Ảnh minh họa. |
Mỗi quốc gia thuộc khu vực Trung Đông - Bắc Phi mang một nét văn hóa riêng biệt nhưng vẫn có nhiều điểm chung. Những điểm chung có thể kể ra đó là phần lớn người dân theo đạo Hồi, sử dụng chủ yếu là ngôn ngữ Ả-rập, có lịch sử liên quan chặt chẽ với nhau… Không thể phủ nhận chất Ả-rập đậm nét và màu sắc tôn giáo bao trùm lên tất cả các hoạt động của đời sống văn hóa, xã hội.
Tôn giáo
Một trong những câu hỏi đầu tiên khi bạn đến khu vực này sẽ là: “Bạn theo tôn giáo nào”? Tôn giáo (chủ yếu là đạo Hồi) đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong tất cả các hoạt động chính trị, kinh tế và văn hóa - xã hội. Các tôn giáo chính ở khu vực bao gồm Hồi giáo Sunni, Hồi giáo Shia, đạo Kitô, đạo Do Thái, một số tôn giáo của các bộ lạc...
Ngôn ngữ
Tiếng Ả-rập là ngôn ngữ được sử dụng rộng rãi nhất và được vay mượn từ vựng từ nhiều ngôn ngữ khác nhau như tiếng Do Thái, Hy Lạp, Ba Tư… Đây là ngôn ngữ phong phú, đặc biệt có số lượng lớn từ đồng nghĩa.
Trong thời kỳ hội nhập, với tiềm năng kinh tế phát triển mạnh mẽ, tiếng Anh trở thành ngôn ngữ được nói nhiều thứ hai tại khu vực này. Có thể kể qua một số ngôn ngữ khác như tiếng Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Do Thái, Farsi...
Phong tục tập quán
Giao tiếp: Người Ả-rập rất coi trọng nghi lễ và thường xét nét tất cả những biểu hiện bề ngoài. Luật Sharia không cho phụ nữ tiếp xúc với nam giới không phải là người trong gia đình. Ở các nơi công cộng, nam nữ phải tách riêng… Dù người nước ngoài cũng không được vi phạm những điều này.
Ăn uống: Do hầu hết khu vực MENA theo đạo Hồi, tín đồ Hồi giáo không ăn thịt heo, uống rượu. Khi dùng hay mang theo những thức này bạn phải tránh không để họ trông thấy vì có thể bị kết tội là không tôn trọng đạo Hồi. Trong bữa ăn, người Ả-rập sử dụng dao, thìa, dĩa và thức ăn được đặt trên đĩa, một số nơi vẫn có sử dụng tay phải để ăn vì tay trái được cho là “không sạch sẽ” và không thích hợp.
Trang phục: Hiếm ở đâu mà trang phục và phong cách phải đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe như trong thế giới Ả-rập. Theo quy định của đạo Hồi, phụ nữ phải mặc váy áo trùm kín người màu đen, đảm bảo che tóc và chỉ được hở đôi mắt.
Tuy nhiên, hiện nay, ở một số quốc gia như Ai Cập, Libya, phụ nữ đã biết cách tân những bộ trang phục truyền thống nhưng vẫn đảm bảo yếu tố kín đáo. Phụ nữ có thể tự do lựa chọn sử dụng khăn trùm đầu hay không trong đời sống hàng ngày. Nam giới phải mặc quần dài và không được phép đeo dây chuyền ở nơi công cộng.
Lễ hội
Người Hồi giáo có hai đại lễ trong năm là tháng Ramadan và Lễ hiến sinh Eid el-Adha (hay còn gọi là Lễ cừu).
Tháng Ramadan thường diễn ra vào cuối mùa hè. Trong khoảng thời gian một tháng, những người theo đạo Hồi sẽ nhịn ăn, uống, hút thuốc, quan hệ luyến ái từ lúc mặt trời mọc cho đến khi mặt trời lặn.
Eid Al-Fitr là ngày lễ ăn mừng hoàn thành bổn phận nhịn chay được diễn ra vào ngày cuối tháng Ramadan. Lễ Eid Al-Adha được diễn ra vào ngày 10-12/12 theo lịch Hồi giáo, đây là tháng của những cuộc hành hương đến Makkah để thực hiện nghi thức Hajj tại ngôi đền thiêng liêng Kabah đối với tín đồ Hồi giáo có điều kiện. Đại lễ này được tổ chức nhằm tưởng niệm việc tiên tri Abraham sẵn sàng hiến tế con trai của mình cho thánh Allah. Tuy nhiên, Allah đã từ chối và trao cho anh ta một con cừu thế mạng.
Văn hóa nghệ thuật
Từ lâu, những bài hát ca ngợi thánh Alah, ca ngợi tôn giáo thường được ưa chuộng. Ngày càng xuất hiện thêm nhiều bài hát về tình yêu, tình bạn, về cuộc sống giúp nền âm nhạc thêm phong phú.
Người Ả-rập không thích treo ảnh nhân vật trong nhà, thậm chí cả ảnh thần thánh, thay vào đó, họ treo những bức thư pháp theo phong cách Ả-rập. Thư pháp là một sự biểu đạt của nghệ thuật cao quý nhất - nghệ thuật của thế giới tâm linh. Thư pháp đã trở thành hình thức thiêng liêng nhất của nghệ thuật Hồi giáo vì nó mang lại một mối liên kết giữa các ngôn ngữ của người Hồi giáo với đạo Hồi. Các câu cách ngôn và các đoạn hoàn chỉnh trong kinh Koran - kinh thánh của đạo Hồi là những trích dẫn sống động cho thư pháp Ả-rập.
Khánh My