nay của nước Pháp còn được cho là có nguyên nhân sâu xa hơn. Giáo sư luật và kinh tế người Đức Armin Steinbach của Đại học HEC, cho rằng, "Tổng thống Emmanuel Macron đang gặt hái thành quả từ những cải cách đầy tham vọng mà ông đã thực hiện kể từ lần đầu tiên lên nắm quyền vào năm 2017. Theo đó, chính phủ đã giảm thuế doanh nghiệp, tự do hóa thị trường lao động, cải cách bảo hiểm thất nghiệp và thúc đẩy một cuộc cải cách lương hưu đầy khó khăn".

Vị chuyên gia này nói thêm, chương trình cải cách của ông Macron cũng đang có tác động không nhỏ đến tỷ lệ thất nghiệp của đất nước, hiện ở mức 7% - mức thấp nhất trong 20 năm.

Nhưng nhà kinh tế học Catherine Mathieu, tại OFCE - cơ quan quan sát kinh tế của Đại học Sciences Po có trụ sở tại Paris, cho rằng, nền kinh tế Pháp “không phải là một sinh viên kiểu mẫu”. Mà theo bà, nói đúng hơn là kinh tế Đức đã "hoạt động đặc biệt tệ" trong ba năm qua.

"Trung bình, GDP của khu vực đồng Euro đã tăng 3,1% kể từ cuối năm 2019. Pháp nằm ở giữa bảng với 1,7%, nhưng Đức đứng cuối bảng với mức tăng trưởng chỉ 0,2%".

Không ít chuyên gia cho rằng, cơ cấu kinh tế Pháp dường như đang đi theo định hướng công nghiệp Đức.

“Pháp thực sự đang theo bước Đức và đang thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa đổi mới. Nhưng điều quan trọng đối với khu vực đồng Euro là bao gồm các nền kinh tế có cấu trúc khác nhau, để không phải tất cả các nền kinh tế trong khu vực đều suy thoái cùng một lúc”, Anne-Sophie Alsif, nhà kinh tế trưởng tại Công ty Tư vấn kiểm toán BDO có trụ sở tại Paris nhận định.

Tuy nhiên, câu chuyện thành công của Pháp trong năm 2023 cũng có những vấn đề. Nợ công của đất nước đã tăng vọt lên hơn 3 nghìn tỷ Euro (3,16 nghìn tỷ USD) - 112,5% GDP so với mức dưới 100% vào năm 2019. Thâm hụt ngân sách hằng năm là khoảng 5%, cao hơn nhiều so với mức trần thâm hụt 3% do EU đặt ra.

Theo các nhà kinh tế, điều đó sẽ không dẫn đến việc Pháp sớm phá sản. Nhưng khoản nợ tích lũy của nó cuối cùng sẽ "phát tác".

Chuyên gia Steinbach của HEC nhấn mạnh: “Nếu một quốc gia sử dụng nhiều tiền của mình để trả nợ, quốc gia đó không thể sử dụng số tiền đó vào các mục đích quan trọng hơn... Tại một thời điểm nào đó, các biện pháp thắt lưng buộc bụng sẽ là cần thiết, điều này có thể dẫn đến bất ổn chính trị. Và khi đó cũng sẽ không còn tiền để triển khai các chương trình trợ cấp công hào phóng nữa".

(theo Euractiv, DW)